“Việc nhà” mùa giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa giãn cách, gia đình thường ở bên nhau cả ngày. Đây cũng là thời điểm các thành viên cần học cách nhìn nhận sự hy sinh của người phụ nữ, học cách cảm thông và sẻ chia nhiều hơn thông qua việc nhà.
Hình minh họa
Hình minh họa

Mẹ không phải người phục vụ

Những ngày giãn cách, với thời gian trọn vẹn ở nhà, không ít “mẹ hiền, vợ đảm” thi nhau trổ tài, chăm chút gia đình bằng nhiều cách. Có mẹ học cách nấu những món ăn ngon, mới mẻ, đủ loại đồ ăn vặt để chồng con “giải khuây” mùa dịch.

Có mẹ trang trí lại nhà cửa xinh tươi, trồng thêm nhiều hoa trước ban công, trong sân thượng, may rèm, nữ công gia chánh... Nhiều mẹ đảm càng đảm hơn, nhưng sự vất vả cũng tăng hơn ngày thường khi chồng con ở nhà cả ngày, mẹ vùi đầu vào bếp núc, việc nhà, mãi không hết.

Chị Lưu Thúy Hoa, ngụ Bàu Cát, Tân Bình chia sẻ: “Người ta cứ nói mùa dịch là thời điểm cho cơ thể và tinh thần “nghỉ ngơi”, học cách sống chậm thế này, thế nọ. Mình thì giãn cách càng thấy cực nhọc hơn. Ngày nào cũng la hét bầy trẻ vì chúng nó phá quá, chơi rồi bày đồ ra nhà cứ phải đi dọn suốt. Sáng không ra đường ăn sáng được, phải dậy sớm nấu bữa sáng, quay qua quay lại dọn dẹp lại đến bữa trưa. Rồi còn đủ thứ việc không tên. An nhàn đâu không thấy, chỉ thấy cực”.

Nhiều chị em khác thì vò đầu bứt tóc chuyện... dạy con học. Mọi năm, mùa hè con đều được học thêm, học nâng cao một số các môn như ngoại ngữ, học năng khiếu. Giờ không còn các lớp học tập trung, lũ trẻ chỉ trông chờ vào sự hướng dẫn của cha mẹ để khỏi quên bài, quên vở. Nhiều chị than thở, vừa phải làm việc nhà lại vừa phải dạy con, mệt không kể xiết.

“Ban đầu, tôi làm việc nhà, chồng dạy con. Nhưng được vài ngày anh ấy nản quá, liền tìm cách “trốn”, bảo là việc online trên công ty còn nhiều, nên việc dạy con cũng vào tay tôi. Cảm thấy còn mệt và bận hơn ngày bình thường nữa, nhiều khi cứ có cảm giác mình là người phục vụ không công vậy”, chị Trần Tố Loan, nhân viên nhân sự một công ty kĩ thuật, sống tại quận 4, TP HCM bày tỏ. Chưa kể bọn trẻ cả ngày không được ra khỏi nhà, khóc quấy, mè nheo...

Học cách sẻ chia

Những ngày ở nhà do dịch, sự “bất bình đẳng” trong một số gia đình càng được khoét sâu hơn. Thay vì học cách chia sẻ công việc cho nhau, mọi gánh nặng càng dồn lên vai người mẹ, người vợ. Nhưng với nhiều gia đình, đây lại là cơ hội để các thành viên nhận ra được sự vất vả mỗi ngày của người phụ nữ.

Thời điểm bình thường, ai bận việc nấy, có khi người chồng đi làm về muộn đã thấy cơm lành, canh ngọt, cửa nhà tươm tất, con cái sạch sẽ, ngoan ngoãn. Các con đi học về cũng luôn có thức ăn để sẵn, luôn có quần áo khô thơm phức để mặc, thích món gì mẹ “hô biến” ra món ấy. Mẹ trồng cây, mẹ mua sắm, mẹ vun vén, mẹ “toàn năng”.

Mùa giãn cách, cả nhà bên nhau suốt ngày, chỉ cần để tâm một chút, cả gia đình sẽ chứng kiến được khối lượng việc nhà phải đảm đương cũng như nỗi vất vả hàng ngày người mẹ, người vợ gánh chịu.

“Vợ chồng ở nhà cả ngày, chỉ giao cho chồng việc chơi với các con và dạy con học thôi mà anh đã hoảng hồn, bảo “vợ ơi, sao bình thường vợ tài thế. Có thể vừa chăm con, dạy con, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa... Ở nhà nhiều mới thấy vợ vất vả như siêu nhân”, chị Lê Thị Cẩm Tiên, làm nội trợ, ngụ ở đường Nguyễn Gia Trí, Bình Thạnh chia sẻ trên một diễn đàn về gia đình.

Chồng chị Tiên là trưởng phòng bán hàng một công ty kinh doanh thiết bị điện, phải đi công tác nhiều. Bình thường, anh chỉ cần đưa cho vợ sinh hoạt phí, ít khi quan tâm việc nhà. Thời gian qua, ở nhà nhiều, chứng kiến sự vất vả của vợ, anh dần thay đổi. Không chỉ chủ động giúp vợ việc nhà, anh còn hướng dẫn các con xếp đồ chơi sau khi chơi xong, dạy con ý thức để vợ đỡ vất vả hơn.

Đôi khi người phụ nữ mải mê vun vén gia đình, chăm sóc, chiều chuộng chồng con, “quên” yêu cầu sự chia sẻ của đối phương. Một mình họ âm thầm gánh lấy sự vất vả, mệt nhọc mà không bày tỏ cùng ai. Thời điểm giãn cách, cả gia đình ở nhà cũng là cơ hội “thực hành” sẻ chia, “thực tập” sự bình đẳng. Bắt đầu từ việc nhẹ nhàng phân chia việc nhà.

Các con cũng không chỉ vui chơi mà có thể được hướng dẫn những việc nhỏ như dọn dẹp, nhặt rau, quét nhà hay trang trí nhà cửa, phơi đồ... Điều này không chỉ giúp mẹ bớt đi phần nào công việc, được thong thả hưởng thụ cuộc sống mà còn là cơ hội để các thành viên học cách hiểu nhau, giúp đỡ lẫn nhau, từ đó gắn kết và yêu thương nhau hơn.

Đọc thêm