Việt Nam đang thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình

(PLO) - Đó là nhận định chung được đưa ra tại Hội thảo khoa học “10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình – thực trạng và giải pháp” do Bộ VHTT&DL tổ chức hôm qua (28/11).
Toàn cảnh Hội thảo

Từ góc độ quản lý nhà nước về gia đình, TS. Trần Tuyết Anh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL cho biết, tổng hợp số liệu về các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) do ngành VHTT&DL thực hiện cho thấy, từ năm 2009-2017 có khoảng 292.268 vụ BLGĐ, tính trung bình mỗi năm có 36.534 vụ BLGĐ.

Từ góc độ TAND các cấp, từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/2018 có 1.384.660 vụ án ly hôn được tòa án giải quyết, trong đó có 1.066.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ. Báo cáo của ngành Tư pháp cho thấy năm 2014 đã tiếp nhận hòa giải 31.528 vụ việc BLGĐ; năm 2015 là 33.966 vụ; năm 2016 và 2017 số liệu cung cấp không rõ nên không tách được số vụ hòa giải do BLGĐ... 

“Những ví dụ về số liệu trên cho thấy, hiện nay việc tổng hợp thông tin về BLGĐ được thực hiện theo ngành dọc. Mỗi cơ quan, tổ chức có cách tổng hợp theo đối tượng và chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng chưa có sự chia sẻ số liệu giữa các ngành dẫn đến sự rời rạc và không thể khái quát được số liệu chung cho tình hình BLGĐ ở nước ta” – TS. Trần Tuyết Ánh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và Giới cho biết, khâu vất vả nhất trong xây dựng chiến lược về gia đình là đi tìm số liệu. “Con số thống kê về gia đình và BLGĐ mỗi ngành một kiểu, mỗi địa phương hiểu BLGĐ theo một cách. Vì thế chỉ có những vụ nghiêm trọng mới được chú ý, báo cáo trong khi BLGĐ có tính phổ quát rất rộng”.

Do vậy, theo bà Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong tiến trình sửa đổi, bổ sung luật tới đây cần chú ý đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình và phòng chống BLGĐ.

Đọc thêm