Vợ chồng già bị ngược đãi: "Ở đâu hàng xóm cũng quý chúng tôi"


"Bà con ở đây ai cũng quý chúng tôi lắm, mà thực sự đi đâu người ta cũng quý vợ chồng tôi," bà Chén bùi ngùi tâm sự...

[links()] Trong căn buồng nhỏ phía sau đình, ông Quý và bà Chén nói: "Chúng tôi vô phúc sinh ra những đứa bất hiếu nhưng không phải cả bảy đứa con của tôi đều như vậy. Xin đừng trách oan các cháu".

Giải oan cho các con

Nước mắt bao giờ chẳng chảy xuôi, khi chúng tôi trò chuyện với ông bà về những người con của mình, không biết ai nói gì với hai cụ mà bà Chén cứ nhắc lại mãi "mong các nhà báo đừng bắt các cháu nó đi tù, nếu thế thì con cái chúng nó biết để ai trông? Thôi các nhà báo thương chúng tôi thì chúng nó còn làm ăn đùm bọc cho chúng nó".

Bà Chén cho biết "các cháu con cái chúng nó đều tử tế lắm, các cháu cũng ngoan và học giỏi. Chúng nó thương vợ chồng tôi chứ không như bố mẹ chúng đâu. Còn các con tôi sai, thì sau này chúng sẽ bị quả báo".

Theo cái lệ ở làng hai cụ, con gái đi lấy chồng là con người ta nên chẳng bao giờ bố mẹ dám đến nhà nhờ cậy. Ba cô lớn hơn cũng đi lấy chồng ở tận nơi khác, chẳng mấy khi về thăm nom cha mẹ, còn cô út ở gần đó thì nghèo túng, chẳng đỡ được nhiều. Cô út tên là Thoa vẫn giúp cấy cho ông bà sào ruộng và thi thoảng sang chăm sóc ông bà.

Khi biết dư luận lớn tiếng lên án cả 7 người con ruột của ông bà là bất hiếu thì bà Chén liền thanh minh ngay cho cô con gái út ở gần nhà "cháu nó tốt với chúng tôi lắm, chỉ khổ cái nghèo thôi."

Ông Quý thường xuyên chăm sóc cho bà Chén.
Ông Quý thường xuyên chăm sóc cho bà Chén.

Cả hai ông bà đều chẳng nhắc gì tới người con trai thứ hai tên là Lượng đang ở xã Tiến Xuân cả, khi phóng viên gặng hỏi thì ông bà trả lời "chúng tôi có cho cháu nó được đồng nào đâu mà dám nhờ cậy nhà chúng nó".

Được biết, tết năm nay vợ chồng anh Lượng cũng đón ông bà cụ lên chơi tết, nhưng chắc nghĩ tủi thân nên rồi các ông bà cũng khăn gói bỏ về.

Làm cha, làm mẹ thì ai cũng xót con, ông bà cũng chẳng kể thêm tội nào của những người con khác. Thế nhưng những người láng giềng gần đó thì cho biết dạo trước ông bà cũng thường xuyên đến ở hết nhà con này đến nhà con khác nhưng cũng chẳng ở được với con nào lâu. Cán bộ xã thì cho biết cả bảy người con của ông bà, không một ai hòa thuận với ai.

Cô út tuy chỉ mách tội hai ông anh ngược đãi cha mẹ nhưng cô cũng cho biết chẳng mấy khi các chị gái về thăm ông bà. Cô út nói có chị ở mãi tận Hòa Bình và bận lo cho nhà chồng nên không về được. Khoảng cách từ Hòa Bình tới thôn Đồng Lư chỗ hai ông bà chắc lâu nhất cũng chỉ nửa ngày đường là đến nơi. Chẳng biết đọc những bài báo viết về bố mẹ, họ có bỏ công, bỏ việc mà đến thăm ông bà một chút không?

Tình làng xóm, nghĩa vợ chồng

Trái ngược với sự bạc bẽo của những người con ruột, bà con chòm xóm ở thôn Đồng Lư lại hết sức cưu mang, đùm bọc đôi vợ chồng già. 9 năm trước, nếu không có họ giúp đỡ từ cái kiềng đun bếp, cái bát, cái thìa thì chắc ông bà cũng chẳng sống được tới ngày hôm nay.

"Bà con ở đây ai cũng quý chúng tôi lắm, mà thực sự đi đâu người ta cũng quý vợ chồng tôi," bà Chén bùi ngùi tâm sự.

Bà cụ 82 tuổi cũng tâm sự về người chồng đã sang tuổi 84 của mình: "chồng tôi tốt lắm, lấy nhau đã hơn 60 năm nhưng chúng tôi chẳng mấy khi to tiếng với nhau. Tôi biết tính ông, chẳng bao giờ làm quá để giận nhau. Khi ông làm căng thì tôi dịu bớt."

Bà Chén mắt lòa một bên nên chỉ làm những việc giản đơn trong nhà như quét nhà hay nấu bếp còn cụ ông trước đó vẫn thường bắt tôm tép, chăn nuôi con gà, trồng rau nuôi vợ. Chính vì làng xóm mến thương cái hiền lành, xởi lởi của ông bà mà luôn giúp đỡ.

Ở làng ai cũng hỏi nhau: "sao vợ chồng ăn ở hiền lành phúc đức thế mà con cái lại trở nên cạn tình cạn nghĩa đến vậy"?

Theo Infonet

Đọc thêm