Viên sủi Nano Fast, tiêu gout Đào Đình Nhuận: Sử dụng hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế để quảng cáo lừa dối người tiêu dùng

(PLVN) -Bộ đôi Viên sủi Nano Fast và Tiêu gout Đào Đình Nhuận từng bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì quảng cáo lừa dối người tiêu dùng. Phớt lờ cảnh báo, thực trạng quảng cáo trái quy định pháp luật tiếp tục tái diễn, trong đó có cả việc sử dụng hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Viết Tiến.
Hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế được sử dụng trái phép để quảng cáo viên uống gout
Hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế được sử dụng trái phép để quảng cáo viên uống gout

Mới ra mắt đã bị “tuýt còi”

Viên sủi Nano Fast là thực phẩm bảo vệ sức khỏe  do Công ty TNHH MTV Nano Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 1, số 170 Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) công bố  vào ngày 02/03/2020.

Thế nhưng, vừa mới phân phối ra thị trường được hơn 1 tháng, Cục An Toàn Thực Phẩm (Bộ Y tế) đã có thông báo tới người tiêu dùng phải cẩn trọng với thông tin quảng cáo sản phẩm Nano Fast như thuốc chữa bệnh trên một số trang web.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu hiện nay, trên một số trang web như: https://nanofast.com.vn/; https://www.trigoutnanofast.vn/; http://www.viensuinanofast.site;http://www.dailyso1.vn.http://www.nanofast.site/chua_gout_102; https://www.goutnanofast.com/; https://www.nanofast-chinhhang.com; http://www.kienthucsuckhoedoisong.online/nano_fast

Theo đó, viên sủi nano gout được quảng khuếch đại danh tiếng, tung hô là viên sủi tiêu guot số 1 Việt Nam, tiếp tục có dấu hiệu gây hiểu lầm là thuốc có khả năng điều trị tận gốc bệnh gout. Nano Fast được giới thiệu là có thể ngăn chặn gout từ gốc rễ, đánh tan tophi, đào thải urat và phục hồi gan thân, chống tái phát tận gốc kể cả với những người mắc bệnh guot mãn tính, cấp tính hoặc mới chớm.

Sản phẩm Nano Fast tái diễn sử dụng hình ảnh y, bác sỹ để quảng cáo
 Sản phẩm Nano Fast tái diễn sử dụng hình ảnh y, bác sỹ để quảng cáo

Để khẳng định và lấy niềm tin của khách hàng, sản phẩm Nano Fast được gắn với hình ảnh của nhiều y, bác sỹ. Trong đó, có lời phát biểu của ông Trần Quốc Bình, nguyên là GĐ Bệnh viên Y học cổ truyền Trung ương… để quảng cáo cho sản phẩm.

Thậm chí, sản phẩm này còn được dược sỹ của một nhà thuốc so sánh, đánh giá người bệnh có cơ hội khỏi bệnh gout khi dùng sản phẩm này.

Sản phẩm Nano Fast khẳng định chữa khỏi bệnh gout
 Sản phẩm Nano Fast khẳng định chữa khỏi bệnh gout

Điều này là vi phạm tại khoản 2, Điều 27, Nghị định15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã quy định: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Sử dụng hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế để quảng cáo

Tương tự, sản phẩm Tiêu guot Đào Đình Nhuận (gout Đào Đình Nhuận, Phòng khám An Lạc, xã An Vinh, Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng đã bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người tiêu dùng không mua hàng trên trang web https://goutdaodinhnhuan.com/ có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật, đưa ra một số thông tin không rõ ràng, chưa được kiểm chứng, vi phạm quy định pháp luật.

Gout Đào Đình Nhuận sử dụng hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Viết Tiến để quảng cáo
Gout Đào Đình Nhuận sử dụng hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Viết Tiến để quảng cáo 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu hiện nay, trên trang web này dường như phớt lờ cảnh báo, vẫn tiếp tục quảng cáo trá hình công năng sản phẩm gout Đào Đình Nhuận như thuốc điều trị, giới thiệu chắc nịch: “Tôi cam kết ai bị gout sử dụng đúng liệu trình sẽ khỏi hoàn toàn”. Đồng thời, sản phẩm này liên tục sử dụng hình ảnh bác sỹ, khách hàng, đặc biệt, còn sử dụng cả hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến để quảng cáo.

Ngoài ra, trên một loạt các trang web như: http://benhgut.biquyetsongkhoe.asia; https://dongy.thaythuocgiadinh.online; cũng đang có dấu hiệu quảng cáo cho sản phẩm guot Đào Đình Nhuận trái với quy định của pháp luật.

Quảng cáo chữa khỏi gout là ngược với khuyến cáo của Bộ Y tế

Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp (ban hành kèm theo quyết định số 361/QĐ-BYT ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Bộ Trưởng Bộ Y Tế), chỉ rõ nguyên tắc chung trong điều trị bệnh gút là điều trị viêm khớp trong cơn gút cấp, dự phòng tái phát cơn gút, phòng biến chứng, không giới thiệu bất cứ một loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào có hiệu quả điều trị khỏi hẳn bệnh gout.

Tuyên bố chữa khỏi bệnh gout là trái với y khoa?
Tuyên bố chữa khỏi bệnh gout là trái với y khoa? 

Trong khi, nhiều tài liệu nghiên cứu y khoa hiện nay khẳng định bệnh gout không thể chữa trị tận gốc, người bị bệnh phải chung sống với nó cả đời. Tuy nhiên, với hình thức quảng cáo có thể điều trị tận gốc bệnh gout thì viên sủi Nano gout và Gout Đào Đình Nhuận dường như đang “nổ” quá đà, đi ngược với khuyến cáo của Bộ Y tế, đồng thời có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Sẽ sớm chấn chỉnh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”

Theo thừa nhận của lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, hiện còn một số khó khăn khi xử lý sai phạm của doanh nghiệp. Cụ thể, khi cơ quan quản lý Nhà nước thanh, kiểm tra phát hiện vi phạm quảng cáo trên website, mặc dù cơ quan chức năng có bằng chứng, nhưng doanh nghiệp chỉ nhận sản phẩm của họ nhưng website thì không phải nên không chịu trách nhiệm. Với những trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm buộc phải chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị cấp giấy phép thành lập trang website) để xử lý theo quy định.

Và để “dẹp loạn” quảng cáo thực phẩm chức năng, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, trao đổi với báo chí ông Nguyễn Thanh Phong, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử phạt với khung cao nhất, thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm; thanh, kiểm tra với tần suất lớn nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng.

“Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo thực phẩm chức năng nhằm đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Và trong khi thị trường thực phẩm chức năng vẫn “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần sáng suốt khi lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bảo vệ chính mình”, ông Phong nói.

Theo nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Đọc thêm