- Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời:
Theo Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp công vụ được áp dụng đối với cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ở xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang, bao gồm 7 nhóm.
Trong đó, theo điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định này có nhóm: “Công chức theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức và các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 12 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/ 2010 của Chính phủ quy định những người là công chức; không bao gồm công chức quy định tại Điều 11 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP”.
Tại Điều 12 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định: “Công chức được cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp do các tổ chức đó trả lương”. Quy định này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 6 Thông tư số 08/2011/TT-BNV ngày 02/6/2011 của Bộ Nội vụ như sau:
“1. Tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp quy định tại Điều 12 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP bao gồm các hội có tính chất đặc thù quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù.
2. Các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp quy định tại Điều 12 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP gồm Chủ tịch chuyên trách, Phó Chủ tịch chuyên trách, Tổng thư ký của tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở Trung ương, cấp tỉnh.
3. Công chức được luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp vẫn được xác định là công chức”.
Theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội quy định: “Hội có tính chất đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định, thực hiện các quy định chung tại Nghị định này và quy định của Điều này, Điều 34, Điều 35 của Nghị định này”. Và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thuộc danh sách các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước.
Ngoài ra, theo Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thì Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội hoạt động nhân đạo. Tổ chức của Hội gồm: “a) Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; b) Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh); c) Hội Chữ thập đỏ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh và tương đương (gọi chung là cấp huyện); d) Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn và tương đương (gọi chung là cấp xã)”.
Căn cứ những quy định nêu trên thì chỉ những công chức được cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (do Hội trả lương) như: Chủ tịch chuyên trách, Phó Chủ tịch chuyên trách, Tổng Thư ký ở Trung ương và cấp tỉnh thì mới được coi là vị trí chủ chốt và được hưởng phụ cấp công vụ.