Việt Nam đẩy mạnh cuộc chiến chống quấy rối tình dục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu như trước đây, người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục người khác  chỉ bị áp dụng mức phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng, thì nay mức phạt đã tăng lên từ 5 triệu đến 8 triệu đồng. Bản cập nhật của Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong nửa đầu năm. 
Bản cập nhật của Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong nửa đầu năm 2022.
Bản cập nhật của Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong nửa đầu năm 2022.

Từ đầu năm 2022, theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP vừa ban hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội... mức xử phạt với hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục đã được tăng mạnh.

Trước đây, người có hành vi sàm sỡ hay cử chỉ, lời nói trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác chỉ bị áp dụng mức phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013. Trên địa bàn Hà Nội và một số thành phố lớn xảy ra một số vụ sàm sỡ trong thang máy, nơi công cộng nhưng mức xử phạt thường áp dụng là 200.000 đồng.

Nhưng theo quy định mới tại Nghị định 144/2021, người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục người khác sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 8 triệu đồng.

Việt Nam đẩy mạnh cuộc chiến chống quấy rối tình dục nói chung và tại nơi làm việc nói riêng là nhận định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về vấn đề này.

Hiện Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc đang được cập nhật, đồng thời, một cuốn sổ tay hướng dẫn cũng đang trong quá trình xây dựng mới để giúp người sử dụng lao động giải quyết hành vi này.

Bộ LĐTBXH là cơ quan chủ trì việc xây dựng hai cuốn tài liệu với sự tham gia của VCCI và Tổng LĐLĐ Việt Nam; ILO, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Fair Wear cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình soạn thảo.

Bộ Quy tắc ứng xử thể hiện cam kết ba bên – Chính phủ và các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, với mục đích nâng cao nhận thức về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, hỗ trợ thực hiện các quy định có liên quan trong Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định số 145 ở cấp doanh nghiệp.

Trong khi đó, cuốn sổ tay hướng dẫn cung cấp cho người sử dụng lao động và các bên tại nơi làm việc những hướng dẫn cụ thể để ngăn chặn và giải quyết tình trạng quấy rối tình dục trong thực tế nhằm tạo môi trường làm việc lành mạnh và năng suất.

Vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc lần đầu tiên được quy định trong pháp luật trong Bộ luật Lao động 2012 nhưng không đưa ra định nghĩa và hướng dẫn về cách thức giải quyết vấn đề này.

Trong bối cảnh đó, ILO tại Việt Nam đã hỗ trợ các đối tác ba bên xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục đầu tiên vào năm 2015 nhằm thu hẹp khoảng trống về pháp lý.

“Người sử dụng lao động đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và duy trì một môi trường làm việc không có quấy rối tình dục,” ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH, nhận định.

Ông Nguyễn Ngọc Triệu, cán bộ chương trình cấp cao của ILO Việt Nam, cho biết việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử và sổ tay hướng dẫn là “một nỗ lực quan trọng” đưa Việt Nam tiến gần hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đặc biệt là Công ước mới số 190 của ILO về chấm dứt bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm.

Dự kiến Bộ Quy tắc ứng xử cập nhật sẽ được đưa vào sử dụng trong nửa đầu năm 2022 và sổ tay hướng dẫn sẽ được hoàn thiện ngay sau đó.

Đọc thêm