"Thực tế, việc đi khám tại các BV không hề được cải thiện. Người bệnh vẫn phải chen lấn xếp hàng chờ khám, nằm ghép giường…, ngay cả tiền phong bì “lót tay” cho BS cũng tăng một cách khủng khiếp." Đó là lời tâm sự của bác sỹ Hoàng Xuân Đại trong buổi trò chuyện của ông với báo PLVN online về câu chuyện tăng viện phí đang gây bức xúc dư luận.
Bác sỹ Hoàng Xuân Đại |
- Từ giữa tháng 7/2012, một số cơ sở y tế đã chính thức triển khai nâng giá một số dịch vụ y tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Thực tế, việc tăng giá viện phí chưa triển khai đại trà, nhưng theo BHXH VN cho biết, nhiều cơ sở y tế đề nghị cơ quan bảo hiểm tính toán rất tỷ mỷ, kể cả các khoản lặt vặt (bông, băng, gang tay, giấy in…), việc làm này liệu có dẫn đến sự gia tăng lạm dụng quỹ BHYT, thưa ông?
- Hoàng Xuân Đại: Hiện tại, 10 địa phương và 5 BV Trung Ương đã thực hiện giá dịch vụ y tế mới. Điều này đang làm nhiều người dân lo lắng bởi lâu nay, với giá dịch vụ y tế cũ, các gia đình đã rất chật vật trong điều trị bệnh thì nay, giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo hướng tăng, khó khăn lại càng thêm chồng chất. Vào lúc này, nhiều vấn đề phát sinh có nguy cơ xảy ra sau khi thực hiện giá dịch vụ y tế mới, đòi hỏi phải có sự vào cuộc để giải quyết từ các ngành chức năng.
Trong thực tế, việc tăng giá viện phí tuy chưa triển khai đại trà, nhưng việc các cơ sở y tế đề nghị cơ quan BHYT tính toán tỷ mỷ, kể cả các khoản lặt vặt (bông, băng, gang tay, giấy in…), việc làm này sẽ dẫn đến sự gia tăng lạm dụng quỹ BHYT mà trước kia những khoản kể trên đều không tính vào quỹ BHYT. Như vậy rõ ràng rằng cách làm này đã làm thâm hụt vào quỹ, trong khi đó giá thuốc lại không ngừng tăng cao mặc dù nghành y tế đã có những biện pháp kìềm chế nhưng không hiệu quả.
- Bộ trưởng Bộ Y tế nhiều lần đã khẳng định: Tăng giá viện phí đồng nghĩa với tăng chất lượng dịch vụ y tế. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi về tình hình thực hiện việc điều chỉnh giá viện phí ở một số BV đã triển khai, các cơ sở vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của người bệnh (BN vẫn phải chen lấn xếp hàng chờ khám, nằm ghép giường…), ông suy nghĩ gì về tình trạng này?
- Hoàng Xuân Đại: Đấy chỉ là khẩu hiệu thôi. Thực tế, việc đi khám tại các BV không hề được cải thiện. Người bệnh vẫn phải chen lấn xếp hàng chờ khám, nằm ghép giường…, ngay cả tiền phong bì “lót tay” cho BS cũng tăng một cách khủng khiếp. Một cô BS răng hàm mặt phản ánh với tôi, cô vừa đưa một người nhà ở quê đi khám và xét nghiệm ung thư ở BV K. Chờ từ sáng đến tận chiều mà không khám được, trong khi công việc thì đang bận ngập đầu. Nghe người đi khám cùng rỉ tai phải kẹp tiền vào sổ khám mới nhanh được. Nghe theo người này, cô đành móc ví cho tiền vào phong bì (tổng cộng 1,5 triệu/3 phong bì cho cả quá trình khám, xét nghiệm). Qủa nhiên, mọi việc khám xét diễn ra rất nhanh chóng. Trường hợp khác, một anh trông xe ở khu nhà tôi đưa vợ đi đẻ. Sau khi vợ anh vào phòng chờ đẻ, BS trực ca đó gọi anh vào phòng “tư vấn”: “Tôi thì một triệu, những người kia thì tùy gia đình…”. Thế mới biết muốn dẹp tệ nạn phong bì quả không đơn giản. Nâng chất lượng KCB càng khó hơn. Bởi vậy tôi cảm thấy vô cùng thất vọng trước những vấn nạn hiện tại của ngành y!
- Theo ông, tăng giá viện phí có góp phần giảm tải được BN ở tuyến trên không? Thực tế, nhà nước đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tiền trả lương cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập, tại sao vẫn phải tận thu từ túi của người dân?
- Việc giảm quá tải ở các BV tuyến trên là không thể thực hiện ngay được, kể cả khi chúng ta đã triển khai thực hiện việc tăng các dịch vụ y tế. Bởi muốn giảm tải thì phải có BV vệ tinh, đầu tư, nâng cấp BV tuyến dưới, mà phải có chất lượng thực sự. Khi các BV cơ sở hay BV khu vực có nhân sự tài giỏi, còn phải kết hợp đủ các trang thiết bị tiên tiến mới làm cho người bệnh tin tưởng và chấp nhận điều trị tại các cơ sở này. Làm được việc này nhất định phải có thời gian để đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nhân sự cơ sở, mặt khác phải có vốn để mua và đào tạo người vận hành các thiết bị mới.
Trong tình trạng KCB hiện nay của chúng ta là “giật gấu vá vai”, do đó ngay từ khi đề án trên được đưa ra thảo luận, xin ý kiến đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều người dân, các cơ quan chức năng… Lý do chính của sự phản đối là mức giá tăng chỉ dựa trên đề xuất, báo cáo của các BV chứ chưa có căn cứ khoa học nào. Và, hơn 1 năm qua, căn cứ khoa học vẫn mờ mịt… Có lẽ cũng vì thế mà dù Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, nhiều BV phát biểu tại các hội nghị triển khai đề án này đều mong muốn có sự đồng thuận của xã hội cho chủ trương tăng viện phí, nhưng thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn tiếp tục phản biện theo hướng chưa đồng thuận.
Do đó, điều dễ hiểu là thực tế, nhà nước đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tiền trả lương cho các cơ sở KCB rồi, nhưng tại sao các cơ sở y tế vẫn phải tận thu từ túi của người dân thông qua các hình thức như lạm dụng thuốc, xét nghiệm, kỹ thuật cao… bằng đủ mọi cách. BV càng lớn, xã hội hóa đầu tư trang thiết bị y tế càng nhiều thì lại càng có nhiều cách để họ móc quỹ!./.
- Xin cám ơn ông!
Hải Long (thực hiện)