Ngang nhiên lấn chiếm
Hồ Hoàng Cầu luôn được đánh giá là một trong những hồ lớn và sạch trong nội đô Hà Nội. Sự có mặt của hồ Hoàng Cầu giúp điều hoà không khí khu vực phường Ô Chợ Dừa nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung, tạo môi trường trong lành và tươi mát. Phía ven hồ Hoàng Cầu vỉa hè được thiết kế rộng nhằm phục vụ mục đích cho người dân sinh sống khu vực lân cận vui chơi, tản bộ, ngắm cảnh quan hồ.
Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên, dọc đoạn đường Mai Anh Tuấn phía vỉa hè ven hồ Hoàng Cầu xuất hiện hàng loạt các quán “nhậu”, quán càfe, giải khát…với quy mô đa dạng, từ quán “cóc” cho đến nhà hàng sang trọng thay nhau chiếm dụng. Việc lấn chiếm vỉa hè nơi đây khiến mỹ quan đô thị khu vực này bị ảnh hưởng trầm trọng. Tình trạng hàng quán chiếm dụng hết không gian vỉa hè tạo nên cảnh tượng nhếch nhác, lộn xộn, không đáp ứng được mục đích, chức năng vốn có của vỉa hè mặt hồ.
Nổi bật nhất về tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên dọc đoạn đường này, phải nhắc đến một số quán bia hơi lớn như: quán bia có địa chỉ tại số 290, quán bia 294 đường Mai Anh Tuấn, quán beer Hà Hồ… Các quán này tận dụng tối đa không gian, diện tích của vỉa hè ven hồ để kê bàn ghế phục vụ thực khách. Thậm chí quán bia hơi có địa chỉ tại số 290 và 294 còn dựng lên những ô cao và to làm mái che, biển hiệu được trái phép khiến cảnh quan nơi đây bị phá vỡ, biến dạng.
Ngoài các quán kể trên, khu vực vỉa hè ven hồ còn gần chục quán bia, cafe lớn nhỏ khác. Các quán này trung bình chiếm dụng từ 5 cho đến 10m chiều dài vỉa hè. Có quán thì kê bàn nhựa, có quán thì kê bàn gỗ khung sắt để phục vụ thực khách. Thời gian hoạt động của các quán cũng khá nhiều, trung bình khoảng từ 10 đến 14 tiếng một ngày. Những khung giờ cao điểm như giờ ăn trưa và từ chiều tối, khu vực này rất đông thực khách. Đặc biệt vào những ngày thời tiết nắng nóng, các quán tại đây gần như không còn chỗ trống.
Địa phương bất lực?
Việc các hộ kinh doanh “nuốt” trọn vỉa hè làm nơi uống bia cho các “dân nhậu”, khiến những người dân sinh sống quanh khu vực không có nơi sinh hoạt và tập thể dục. Người đi bộ thì cũng phải ngao ngán chấp nhận đi dưới lòng đường dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Theo anh N.T - một người dân sinh sống tại đây cho biết, không chỉ việc người dân đi bộ dưới lòng đường dễ dẫn đến tai nạn giao thông, mà còn việc các nhân viên phục vụ quán mỗi khi bưng đồ cho thực khách cũng gây mất an toàn giao thông.
Anh N.T kể: “Cách đây không lâu tại đây cũng xảy ra vụ va quệt, một thanh niên đi xe máy chạy khá nhanh đã quệt vào một nhân viên quán bia khi cậu nhân viên này đang bê két bia sang phục vụ khách. Giờ khu vực này như phố ăn nhậu, nên các “ma men” cũng xuất hiện nhiều. Trước đây, tôi thường cho các con tự đi bộ quanh hồ, sau vài vụ quệt xe thì tôi không dám để các cháu tự đi nữa.”
Hàng năm, Nhà nước đã tốn rất nhiều tiền để duy trì cảnh quan và môi trường của các hồ điều hòa của Hà Nội trong đó có hồ Hoàng Cầu. Nhìn nhận về nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm kể trên, trước hết là ý thức chấp hành các quy định về trật tự đô thị, trật tự công cộng của người dân, hộ dân kinh doanh xung quanh khu vực hồ Hoàng Cầu còn hạn chế.
Ngoài ra, cùng một phần do chính quyền địa phương chưa kiên quyết xử lý vi phạm, còn nể nang thậm chí buông lỏng quản lý dẫn đến việc xử lý vi phạm theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa". Trước thực trạng vi phạm diễn ra nhiều năm và phổ biến tại khu vực phường Ô Chợ Dừa, dư luận cho rằng các lực lượng chức năng địa phương chưa xử nghiêm các hành vi vi phạm.