'Virus' hủy diệt' trong lòng dịch nCoV

(PLVN) - "Phòng, ngừa, hiểu biết về dịch bệnh là cần thiết. Nhưng phát cuồng lên vì dịch bệnh là tự tạo ra một loài virs khác – virus sợ hãi. Thứ đó còn hủy diệt người ta ghê gớm hơn Corona nữa”. 
Nhiều người dân đổ xô mua hàng tích trữ.

Sau sự cố khẩu trang thời nCov, là sự “đình công”: “Không bán khẩu trang, nước rửa tay! Đừng hỏi” của “chợ” thuốc Hapulico (Hà Nội)… Tiếp đó là sự khan hiếm thực phẩm từ các siêu thị. Sự kì thị với bất kì ai dù chỉ là… hắt xì.

“Mua cho chắc ăn, kẻo người khác mua mất”

Một cô bạn ở TP Hồ Chí Minh kể: “Sáng ra, tôi ra đường quên mang chai nước rửa tay, tạt vô cửa hàng tiện lợi mua, năm  cửa hàng đều không có, ghé nhà thuốc Tây mua cồn dùng tạm, cũng mấy nhà thuốc đều hết hàng. Nghe nói Co.op Mart có nhập về lượng lớn bình ổn giá, nghi nghi tôi gọi hỏi trước, mấy siêu thị đều hết luôn”.

Ngồi taxi nghe anh tài xế kể xóm anh kéo nhau đi siêu thị mua đồ ăn dự trữ cho cả nửa tháng vì có tin đồn: “Chính phủ sắp cấm ra khỏi nhà”. Ghé tiệm gội đầu, chị gội đầu nói có chị khách vô xách túi chứa gần 50 chai nước rửa tay, hỏi: “Sao mua dữ vậy? Xài cả năm luôn?” Chị khách nói: “mua cho chắc ăn không người khác mua hết”.

Rồi chị khách kể thêm: “Hồi sáng sớm, mẹ tôi vào Co.op Food đầu đường mua chanh sả gừng, không còn miếng nào luôn. Ủa sao vậy mọi người. Cúm chưa tới mà tính tự triệt đường sống của nhau hay sao? Hay để virus sợ hãi và ích kỉ diệt mình trước đã? Phòng, ngừa, hiểu biết về dịch bệnh là cần thiết. Nhưng phát cuồng lên vì dịch bệnh là tự tạo ra một loài virs khác – virus sợ hãi. Thứ đó còn hủy diệt người ta ghê gớm hơn Corona nữa”.

Ở góc nhìn khác, anh Chương Đặng (Hà Nội) bày tỏ: “Thấy tình hình khẩu trang khan hiếm và tăng giá gấp nhiều lần; vậy tình hình nguy kịch quá rồi. Nguy kịch tự tạo. Nếu bạn có mấy cái khẩu trang trong tay, hay gia đình còn một hộp thì đừng chạy đi mua trong lúc này. Khẩu trang không phải trái cây, rau củ hay vật nuôi mà mất mùa hay phải đợi lớn…

Người ta có thể sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn. Sự khan hiếm cục bộ do thói quen xấu mua tích trữ, mà không tính đến yếu tố tiên quyết trong đại dịch: Chỉ một ít người không an toàn thì tất cả không an toàn”. 

Nếu đã có đủ dùng thì đừng hỏi mua khẩu trang trong lúc này, vì mua cũng không có. Ai cũng cần tiền lắm, họ sẽ sản xuất ngày đêm và phân phối trong lúc giá tốt. Bạn cứ tưởng tượng đi 100 người, 99 người đeo khẩu trang mà có một người không đeo thì 99 người này sẽ phải thay khẩu trang mỗi khi tay của họ tiếp xúc một bề mặt, hay phải tháo khẩu trang ra làm gì đó… Xã hội sẽ tiêu tốn rất, rất nhiều khẩu trang mà vẫn không hiệu quả bằng tất cả 100% đều có đủ khẩu trang và đeo vào khi cần thiết!

Có điều, trên tất cả của việc “găm hàng - đội giá” - nó cho thấy đây là cái sự “kiếm lời từ thảm họa” của những con người vị kỷ và ngẫm ra chẳng phải chuyện mới đây người ta sáng tạo ra. Nói thẳng ra, có những nỗi sợ hãi đã biến thành tiền. Kinh doanh nỗi sợ hãi, trục lợi từ sự hoang mang của công chúng thậm chí còn trở thành một chiêu thức marketing.

Bạn muốn mua tích trữ lương thực, khẩu trang và thuốc sát khuẩn cũng được. Nhưng bạn phải nhớ rằng nếu tất cả chúng ta đều mua gấp đôi, gấp ba lượng hàng hóa so với bình thường vào lúc này, ngay sau Tết là thời điểm mọi hoạt động sản xuất đều cực thấp thì chúng ta góp phần tạo ra sự bất ổn hoặc khủng hoảng. 

Cách đây vài năm, Nhật Bản xảy ra thảm họa động đất. Một chị lấy chồng Nhật post lên FB rằng: “Hôm nay đi đổ xăng, sợ khủng hoảng nên đổ đầy bình, định đi siêu thị hốt đồ thì bị chồng Nhật mắng. “Chỉ được đổ nửa bình”.

Chị hỏi: “Tại sao, bình thường em vẫn đổ đầy bình mà? Nhất là đang khủng hoảng, lỡ mai không còn xăng đổ thì sao”?  Chồng chị đáp: “Vì là khủng hoảng nên mới chỉ được đổ nửa bình. Chừa cho những người đang bị thiếu hụt ở vùng thiên tai”...

Vì khủng hoảng nên mọi người đều cố gắng không tích trữ để phần lương thực dư cho những nơi đang gặp tai họa. Nhường cho người đang cần. Và sau đó toàn thế giới nghiêng đầu trước hình ảnh dòng người Nhật xếp rồng rắn nhẫn nại nhường nhịn, che chở, chờ đợi để được cứu hộ.

Có một thực tế, đôi khi thiên tai không đáng sợ bằng nhân họa. Ví dụ như sự “găm hàng” khẩu trang và nước rửa tay. Thật ra theo mức độ nhà máy và tốc độ sản xuất, nếu chúng ta mua đủ xài trong vài ngày, sau đó lại tiếp tục mua tiếp, bảo đảm sẽ không thiếu cho bất kỳ ai trong 90 triệu dân số hiện tại.

Nhưng chỉ vì có rất, rất nhiều người, tích trữ cả trăm hộp trong nhà nên mới tức thời xảy ra khủng hoảng. Và dự là qua cơn khủng hoảng này, lượng khẩu trang, nước sát trùng tích trữ đó có thể xài đến vài năm. Thực phẩm cũng vậy. Thực ra nếu chúng ta vẫn sống theo bình thường với tốc độ sản xuất thực phẩm hiện tại chúng ta sẽ không bao giờ xảy ra khan hiếm.

Rồi rất có thể, qua cơn khủng hoảng, có người không đủ ăn, có người lại thừa mứa bỏ đi vì hết hạn sử dụng. Nên nếu có quá lo lắng, chỉ xin tích trữ đủ dùng trong hai tuần. Thực phẩm sẽ không thể khan hiếm nếu chúng ta vẫn tiếp tục công việc của mình và cẩn thận trong giao tiếp là được. Đừng tạo nên một cơn khủng hoảng dẫn đến chúng ta không bị diệt vì virus mà tự diệt lẫn nhau. 

Và nữa là những “ổ dịch” từ lòng người. Một anh bạn kể một câu chuyện vừa xảy ra: “Tôi vừa bước vào thang máy của chung cư thì thấy một gia đình nhỏ đã đứng trong ấy từ lúc nào rồi. Bà mẹ trẻ đeo khẩu trang, mắt dán vào cái điện thoại, ông bố cũng thế nhưng hai ông con trai còn nhỏ thì đang cười đùa trong đó, khẩu trang trễ xuống dưới cằm.

Nhác thấy tôi bước vào, bà mẹ như kiểu giật mình nhìn lên, rồi khẽ bảo con: “Đeo ngay khẩu trang vào”. Hai thằng vội vã đeo luôn khẩu trang lên. Tôi bực quá, chẳng nhẽ họ thấy mình không đeo khẩu trang mà lại ra vẻ phân biệt đối xử đến thế ư? Không thể chấp nhận thái độ khinh người như thế được. Thế là tôi giả vờ hắng giọng, rồi hắt xì hơi một cái thật đã đời.

Chẳng khó hình dung ra cái gia đình nhỏ kia giật mình sợ hãi đến mức nào. Đúng lúc ấy, cửa thang máy mở, ai đó sắp bước vào. Thế là nhà kia vội vã ùa ra ngoài, như kiểu chạy trốn, tầng mà họ muốn lên vẫn còn báo đỏ trong tháng máy kia kìa”... 

Và bình tĩnh sống

Trước thảm họa nCov, nhà lãnh đạo Singapore khuyến cáo người dân nước này lắng nghe lời khuyên của các bác sĩ bởi đó là cách tốt nhất bảo vệ bản thân họ trước cúm Vũ Hán. Trong tuyên bố của mình, ông Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh: “Với từng cá nhân, các bạn phải lắng nghe những lời khuyên tốt nhất để bảo vệ bản thân mình và chúng ta cùng chung tay làm những gì tốt nhất cho cộng đồng để cùng nhau vượt qua đại dịch này một cách êm đềm và tốt đẹp”, ông Lý cho biết hôm 31/1.

“Khẩu trang mang đến cho các bạn cảm giác an toàn giả tạo bởi hầu như bạn sẽ không bị nhiễm virus khi hít phải nó. Bạn có thể bị nhiễm virus thông qua các tương tác và bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay hay giữ bản thân mình sạch sẽ cũng như biết rõ về tình trạng sức khỏe của mình và tránh xa đám đông”, ông Lý nói thêm.  

Ông Lý cũng dẫn thông tin từ các nhà khoa học cho biết cúm Vũ Hán, dù có nhiều điểm tương đồng với đại dịch SARS năm 2003, nhưng lại có những điểm khác. Cụ thể, cúm Vũ Hán dễ lây lan hơn SARS và có thể lây nhiễm ngay cả khi chưa xuất hiện triệu chứng.

“Đó là một căn bệnh mà chúng tôi nghĩ mình vẫn đang cố gắng để nắm bắt nó. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta không cần phải quá hoảng sợ”, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh.

Và một trong những chia sẻ của bác sỹ Trần Văn Thuấn (Bệnh viện K) được xem là thực sự thích hợp lúc này: Chúng ta không phủ nhận cảm xúc của cộng đồng, bởi trước dịch bệnh, tâm lý lo lắng là điều dễ hiểu. Nó cũng có mặt tích cực như một động lực để mọi người thực hiện các thay đổi thực chất hơn về sức khỏe của chính mình, tuân theo khuyến cáo, chỉ là việc sợ hãi phi lý đến mức cản trở các hoạt động cuộc sống, hay dẫn đến các hành vi phản xã hội như kích động, phân biệt, kỳ thị các nhóm người, gây tổn thương cho cộng đồng”. 

Lịch sử đã có không ít những dịch cúm chết chóc đến rồi đi. Đó là dịch SARS năm 2003 lan ra 29 quốc gia, làm hơn 8.000 người nhiễm bệnh và gần 800 người tử vong, nhưng chưa đầy một năm sau đã được kiểm soát.

Dịch cúm A(H1N1) năm 2009 khiến 18.000 người thiệt mạng trên tổng số 575.000 ca nhiễm bệnh. Đại dịch Ebola là nỗi khiếp sợ của toàn nhân loại trong năm 2014 với gần 7.000 trường hợp tử vong. Và một chủng cúm tưởng chừng đơn giản nhưng không đại dịch nào gây tử vong nhiều hơn, đó là virus cúm Influenza (virus cúm mùa) hàng năm ảnh hưởng đến hàng chục triệu người và cướp đi sinh mạng của ít nhất 12.000 người tại Mỹ.

Y học cũng như năng lực phòng chống dịch trên thế giới ngày càng có nhiều tiến bộ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi dịch bùng phát, các nhà khoa học đã phân lập, nuôi cấy được 2019-nCoV, đây là bước quan trọng để triển khai sản xuất vaccine.

Mặc dù thời gian tới, dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, nhưng chúng ta đừng quên hàng nghìn nhà khoa học đang miệt mài ngày đêm trong phòng thí nghiệm để tìm cách cứu nhân loại. Ta có đầy đủ cơ sở để hy vọng rằng dịch viêm phổi Vũ Hán rồi sẽ chỉ còn là quá khứ.

Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá rất cao việc theo dõi, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh. Thủ tướng đã công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, khẳng định “đặt sức khỏe nhân dân lên trên hết dù phải hy sinh lợi ích kinh tế”. 

Một bạn trẻ bày tỏ: “Thực ra, tỉ lệ sống chết trong từng giây phút là 50/50. Có cả mối nguy hiểm với tâm chính là tham, sân, si. Đó là những hiểm họa bên trong... Virus có thể giết chúng ta một lần. Vô minh thì có thể mang chúng ta vào vòng quay luân hồi sinh tử lặp đi lặp lại mà không có điểm đầu điểm cuối”...