Việt Nam tiềm tàng nguy cơ động đất với cường độ mạnh

(PLO) - Mặc dù được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là một trong những quốc gia có đứt gãy hoạt động tương đối bình ổn, tuy vậy, thời gian gần đây một số khu vực như Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng… có đứt gãy thường xuyên xảy ra động đất, sụt lún.
”Hố tử thần” ở Bắc Kạn
Các chuyên gia đã nghiên cứu sâu hơn về địa chất nhằm lý giải nguyên nhân và đưa ra cách ứng phó hiệu quả.
Liên tục có động đất, sụt lún
Vài năm trở lại đây, khu vực A Lưới (Thừa Thiên Huế) là nơi xuất hiện nhiều trận động đất nhất trong cả nước. Chỉ riêng tháng 12/2015, khu vực này đã xảy ra 6 trận động đất.

Được biết đến là tâm chấn động đất ở vùng Tây Bắc, từ cuối tháng 12/2015 đến nay, ở tỉnh Điện Biên cũng xuất hiện 2 trận động đất tại huyện Tuần Giáo. Trùng thời điểm này, tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũng liên tiếp xảy ra 2 trận động đất với cường độ 3 - 3,3 độ richter.

Trong khi đó, từ đầu tháng 1/2016 đến nay, ở thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn xuất hiện “hố tử thần” sâu 15m, rộng khoảng 20m2 và ngày càng sụt lún sâu và rộng hơn.

Nhìn chung các trận động đất có đặc điểm chung là cường độ nhỏ và độ sâu chấn tiêu nông. Tuy nhiên, mật độ của các trận động đất tại một số khu vực ngày càng nhiều, dày và phức tạp hơn. Dù chưa gây thiệt hại về người và tài sản song hàng loạt trận động đất xảy ra liên tiếp khiến người dân trong vùng vô cùng hoang mang, lo lắng.
Lý giải nguyên nhân

Nhận định về loạt các trận động đất tại Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Điện Biên… PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất cho rằng, Thừa Thiên Huế nằm trên đứt gãy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, trải dài từ phía Lào qua Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Việc liên tiếp xảy ra động đất ở huyện A Lưới, Hương Trà có thể do đới đứt gãy này tăng cường hoạt động. 

Còn các tỉnh Điện Biên, Lai Châu nằm trên đới đứt gãy Sơn La. Đây là đới đứt gãy mạnh đang hoạt động, đã từng phát sinh trận động đất mạnh tới 6,8 độ richter.

PGS.TS Cao Đình Triều cũng nhận định không ngoại trừ khả năng động đất xảy ra tại các địa phương trong thời gian qua là động đất kích thích. Ví như tại tỉnh Thừa Thiên Huế, khi hồ thủy điện A Lưới tích nước với khối lượng lớn trên 60 triệu mét khối, mực nước cao thấp lại thay đổi quá nhanh đã tác động làm cho nền đứt gãy hoạt động, khiến cho năng lượng tích lũy được giải phóng sớm, gây ra động đất.
Lý giải về hiện tượng “hố tử thần” liên tục lan rộng ra ở Bắc Kạn, các chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định có thể do bên dưới lòng đất tại vị trí “hố tử thần” là một hệ thống hang động đang phát triển. 

Thông qua tích hợp công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý, các nhà khoa học của Tổng hội Địa chất Việt Nam đưa ra nhận định: Việt Nam tiềm tàng nguy cơ xảy ra động đất với cường độ mạnh, kèm theo đó sẽ là cảnh báo sóng thần. Bởi vậy, công tác dự báo, đo lường, nghiên cứu về động đất, sóng thần cần phải được hoàn thiện và chính xác và kịp thời. 

Theo đó, các cơ quan nghiên cứu động đất cần có những phương án cụ thể để ứng phó với thảm họa ở tình huống xấu nhất nếu nó xảy ra. Đặc biệt tại những khu vực có thủy điện, cần có phương án nghiên cứu, triển khai thi công hợp lý nhằm tránh tối đa tình trạng xảy ra động đất kích thích, dư chấn.

Với những nơi đông dân cư hay các công trình lớn được xây dựng trên nền đá cacbonat thì cần nghiên cứu cấu tạo địa chất và hoạt động karst (hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn).

Đọc thêm