Vinh danh "hiệp sĩ" nông dân

Đông Hưng đang vận động nguồn xã hội hóa trong dân xây dựng 7 “cổng an toàn”. Khi bình yên, cổng này tạo nên vẻ đẹp của những vùng quê nhưng khi xảy ra vụ trộm cắp thì đây là những cái lưới bắt gọn bọn tội phạm. Tại đầu mối của những cổng an toàn này đều được “cài” người. Những người này giữ liên hệ chặt chẽ với nhau, khi xảy ra sự việc, tất cả cùng đồng loạt đóng cổng lại, bọn tội phạm chỉ còn đường chịu trói.
Đời thường, họ là những nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, họ là những người quyết đoán, gan dạ, được mệnh danh là những “hiệp sĩ” trong phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự. 
Trao giấy khen của Giám đốc công an tỉnh cho những “hiệp sĩ” của ấp Trọng Ban.
Chiến công của lòng gan dạ
Thời gian qua, người dân nơi đây rất “đau đầu” vì tình trạng trộm cắp: Gà, vịt, tôm, xuồng máy… thường xảy ra. Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhân dân ấp Trọng Ban, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau vừa lập thành tích trong việc vây bắt tội phạm, gây được tiếng vang ở địa phương. 
Rạng sáng ngày 9/6/2012, ở xóm Kinh Quế, ấp Trọng Ban, cùng lúc có hai nhóm đối tượng trộm cắp rình nhà dân. Nghe tin truy hô của người dân, Nguyễn Đăng Khoa, Công an viên ấp cùng với một số bà con truy bắt, nhưng do đêm tối bọn chúng đã tẩu thoát. Khoảng 30 phút sau đó, người dân địa phương lại phát hiện thêm 3 thanh niên tiếp tục rình nhà dân. Lại một lần nữa bà con truy hô, bọn chúng tháo chạy.
Ông Nguyễn Văn Khỏe cùng anh Nguyễn Đăng Khoa chặn đường, dùng đèn pin rọi và phát hiện chúng có cầm hung khí là những con dao sáng loáng. Mặc cho chúng hăm dọa sẽ đâm chết nếu ai xông vào, ngay lúc đó, anh Nguyễn Đăng Khoa cùng em Nguyễn Văn Lúa (con ông Khỏe) đã dũng cảm lao vào quật ngã, tóm một tên cùng tang vật giao cho công an xã. Đối tượng khai tên là Đinh Chí Nguyện, sinh năm 1988, ngụ ấp Cái Cám, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước. Nguyện từng có một tiền án về tội trộm cắp tài sản, mới vừa cải tạo xong nay lại tiếp tục tái phạm.
Hai đối tượng còn lại chạy thoát khỏi hiện trường khoảng 50m và gặp ông Võ Văn Tích. Với tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm, người đàn ông ở tuổi ngoài ngũ tuần, với thân hình thấp, gầy đã lao thẳng vào một tên tội phạm, nhưng sức của một nông dân ngoài 50 đã không chống lại nổi hai thanh niên cầm hung khí trong tay, ông đành ấm ức nhìn chúng tẩu thoát trong khi mình bị thương khá nặng.
Trong vụ này, chúng đã dùng dao sát thương 3 người. Theo kết quả giám định pháp y,  em Nguyễn Văn Lúa bị thương nặng nhất, với tỷ lệ thương tật là 5%. Tất cả họ đều khẳng định, quần chúng nhân dân ai cũng chung lòng kiên quyết đấu tranh thì sẽ không còn tội phạm. Hiện, công an huyện Cái Nước đã bắt giam các đối tượng này và chỉ đạo cho lực lượng điều tra, hoàn thành hồ sơ, truy tố trước pháp luật.
Mỗi người dân là một “hiệp sĩ”

Ông Trần Viễn Phương, Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Đông Hưng, phấn khởi: Chính những nhân tố tích cực như ông Tích, anh Khoa, em Lúa đã giúp tình hình an ninh trật tự của địa phương đi vào ổn định. Trong công tác này, địa phương luôn dựa vào quần chúng, giờ đây chính những người nông dân là khắc tinh của tội phạm. Hiện, Đông Hưng đang vận động nguồn xã hội hóa trong dân xây dựng 7 “cổng an toàn”.

 Khi bình yên, cổng này tạo nên vẻ đẹp của những vùng quê nhưng khi xảy ra vụ trộm cắp thì đây là những cái lưới bắt gọn bọn tội phạm. Tại đầu mối của những cổng an toàn này đều được “cài” người. Những người này giữ liên hệ chặt chẽ với nhau, khi xảy ra sự việc, tất cả cùng đồng loạt đóng cổng lại, bọn tội phạm chỉ còn đường chịu trói.

Em Nguyễn Văn Lúa cho phóng viên xem vết thương với tỷ lệ thương tật 5% do bọn tội phạm gây ra đêm 9-6-2012.
Không những xây dựng những cái bẫy trên đường bộ, hiện nay, các địa phương trong xã đang liên kết với nhau, xây dựng kế hoạch và trình lên chính quyền phương pháp “cổng rào” đường thủy.
Ấp Trọng Ban hiện có 321 hộ với 1.666 khẩu, chính vì thế, Tổ Tự Quản nhân dân ấp gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý những đối tượng “cá biệt” của địa phương cũng như các vùng lân cận. Những đối tượng nghi vấn được ghi vào sách nghi vấn của Ban Nhân dân ấp: Địa chỉ, mối quan hệ, kể cả biển số xe của chúng cũng được ghi thật chi tiết để dễ quản lý. 
Một trong những trăn trở của những “hiệp sĩ” này là những đối tượng tội phạm của địa phương hoạt động ngày càng có tổ chức, tinh vi về thủ đoạn cũng như táo bạo về hành động, hơn nữa chúng khá hiểu luật nên có cách “lách luật”.
Những đối tượng tội phạm chuyên nghiệp thường dùng những đối tượng mới vào nghề thí chốt khi bị quần chúng phát giác cũng như ngành công an bắt. Bọn chúng biết là trong năm tránh vi phạm 2 lần, nếu không sẽ bị truy tố pháp luật. Những đối tượng này thường ẩn náo, vào vai của người công dân lương thiện, sau khi hết thời điểm nguy hiểm sẽ hoạt động tiếp, nhưng mức độ ngày càng tăng về thủ đoạn cũng như hành vi.
Đây là những “hiệp sĩ” có nghĩa cử cao đẹp, những nhân tố tích cực trong phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lâm Gia

Đọc thêm