Vợ bị bạo hành 'nản' vì chồng 'chạy tiền' để không xử án?

(PLO) - Nhiều nạn nhân bị bạo hành không trình báo với công an hay người khác vì cảm giác xấu hổ, sợ hãi hoặc không hy vọng vào kết quả giải quyết khi cho rằng một số nạn nhân đã gặp khó khăn vì chồng hoặc gia đình nhà chồng "chạy tiền" để không xử lý vụ án.
Công lý cho các nạn nhân của bạo lực gia đình còn gặp nhiều thách thức vì định kiến xã hội và thái độ của các cơ quan thực thi pháp luật
Công lý cho các nạn nhân của bạo lực gia đình còn gặp nhiều thách thức vì định kiến xã hội và thái độ của các cơ quan thực thi pháp luật

Thực tế được ghi nhận qua khảo sát nhận thức về quyền tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo hành do Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phụ nữ của Liên hợp quốc (UN Women) tiến hành từ 20/1 đến 31/3/2017 tại Hà Nội và Lạng Sơn.

Phạt tiền không ngăn được bạo lực tái diễn

Theo báo cáo khảo sát được góp ý tại Hội thảo diễn ra sáng nay (22/3), vẫn có nạn nhân nghĩ rằng nếu bạo lực xảy ra trong gia đình thì nên xử lý trong gia đình hoặc hòa giải. Còn hệ thống tư pháp hình sự chỉ xử lý các hình thức bạo lực nghiêm trọng hơn.

"Tôi nghĩ rằng không nghiêm trọng có nghĩa là chửi mắng, đánh đập nhưng không gây thương tích, chẳng hạn như tát vào mặt hoặc đấm, đá mà không gây ra thương tích.

Bạo lực nghiêm trọng có nghĩa là gây thương tích như chảy máu, gẫy chân hoặc tay hoặc bị gì đó cần phải đi đến bệnh viện "- như nhận thức của một nạn nhân bạo lực gia đình.

Trong khi đó, có người cho rằng bạo lực gia đình cần được xử lý thông qua hòa giải trước và chỉ khi nó không thể giải quyết được thì cơ quan chức năng mới phải xử lý vụ án nhưng không nêu rõ cơ quan nào và hệ thống nào sẽ xử lý.

Các kiểm sát viên tham gia khảo sát cũng lưu ý, hình phạt hành chính mà thường là phạt tiền có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến nạn nhân bạo lực gia đình.

Nhưng một nạn nhân nêu ý kiến: “Những người chồng gây bạo lực gia đình cần phải bị trừng phạt nghiêm khắc hơn là chỉ phạt tiền vì điều này không ngăn cản họ lặp lại bạo lực” .

Dẫn số liệu các nghiên cứu về bạo lực gia đình của Cơ quan phòng ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam, báo cáo khảo sát cho thấy, bạo lực gia đình có tỷ lệ hòa giải cao khi 61% số vụ chuyển hướng đến hòa giải.

Nghiên cứu năm 2011 của UNODC cũng cho thấy thái độ nhân nhượng của cán bộ thực thi pháp luật trong việc xử lý các tố cáo bạo lực gia đình vẫn còn phổ biến.

Bao gồm quan điểm cho rằng bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư, giữ cho gia đình yên ổn được ưu tiên và tin rằng phụ nữ không được từ chối nhu cầu tình dục của chồng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu phát biểu tại hội thảo.


Nạn nhân bạo hành bỏ kiện vì chồng "chạy tiền"?

Trong số 205 người được hỏi, 60 người cho biết họ từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực đối với phụ nữ. Từ đó, 43 người cho biết họ đã hoặc cố gắng trình báo bạo lực.

Trong những vụ bạo hành nghiêm trọng hoặc nạn nhân bị bạo hành thường xuyên thì lựa chọn duy nhất của nạn nhân thường là ly hôn, chứ không phải là tòa án hình sự với tư cách là nạn nhân của bạo lực.

Còn có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân trong các vụ bạo hành
Còn có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân trong các vụ bạo hành

Trước đó, UNODC cho biết, chỉ có 43% vụ bạo lực gia đình được trình báo được công an chú ý; chỉ có 12% vụ dẫn đến xử hình sự; và chỉ có 1% vụ có kết án.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho hay: “Phụ nữ phải đối mặt với tình trạng bị đối xử bất bình đẳng ở nhiều lĩnh vực và một trong những biểu hiện rõ ràng của bất bình đẳng là bạo lực với phụ nữ. Những nghiên cứu gần đây của Bộ Tư pháp đã chỉ ra phụ nữ bị bạo hành phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tiếp cận công lý, tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng”.

Bằng chứng này giải thích vì sao nhiều nạn nhân không trình báo với công an hay người khác vì cảm giác xấu hổ, sợ hãi hoặc không hy vọng vào kết quả giải quyết khi một số nạn nhân đã gặp khó khăn. Họ cho rằng, chồng hoặc gia đình nhà chồng "chạy tiền" để vụ án không được xử lý.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đưa ra những khó khăn khi xử lý các vụ bạo lực gia đình như tỷ lệ tố giác thấp là rào cản lớn nhất, nhận thức của cộng đồng về các hành vi bạo lực còn thấp, xác định tội phạm và mức độ bồi thường khó chứng minh do liên quan đến kết quả giám định, bằng chứng…

Nhưng khảo sát của các cán bộ tiến hành tố tụng tham khảo sát cho thấy, còn có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân trong các vụ bạo hành vì không nhờ đến hệ thống tố tụng can thiệp, chứ không xem xét các thách thức nội tại trong hệ thống tư pháp khi xử lý các vụ bạo hành.

Giải thích việc không tập trung vào các biện pháp bảo vệ như cách ly nạn nhân khỏi thủ phạm, nhóm công an tham gia khảo sát đưa ra lý do là người chồng đã hối hận, do thủ phạm say rượu hoặc ghen tuông...

Vì thế, “với sự mong manh của cơ chế bảo vệ pháp lý hiện tại đối với các trường hợp bạo lực gia đình, các nạn nhân chủ yếu phải tự bảo vệ mình” – báo cáo nhận xét.

Và qua khảo sát của UN Women, có tỷ lệ cao nạn nhân của bạo hành được phỏng vấn đã bỏ cuộc trong các giai đoạn tố tụng trên con đường đi tìm công lý.

Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra sự phổ biến của bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng như các vấn đề nổi bật trong hệ thống tư pháp hình sự về các hành vi phạm tội trên cơ sở giới.

Các nghiên cứu cũng phản ánh thực tế phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm công lý, đảm bảo sự an toàn của họ và buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm.

Theo đó, rất nhiều vụ bạo lực đối với phụ nữ không được trình báo và không bị truy tố, cũng như nạn nhân có nhu cầu hỗ trợ, bảo vệ và khắc phục không được công nhận và không được đáp ứng chiếm tỷ lệ phần trăm cao.

Trong những vụ hiếp dâm mà phụ nữ trình báo thì hơn 50% đã bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra ... Hầu hết bạo lực tình dục đối với phụ nữ được thực hiện bởi bạn tình, thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm hoặc người quen nên gây ra sự nguy hiểm và khó khăn cho các nạn nhân trong quá trình theo đuổi công lý.

Nghiên cứu của UNODC còn cho thấy nhiều nạn nhân không hài lòng với kết quả công việc của công an (47%) và nghĩ rằng các biện pháp do công an thực hiện không đủ nghiêm (54%).

Sự không hài lòng chủ yếu liên quan đến việc công an không điều tra vụ án (24%) hoặc không ngăn chặn thủ phạm (24%).