Xếp hạng 115/188 quốc gia
Công bố Báo cáo Phát triển con người toàn cầu của Liên Hợp quốc 2016 tại Hội thảo, ông Richard Marshall — Cố vấn chính sách về giảm nghèo và bảo trợ xã hội, UNDP tại Việt Nam — cho biết, nhìn chung, trong những năm gần đây Việt Nam đã có nhiều tiến bộ về chỉ số phát triển con người. Trong năm qua, chỉ số này tăng 1%, lên thành 0,683; xếp hạng 115/188 quốc gia. Vị trí này tăng 2 bậc so với năm trước và là mức tốt. Các chỉ số về y tế, giáo dục cũng được cải thiện nhờ tăng trưởng GDP…
Tuy nhiên, ông Marshall cho rằng vẫn có sự loại trừ trong xu thế chung đó. Theo UNDP, 2 nhóm bị tụt hậu ở Việt Nam là dân tộc thiểu số (DTTS) và người di cư từ nông thôn ra thành thị. Trong đó, bất bình đẳng đối với DTTS là vấn đề dai dẳng, đã có cải thiện nhưng khoảng cách vẫn còn rất lớn. Trong khi tỉ lệ nghèo thu nhập bình quân cả nước là 7% nhưng tỉ lệ này ở DTTS là hơn 23%, có những dân tộc lên đến 70-80%, mức chênh lệch mà theo chuyên gia của UNDP là “giật mình”.
Cần hàng chục năm để các dân tộc thiểu số “đuổi kịp” tốc độ chung
TS. Nguyễn Cao Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Dân tộc cho biết, theo số liệu thống kê, 53 DTTS của Việt Nam có khoảng 13,4 triệu người, phân bố rải rác ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Gần 1/3 số hộ DTTS thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo, cá biệt có những nhóm có tỉ lệ nghèo rất cao như Ơ Đu (66,3%), Co (65,7%). “Nếu mỗi năm giảm 4% tỉ lệ nghèo theo quyết định 1557 của Thủ tướng Chính phủ thì có 3 dân tộc phải 20 năm nữa và 14 dân tộc phải ít nhất 10 năm nữa và nếu mức độ giảm nghèo dưới 4% thì thời gian sẽ xa hơn” — TS Thịnh thông tin.
Về mặt giáo dục, 21,8% tỉ lệ người DTTS chưa biết đọc, biết viết, trong đó có 6 dân tộc (La Hủ, Lự, Mảng, Mông, Brâu, Cơ Lao), số này chiếm trên 50% người, trở thành một rào cản lớn đối với sự hội nhập và phát triển của người DTTS. Nếu mỗi năm giảm 1,2% dân số mù chữ thì để xóa mù chữ cho đồng bào ở 6 dân tộc này phải mất đến 40 năm nữa.
Tại Hội thảo, ông Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định Ủy ban sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tạo chuyển biến về kinh tế - xã hội rõ rệt hơn nữa trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp.