Viết báo thời bút mực

(PLVN) - Ngày nay khi mà chuyện viết báo đã trở nên nhàn nhã hơn với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ số thì các nhà báo trẻ khó có thể tưởng tượng mấy chục năm trước, riêng chuyện viết, người làm báo vô cùng vất vả.
Máy ghi âm, máy ảnh… đồ nghề tác nghiệp của phóng viên cách đây 20 năm
Máy ghi âm, máy ảnh… đồ nghề tác nghiệp của phóng viên cách đây 20 năm

Ký ức ngày mới vào nghề

Vất vả nhất là những phóng viên mới vào nghề như tôi, trong khi lại không được đào tạo về chuyên ngành báo chí, bởi vậy trước khi đặt bút viết chính thức, phải viết ra bản nháp với những dòng chữ gạch xóa chằng chịt. Có những bài phóng sự điều tra, tôi phải nháp đi nháp lại đến vài lần mới có được bản thảo ưng ý nhất. 

Hồi đó, khó nhất với tôi là cách rút tít và viết mào đầu, nhiều khi bài viết đã xong mà vẫn chưa nghĩ ra cái tít cho thật “kêu”. Trong giấc mơ cũng nghĩ đến chuyện đặt tít, thậm chí đi xe trên đường nhưng đầu óc chỉ nghĩ đến bài viết đang dở dang, một vài lần vô ý vượt đèn đỏ cũng vì đang nghĩ đến tiêu đề bài viết.

Ban ngày, tôi chủ yếu đi liên hệ phỏng vấn, việc viết chủ yếu vào buổi tối. Nhiều đêm chong đèn thức đến 2-3h sáng vẫn chưa xong, đến nỗi mẹ tôi phải sốt ruột nhắc nhở: “Ngủ đi, mai dậy viết tiếp”. Nhưng kinh nghiệm cho tôi biết, nếu đang vào đúng “mạch” cảm xúc mà phải dừng lại thì khi ngồi vào bàn để viết tiếp sẽ chẳng có được tâm lý “xung trận” như trước, vì thế bao giờ tôi cũng cố gắng viết một lèo, khi nào hoàn thiện mới đi ngủ, dù chỉ chợp mắt được chừng 2 tiếng đồng hồ là trời đã sáng. 

Mỗi lần cầm bài viết đến Tòa soạn nộp, trong lòng cứ rộn ràng bao điều mới mẻ, rồi lại háo hức chờ ngày bài được đăng. Đến lúc bài báo ra khuôn, là “vồ lấy” đọc ngấu nghiến. Đọc xong rồi đọc lại lần thứ hai, thứ ba vẫn chưa chán, lần đọc sau bao giờ cũng chậm rãi hơn, tâm trí dành hết vào bài báo như nuốt từng câu từng chữ. 

Nhớ một lần chú Lê Cảnh Thuận (lúc ấy đang là Tổng Biên tập) ngồi chuyện trò, hướng dẫn cách tác nghiệp với 20 phóng viên chúng tôi (lứa trúng tuyển vào Báo năm 2000). Tôi mạnh dạn thưa với chú rằng nhiều bài viết của Báo PLVN vẫn còn khô khan, theo mô tip cũ. 

Tưởng chú sẽ không vui, không ngờ chú vỗ vai tôi gật đầu, cười hiền từ, giọng phấn chấn: “Đó là điều mà Báo chúng ta cần đổi mới, phải mạnh dạn có cách nghĩ mới, cách viết mới. Không chỉ các bài viết về văn hóa văn nghệ mới cần “tô son điểm phấn”, mà ngay cả các bài điều tra cũng cần tình cảm, phải có lòng trắc ẩn… Để làm được điều đó, rất hy vọng mong chờ các cháu sẽ phát huy”. Có được lời động viên, khích lệ của Tổng Biên tập, chúng tôi như được truyền thêm năng lượng mới, hăng say máu lửa hơn với nghề.

Giấy giới thiệu công tác của Báo vào những năm 1990
Giấy giới thiệu công tác của Báo vào những năm 1990 

Những chuyện bi hài

Vì viết bằng bút nên việc biên tập bài của các phóng viên cũng phải thủ công bằng bút. Mỗi lần thấy lãnh đạo đọc bài mà cứ cầm bút đưa ngang tờ giấy là phóng viên lại nhìn nhau lo lắng và thầm mong đó không phải bài của mình. Có lần thấy Trưởng ban gạch ngang không ngớt, tôi và đồng nghiệp nhìn nhau ái ngại: “Bài của ai mà “sếp” gạch ghê thế nhỉ?”.

Những câu thì thào còn chưa dứt, “sếp” ngẩng lên: “Vân Anh, lại đây anh bảo”. Tôi giật mình, rụt rè tiến lại. “Bài điều tra chứ không phải văn tả cảnh hay truyện ngắn, không viết lan man”. Thì ra “sếp” đang đọc loạt bài điều tra của tôi về sự tắc trách của chính quyền địa phương trong một vụ tập kết và buôn hàng lậu. Khi viết, tôi phóng bút tả cảnh sắc hai bên đường ra sao, người dân nơi đây tham gia vào việc khuân vác, cõng hàng thuê từ biên giới về nội địa như thế nào? Nói chung, việc “tả cảnh, tả người” của tôi chiếm gần trang A4. “Không bài điều tra nào lại “màu mè” như thế này cả. Em viết lại, phải đi vào trọng tâm vấn đề. Mai nộp”. 

Sáng hôm sau, khi tôi đem tập bản thảo đặt trên bàn của “sếp”, loay hoay thế nào mà chiếc quạt cây nơi góc phòng thổi hai tờ bản thảo bay vèo qua cửa sổ rồi đậu trên ngọn cây trước cửa tòa soạn. Hoảng quá, tôi lao vội xuống tầng một, nhờ một vài đồng nghiệp nam ra rung cây, nhưng hơn 10 phút đồng hồ mồ hôi nhễ nhại, nhìn lên qua kẽ lá, vẫn thấy hai tờ bản thảo nằm trên đỉnh ngọn cây như thách thức độ kiên nhẫn của chúng tôi...

Bản thảo viết tay, đánh máy và dấu tích biên tập
Bản thảo viết tay, đánh máy và dấu tích biên tập 

Sau một vài năm miệt mài viết bằng bút mực, thi thoảng tôi cũng được “dùng ké” máy tính của người anh họ để gõ bài. Phải nói là cảm giác thật sung sướng, viết đến đâu sửa đến đó, chẳng mất công sức nhiều mà bài viết lại sạch đẹp hơn nhiều so với viết tay. 

Nhưng cũng từ đó, nhiều lúc đang trên đường tác nghiệp hay đi phỏng vấn, tôi lại có cuộc điện thoại từ tòa soạn. Tưởng có việc gấp, mở máy ra nghe thì là tiếng của các bộ phận chế bản đề nghị gửi chiếc đĩa lưu bài viết của tôi, đỡ công đoạn đánh máy. Cũng vì sử dụng qua nhiều máy tính nên không ít lần chiếc đĩa và USB của tôi bị nhiễm virus, khi về cắm vào máy tính xảy ra bao chuyện: Máy bị virus tấn công dẫn đến ngưng hoạt động, nhiều dữ liệu trong máy bị xóa…

Sau nhiều lần như vậy, ông anh họ “cắt đường làm ăn” của tôi. Vậy là hành trình viết tay trở lại. Cho đến tận 4-5 năm sau, tôi mới có đủ tiền mua được chiếc máy tính xách tay để “hành nghề”.

Giờ đây, chuyện viết báo đã trở nên nhẹ nhàng hơn với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ số. Khi nhìn lại những bản thảo thời xưa với chi chít nét gạch xóa bằng bút mực, lòng vẫn trào dâng một cảm xúc thật khó tả. Có điều gì đó thật gần gũi và thiêng liêng đã gắn bó với mình suốt nhiều năm, giờ dần đi vào dĩ vãng. Nhưng sẽ không bao giờ tôi quên được một thời mà có lúc viết đến vẹo cổ, mỏi nhừ cánh tay cũng chỉ vì trót đam mê và dấn thân với nghề đã chọn.

Ngày mới được tiếp nhận vào Báo Pháp luật (nay là PLVN), phương tiện đi lại của phóng viên chủ yếu là xe đạp. Khi đó xe máy đã khá phổ biến nhưng phóng viên mới ra trường có xe máy đi tác nghiệp là ước mơ xa xỉ. Thế nên, khi phỏng vấn doanh nghiệp thì gửi xe rõ xa để đi bộ vào, bởi nhìn thấy phóng viên đi xe đạp sẽ “lộ” ngay sinh viên mới ra trường.

Với sự hỗ trợ của gia đình, tôi là phóng viên đã sớm sắm được chiếc Honda Chaly cũ và phóng tít mù đến cạn nhớt mà không biết lý do vì sao xăng vẫn còn mà xe không nổ máy.

Chín phóng viên đầu tiên của Báo được bố trí phòng làm việc tại tầng thượng của tòa nhà được cơi nới bằng nhôm kính và rèm, không có nhà vệ sinh, tại trụ sở thuê số 158 Thái Hà, Hà Nội. Mỗi phóng viên được trang bị một bàn làm việc và cả phòng chỉ có 1 chiếc điện thoại cố định.

Ngày ấy, nghe đâu cũng đã có điện thoại di động, nhưng đó là điều không tưởng với phóng viên bởi gọi điện thoại cố định phải căn từng giây, chỉ cần quá 1 giây là tính sang block khác, giá cước lại khác. Vì vậy, muốn liên hệ công việc thì hàng ngày phải đến tòa soạn để gọi điện, mà phải gọi nhanh, chốt lịch hẹn thật nhanh.

Đồ nghề tác nghiệp chủ yếu là cây bút và cuốn sổ, ai có điều kiện thì sắm máy ghi âm, máy ảnh. Băng ghi âm nghe xong có thể ghi đè lên nhưng ghi đi ghi lại chất lượng kém, nghe không rõ. Sợ nhất là đang ghi máy bị kẹt, đứng im, hoặc băng rối. Khi đó, coi như là vứt cả cuộn băng và thông tin viết bài phụ thuộc vào trí nhớ. Thế nên, vừa ghi âm, vừa ghi chép là việc không thừa với phóng viên. 

Máy ảnh chủ yếu là máy cơ chụp phim, với rất nhiều rủi ro, từ việc lắp phim đến lấy ảnh sáng độ nét mà khi mất tiền rửa mới biết ảnh có sử dụng được hay không.

Việc viết bài trên giấy A4 cần căn lề rộng để có chỗ biên tập. Biên tập viên sẽ chữa bài bằng bút đỏ, ký duyệt chuyển bộ phận đánh máy. Bộ phận chế bản sau đó chuyển sang nhà in xếp chữ, vào trang. Họa sỹ trình bày phác maket trên giấy và “ôm” tất cả sang nhà in. Bản thảo đã nộp thường không trả về, kể cả không đăng. Do vậy không có cách nào khác là photocopy lưu lại, nhất là những bài quan trọng, nhiều kỳ cần lưu. Chi phí để photocopy cũng là một khoản đáng kể để phóng viên cân nhắc. Trong rất nhiều trường hợp bài không đăng nhưng bản khảo mất hút khiến không ít phóng viên ngẩn ngơ tiếc công.

35 năm thành lập Báo, lục tìm những kỷ vật cũ, lại rưng rưng một thời làm báo.

Thanh Thanh

Đọc thêm