Sai phạm chưa được xử lý
Như PLVN đã thông tin, thời gian qua, nhiều diện tích đất trên địa bàn xã Thiện Kế bị sử dụng trái pháp luật. Trong đó có việc lấn chiếm, xây dựng kiên cố ở khu đất có nguồn gốc thuộc Nông trường Tam Đảo, thôn Hiệp Thuận, bờ hồ Cam Lênh. Hiện được giao cho ông Lê Sỹ Trọng quản lý. Ông Trọng không sử dụng đúng mục đích mà cho thuê lại rồi xây dựng hàng rào kiên cố.
Ngày 6/3/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra QĐ số 724/QĐ-UBND “về việc thu hồi đất do Cty TNHH Đầu tư sản xuất và Phát triển Nông nghiệp Vineco Tam Đảo không còn sử dụng để giao cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật”. Đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương: “tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiếp tục vi phạm sử dụng đất, xây dựng trái phép trên đất do Cty Vineco Tam Đảo trả lại. Nếu xảy ra vi phạm pháp luật đất đai, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND tỉnh, UBND huyện”.
Trao đổi về nội dung này, ông Đào Trọng Tuấn - Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Thiện Kế từ năm 2011-2020 xác nhận, việc các hộ dân xây dựng “chưa được huyện phê duyệt”.
Không những bất bình đối với phần đất do ông Trọng quản lý, tại xã Thiện Kế, người dân cũng bức xúc về nhiều diện tích đất khác cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Điển hình như, từ ngã 3 đường nhựa đi vào hồ Cam Lênh mọc “sừng sững” một căn biệt thự 2 tầng hay xung quanh đồi Hiệp Thuận có nhiều đơn vị “xẻ thịt” chiếm dụng biến thành trạm trộn bê tông, tập kết vật liệu xây dựng, nhà máy sản xuất gạch không nung…
Không những thế còn có hàng nghìn m2 đất tại kênh suối Sông Mây cũng bị san nền chia thành nhiều ki ốt, có dấu hiệu “xẻ” ra bán chiếm dụng nhằm trục lợi cá nhân. Thậm chí, ngay gần UBND xã Thiện Kế cũng có công trình được quây tôn do một đơn vị đứng ra xây một dãy nhà, được gọi là nhà ở xã hội (?!).
Ngày 13/12/2019, UBND xã Thiện Kế đã ra thông báo về việc di dời, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất tại khu vực đồi Hiệp Thuật nhưng việc ban hành văn bản xem ra chỉ như “nước đổ lá khoai”, đến nay các công trình vẫn nguyên trạng.
Ngoài ra, người dân địa phương còn cho biết, có nhiều đất công, đất rừng cũng bị chiếm dụng xây dựng kiên cố trái phép xung quanh thôn Ngũ Hồ, thôn Rừng Cuông. Thậm chí còn cắm biển quảng cáo là do công ty Lạc Hồng kí hợp đồng với UBND xã.
Dự luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc bao che, tiếp tay cho sai phạm, trục lợi cá nhân trong những vụ việc trên? Trao đổi về vấn đề trên, ông Đào Trọng Thành - Chủ tịch UBND xã Thiện Kế cho biết: “Đây là những sai phạm từ thời chủ tịch trước”.
|
Công trình có dấu hiệu sai phạm trên địa bàn xã Thiện Kế. |
Anh làm bí thư, em làm chủ tịch
Không chỉ phản ánh về những dấu hiệu vi phạm trong xây dựng, quản lý đất đai... người dân còn bức xúc phản ánh, trong các cơ quan ban ngành ở xã Thiện Kế, đa số là “người nhà”, “người thân” của ông Đào Trọng Tuấn giữ các chức vụ quan trọng.
Theo đó, ông Đào Trọng Thành hiện đang giữ chức Chủ tịch UBND xã Thiện Kế chính là em con chú của ông Tuấn. Hay cháu ông Tuấn là ông Nguyễn Văn Thao trước làm Xã Đội trưởng, sau phụ trách kế toán, ngân sách xã Thiện Kế.
Ngoài ra, em trai ông Tuấn là ông Đào Trọng Anh làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Môi trường. Ông Đào Trọng Hưng - Trạm trưởng trạm Y tế xã là anh trai ông Thành - Chủ tịch UBND xã.
Ông Lê Văn Chiến - trước là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân giờ làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh là em trai vợ ông Bí thư xã. Bà Nguyễn Thị Tuyết là cháu vợ ông Tuấn giữ chức Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã.
Ông Lưu Tiến Cường – cháu ông Tuấn hiện đang giữ chức bí thư Đoàn thanh niên. Ông Nguyễn Văn Minh, con cậu ruột ông Tuấn làm Chủ nhiệm Hợp tác xã điện Thiện Kế.
Người dân băn khoăn, việc nhiều anh em, họ hàng của Bí thư xã Thiện Kế Đào Trọng Tuấn cùng giữ các vị trí khác nhau trong một xã có đúng quy trình không, có minh bạch trong việc chọn người phục vụ cho nhân dân? Có hay không sự nâng đỡ, tạo phe cánh?
Về vấn đề này, ông Đào Trọng Tuấn không thừa nhận việc có anh em ruột và người thân giữ các chức vụ trong UBND xã Thiện Kế.
Còn ông Đào Trọng Thành – Chủ tịch UBND xã Thiện Kế thì cho biết: “Về công tác nhân sự là phải xuống gặp anh Dương (Phó bí thư trường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã – PV). Người dân phản ánh như vậy đúng hay sai thì không thể phát ngôn được. Anh em cán bộ làm lãnh đạo 10 năm nay rồi, chứ không phải mới. Bản thân chúng tôi cũng trưởng thành từ thôn, xong lên đến xã, làm lãnh đạo từ năm 1999, bản thân tôi cũng làm dưới thôn. Từ năm 2006 đến nay thì làm trên xã qua các chức danh khác nhau. Chứ không phải là mới tham gia, mới làm ở đây. Để khách quan nhất, Dương sẽ có ý kiến về tất cả những trường hợp ấy”.
“Còn người dân phản ánh đúng sai thì đó là quyền của người dân. Sáu chức danh chủ chốt trong xã thì anh Tuấn là Bí thư, còn tôi là em họ của anh Tuấn. Anh Dương sẽ cung cấp hết, tôi là em họ anh Tuấn, nói sẽ không khách quan. Không có chuyện 6 chức danh chủ chốt là anh em, không có chuyện đó. Anh Dương là Phó bí thư trường trực - Chủ tịch Hội đồng nhân dân, còn tôi là Phó bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND. Anh Đỗ Hoàng Hà - Phó Uỷ viên ban thường vụ - Phó chủ tịch UBND xã. Anh Vũ Văn Huấn là Uỷ viên ban chấp hành - Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân. Chứ hầu hết thì không có. Ông Nguyễn Văn Thao xưa là xã đội trưởng nay làm kế toán xã là cháu ông Tuấn. Lưu Tiến Cường - Bí thư đoàn thanh niên xã là cháu ông Tuấn, trưởng thành từ thôn lên. Ông Đào Trọng Anh làm chủ nhiệm HTX môi trường là em trai ông Tuấn. Ông Lê Văn Chiến chẳng liên quan gì ông Tuấn”.
Thời gian qua, tình trạng “cả họ làm quan”, “cả nhà làm cán bộ” được lý giải là làm đúng quy trình, do - tại - bởi ngẫu nhiên…
Tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu từng đặt vấn đề: “Nhiều người nhà cùng làm quan thì liệu trong công việc có công tâm khách quan không? Ai là người kiểm tra đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của những người này?”.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.