Giúp nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi danh
Soạn giả Viễn Châu kể về nguồn gốc của tuồng này như sau: “Khi tôi về đoàn, để tạo cú đột phá cho Thanh Nga sau khi cô đã đoạt Huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1958, bà bầu Thơ đã đặt hàng tôi viết các kịch bản lăng xê con gái bà. Vì thế, tôi đã sáng tác Hoa Mộc Lan, Chuyện tình Hàn Mặc Tử. Khi dựng lại tuồng này trên sân khấu đoàn Dạ Lý Hương, soạn giả Viễn Châu đã chỉnh lý và tạo ra vai diễn để đời Mai Đình cho nghệ sĩ Kim Ngọc.
Ông nhắc lại chuyện này: “Tôi viết vai Mai Đình trong kịch bản để Kim Ngọc diễn với Hùng Cường. Từ thành công của vai Mai Đình, đi đâu gặp Kim Ngọc, tôi cũng nói: “Mai Đình của tôi”. Còn cô thì hồ hởi: “Con có được ngày hôm nay một phần công lao rất lớn là của chú”. Tôi gạt ngang: “Cái chính là cách sống của Mai Đình”. Kim Ngọc cười giòn, tiếng cười của cô ấy không mang một sự hơn thua, sân si nào trong cả cuộc đời nghệ sĩ”. Đến thập niên 1980 là của lớp nghệ sĩ đàn em như Trọng Hữu, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Tòng… tiếp tục cùng với vở tuồng này làm say lòng biết bao khán giả.
Cuộc đời tài hoa, đoản mệnh, những mối tình ngắn ngủi mà say đắm với rất nhiều nàng thơ, Hàn Mặc Tử đã để lại nhiều giai thoại, nhiều cuộc tranh luận suốt hàng chục năm sau khi ông qua đời. Đến nay, hầu hết những người trong cuộc, bạn bè của ông đều đã sang thế giới bên kia nhưng những cuộc tranh luận vẫn chưa chấm dứt. Trên nền của một số mối tình ấy, soạn giả Viễn Châu đã hư cấu, cô đúc lại trong mối tình giữa Hàn Mặc Tử và bốn cô gái Thu Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình và Hồng Sương.
Theo cốt truyện của tuồng, Thu Cúc yêu Nguyễn Trọng Trí vì tài thơ phú. Gia đình nàng không đồng ý vì anh chỉ là nhân viên quèn của Sở Đạc điền mà cha nàng là sếp. Khi thấy con gái vật vã tương tư, cha nàng thách thức chàng trai trong 3 năm, nếu làm nên danh phận thì mới gả con gái. Bối cảnh của tuồng bắt đầu từ lúc cha mẹ Thu Cúc chuẩn bị gả con gái cho một kỹ sư. Vì lời hẹn trước, cha nàng quyết định gọi Trí đến thông báo cắt đứt quan hệ. Ông không biết Trí đã vào Sài Gòn làm báo và nổi danh với cái tên nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Ngoài mối tình đứt đoạn với Thu Cúc, Hàn Mặc Tử còn yêu Mộng Cầm, một cô gái ở Phan Thiết, vì yêu thơ mà yêu cả người làm thơ. Trái ngang thêm khi Hồng Sương, dì ruột của Mộng Cầm cũng cảm mến Hàn Mặc Tử. Chàng chỉ đáp lại tình cảm của người cháu, nên Hồng Sương đành rút lui, nhường hạnh phúc trọn vẹn cho Mộng Cầm. Thất tình, Hồng Sương quyết định hiến dâng đời mình cho Chúa, trở thành một nữ tu.
Chưa hết đào hoa, Hàn Mặc Tử còn được Mai Đình, một người bạn láng giềng thuở ấu thơ, thầm thương trộm nhớ. Để chạy trốn sự tranh giành của các cô gái, Hàn Mặc Tử bỏ vào Sài Gòn, để lại sự ngỡ ngàng cho những cô gái yêu mình. Nhưng phận tài hoa thì mệnh bạc, Hàn Mặc Tử bị bệnh lạ, phải vào điều trị ở bệnh viện của một người bạn. Biết tin, không hẹn mà trùng hợp, 3 cô gái cùng đến thăm và chạm mặt nhau. Khi biết đích xác Hàn Mặc Tử bị bệnh phong, hai cô gái gạt nước mắt quay đi. Chỉ còn lại Mai Đình, nàng đưa nhà thơ trở về quê hương Quy Nhơn, sống nốt những ngày còn lại.
Trong vở tuồng, soạn giả Viễn Châu đã ý tứ nhấn mạnh sự hư cấu trong tuồng cải lương. Thậm chí, một nhân vật thật ngoài đời tên Hoàng Cúc đã được đổi thành Thu Cúc. Những chi tiết tình huống đời thật cũng được sửa đổi rất nhiều. Vở tuồng chỉ mượn tên một số nhân vật và một số tình huống để nói lên cảm giác xót xa với một cuộc đời nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh, ca ngợi tình cảm nam nữ dù trắc trở nhưng vẫn thật cao đẹp.
|
Thực hư những mối tình?
Dù ý tưởng của soạn giả là thế, vở cải lương vẫn khuấy động dư luận thời điểm ấy. Những người đẹp, nàng thơ của thi sĩ bấy lâu nay yên lặng, giờ đã lên tiếng. Những mối tình tưởng đã vùi chôn cùng chàng dưới ba thước đất giờ cũng sống dậy. Liên tiếp nhiều năm sau khi vở tuồng công chiếu, những mối tình, những nàng thơ ngoài đời thật vẫn nửa hư nửa thực, khó biết đúng sai.
Ví dụ như Hoàng Cúc, vốn được coi là mối tình đầu của thi sĩ. Đồn đại rằng khi nghe tin chàng bị trọng bệnh, nàng bèn gửi cho Hàn Mặc Tử một bức ảnh chụp cảnh nàng mặc áo lụa dài trắng đứng dưới vòm cây xanh mát. Nhận được ảnh, Hàn Mặc Tử rất vui, đây là cảm hứng để chàng viết nên tuyệt tác Đây thôn Vĩ Dạ.
Tuy nhiên, trong bức thư gửi nhà thơ Quách Tấn (bạn của Hàn Mặc Tử), Hoàng Cúc viết: “Về cô gái trong câu Lá trúc che ngang mặt chữ điền mà ông hỏi có phải là tôi đó không. Thưa ông, bức ảnh đó chỉ là bức ảnh phong cảnh, không có cô gái nào khác ngoài cô gái chèo đò. Cô gái mà ông hỏi đó là do sức tưởng tượng của thi nhân mà hiện ra thôi”. Trong thư, Hoàng Cúc cho biết: “Không ngờ sức tưởng tượng của thi nhân quá khác thường đến biến bức ảnh phong cảnh đó thành bức ảnh bến Vỹ Dạ lúc hừng đông hay một đêm trăng, trong đó có cô gái Lá trúc che ngang mặt chữ điền nữa. Khiến có người đã nghĩ rằng cô gái đó mặc áo trắng dài tha thướt vì câu Áo em trắng quá nhìn không ra….”. Còn về chuyện tình cảm giữa hai người, Hoàng Cúc viết: “Hồi ấy tuy nhà Tử ở gần tôi, song Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi, Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng. Tuy thế Tử cũng đã tìm cách để gặp, nhưng rồi vẫn cũng chưa toại nguyện...”.
Hoặc như mối tình da diết nhất của chàng thi sĩ đa tình gắn liền với cái tên Mộng Cầm. Theo một số lời kể, hai người đã có thư từ trao đổi với nhau về chuyện văn thơ khi Hàn Mặc Tử đang làm ở Sở đạc điền Quy Nhơn. Khi đã vào Sài Gòn làm báo, Hàn Mặc Tử nhiều lần đi xe lửa đến Phan Thiết tìm gặp Mộng Cầm. Và mối tình đẹp đẽ ấy kéo dài được gần hai năm trời. Hai người đã có nhiều kỷ niệm đẹp, hạnh phúc và tràn đầy hy vọng ở các địa danh Mũi Né, Lầu Ông Hoàng. Mộng Cầm đã cho thi sĩ những tháng ngày hạnh phúc, những đêm ngày hy vọng. Song chính Mộng Cầm đã gieo rắc vào lòng chàng trai đa sầu đa cảm này nỗi đau khôn nguôi khi quyết định lấy chồng giữa lúc thi sĩ lâm bệnh nặng.
Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn đăng ở tạp chí Phổ thông vào năm 1961, Mộng Cầm đã phủ nhận hoàn toàn chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử: “Một dịp thứ bảy đi chơi lầu Ông Hoàng, anh thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh: Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng. Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau... Tuy vậy chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật một hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều lần, Hàn Mặc Tử năn nỉ tôi dẫn về Quảng Ngãi thăm nhà và trong nhiều bức thư, anh đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời, nhưng luôn luôn ngụy biện để từ chối: Em thiết nghĩ chúng ta sống như thế này thanh cao hơn, tôn giáo bất đồng, chữ hiếu bắt buộc em phải nghe lời thân mẫu”.
Ngay cả Mai Đình, người con gái trong tuồng cải lương với đức hy sinh tuyệt đẹp, cũng có những tranh luận. Theo đó, Mai Đình thực ra không phải là một nàng thơ, cũng không phải là người tình của Hàn Mặc Tử... Đúng nghĩa, nàng là một người bạn văn chương của chàng. Nàng gặp Hàn Mặc Tử khi chàng đã lâm trọng bệnh, đúng là đã hâm mộ thơ của thi sĩ từ trước, nhưng không phải bạn “thanh mai trúc mã”.
Hàn Mặc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912, ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Ông là người khởi xướng Trường thơ Loạn và cũng là người tiên phong của dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. Lệ Thanh và Phong Trần là các bút danh khác của ông. Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn. Ông mất năm 1940 khi vừa bước sang tuổi 28, để lại cho hậu thế nhiều bài thơ tuyệt tác như Đây thôn Vĩ Dạ, Mùa xuân chín, Bẽn lẽn…