“Nghiệp” chăm sóc nghĩa trang
Ông Lý cho biết, trong khuôn viên nghĩa trang này, có 6 người nhập ngũ cùng đợt với ông, cũng đã từng ăn cùng ngủ cùng trong một chiến hào. Nhưng rồi lại bị tách ra, mỗi người một chiến trường cho đến khi hòa bình lập lại, ông mới biết các bạn đã hy sinh.
Hồi đó ông đang làm quản trang cho khu nghĩa địa của xã đã được 15 năm. Sau lần đi thăm mộ bạn trong nghĩa trang liệt sĩ (NTLS), từ chỗ thương các bạn, thỉnh thoảng ông lại sang khu NTLS để thắp hương, chuyện trò cùng bạn, tranh thủ lau dọn, nhổ cỏ, trồng cây cho khu mộ bạn mình và các liệt sĩ lân cận.
Tuy vậy, khi chính quyền ngỏ lời cần một cựu chiến binh chăm sóc NTLS ông cũng chần chừ bởi nếu ông qua đó, phần nghĩa trang bên này ai sẽ chăm lo, tiếp quản. Nhưng rồi ông suy nghĩ, ông là một cựu chiến binh, đã từng vào trận, chiến đấu cùng các đồng đội. Ông may mắn hơn, được trở về với gia đình, vợ con, còn bạn của ông vĩnh viễn nằm lại. Bây giờ phần mộ lại lạnh lẽo thế kia… nghĩ tới mà ông trào nước mắt.
Sau một đêm, ông quyết định xin lỗi nhân dân, để nghĩa trang nhân dân lại cho người khác chăm sóc, còn ông tình nguyện chuyển sang làm công việc ở NTLS để hàng ngày được chăm sóc phần mộ đồng đội, phần mộ người bà nội (cũng là một liệt sĩ) và các liệt sĩ vô danh…
Nhắc lại những ngày đầu chăm sóc NTLS, ông bảo, khu vực nghĩa trang như là một khu đất hoang, cỏ mọc rậm rạp, có nhiều rắn rết, ông bà mất gần hai năm để xén cỏ, gánh gạch vỡ đổ đi, lấy bàn chải kì cọ từng lối đi bám rong rêu, đánh rửa từng ngôi mộ… Khi khuôn viên nghĩa trang dần trở nên sạch sẽ, ông bà tự đi mua các loại hoa về trồng xung quanh từng ngôi mộ. Để bây giờ, hoa cỏ 4 mùa reo vui cùng với nắng, gió để vỗ về giấc ngủ cho các liệt sĩ.
|
Vợ chồng ông Lý chuyên tâm với công việc chăm sóc nghĩa trang |
Để quá khứ hào hùng thức dậy…
Ông tâm sự: “Tôi rất tự hào và thấy ấm lòng khi các liệt sĩ thế hệ cha anh, đồng đội đã tìm được phần mộ, quy tập về nghĩa trang, được khói hương ấm cúng. Bây giờ tôi kể lại những ngày vác ba lô lên đường nhập ngũ khi vợ vừa sinh con đầu lòng được 1 tiếng đồng hồ cũng không thấy hổ thẹn với lòng mình”.
Rồi ông kể, ngày ấy, những năm 1963-1964, khi Tổ quốc cần, mặc dù ông đã từng tham gia chiến đấu trước đó, mặc dù vợ vừa mới sinh con đầu lòng được hơn 1 giờ nhưng ông vẫn xung phong tòng quân cùng 34 người con của Đồng Mai. Khi ông vừa đến điểm tập kết, có anh cán bộ thông cảm gợi ý ông ở lại đi đợt sau để chăm sóc vợ con nhưng ông vẫn kiên quyết lên đường, bởi ông luôn nhớ mình là một đảng viên, luôn sẵn sàng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Ngồi ngay bên cạnh chồng, bà Trịnh Thị Hồng vui vẻ kể rằng, khi bà vừa sinh đứa con đầu lòng thì ông Lý xung phong ra trận. Rồi ông đi chiến đấu một mạch, từ năm 1964, đến năm 1970 mới lại trở về nhà.
Trong những ngày tháng chiến tranh, câu chuyện về người bà nội nuôi giấu cán bộ Việt Minh và anh dũng hy trở thành tấm gương dũng cảm để ông noi theo. Nhưng khi đi bộ đội, ông bị thương nên phải xuất ngũ sớm. Trở về quê hương, với vai trò một đảng viên, một cựu chiến binh gương mẫu, ông đã tự nguyện chăm sóc nghĩa trang nhân dân của xã trong thời gian khoảng 15 năm, từ năm 2008 ông chuyển sang chăm sóc NTLS phường Đồng Mai đến bây giờ.
Xác minh thông tin của từng liệt sĩ…
Khi việc chăm sóc nghĩa trang đã vào khuôn khổ, thành lệ hàng ngày và nghĩa trang đã có một bộ mặt mới thì ông nghiên cứu hồ sơ từng liệt sĩ qua phòng LĐTB&XH của quận. Ông đọc sách lịch sử đảng bộ và chiến tranh của xã để hiểu hơn về cuộc chiến khi ông còn đang là một đứa trẻ. Ông thấm thía sự đau thương mất mát của gia đình mình khi chính bà nội bị bắt giam, mang đi bắn mà cả nhà không ai hay biết, cho tới khi có người dân tốt bụng báo nên càng hiểu nỗi đau của những gia đình chưa tìm được mộ liệt sĩ.
Ngồi bên mộ bà nội, ông hồi kể: Khi ấy ông mới 13 tuổi, sau khi bà nội ông bị bắt giam, gia đình ông không hay tin tức gì. 1 tuần sau có người dân ở Thanh Oai xuống báo giặc Pháp xử bắn một người phụ nữ đẹp lắm, đeo khuyên tai. Những thông tin mà người dân này kể lại rất phù hợp với bà nội ông. Ngay lập tức bố và chú của ông theo người dân này về Thanh Oai xác nhận. Tối hôm ấy ngôi mộ được đào lên và bà nội ông được đưa về.
Những ký ức đau lòng này theo ông suốt quãng thời gian sau đó, cho tới khi ông tiếp quản NTLS, những ký ức ấy cứ dồn dập kéo về khiến ông mất ăn, mất ngủ vì trong khuôn viên nghĩa trang có 21 ngôi mộ vô danh. Ông lập tức lục tìm các tài liệt liên quan đến các trận chiến đấu trong khu vực Hà Đông. Ngày nào ông cũng đi tìm gặp các cán bộ của thư viện, tìm gặp các cụ lớn tuổi trên địa bàn để hỏi thăm, tìm hiểu về các trận đánh lớn đã diễn ra.
Và ông không thể nhớ được mình vui như thế nào khi xác minh được thông tin của một vài liệt sĩ trong số 21 liệt sĩ vô danh. Như là cơ duyên, khi ông vừa xác minh được thì ông nhận được một lá thư từ Hà Tĩnh, là con của một liệt sĩ được an táng tại NTLS Đồng Mai. Đọc tên tuổi người liệt sĩ trong thư ông bủn rủn chân tay vì trong số liệt sĩ ông vừa xác minh được có tên người này. Ông lập tức điện thoại vào báo cho cô con gái.
“Tôi vẫn còn lo nhiều lắm vì mặc dù mình xác minh được thông tin các liệt sĩ nhưng vẫn chưa biết ai nằm ở ngôi mộ nào. Việc này chắc phải nhờ đến các cơ quan chức năng, phải xét nghiệm ADN trong các ngôi mộ mới tìm được cụ thể. Cô gái ấy vẫn điện hỏi thăm tôi đều, như người thân của nhau dù tôi chưa gặp lần nào. Không biết khi cô gái ấy ra, nếu không có cách tìm ra mộ cha mình cô sẽ thất vọng như thế nào” - ông Lý trầm giọng xuống tâm sự.
Bà Hồng ngồi cạnh chồng vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa góp chuyện: “Các liệt sĩ yêu mảnh đất Đồng Mai này lắm, họ quyến luyến với anh em đồng đội nên thậm chí không muốn về quê”. Nói rồi bà kể về một gia đình thân nhân liệt sĩ ở Nam Định, 3 lần đến xin làm lễ để đưa liệt sĩ về quê nhưng liệt sĩ không đồng ý. Cuối cùng gia đình đành phải gửi lại người thân của mình ở nơi đất khách quê người cùng với lời gửi gắm nhờ chúng tôi chăm sóc khói hương giùm.
Hàng ngày ông bà đến nghĩa trang làm việc từ sáng sớm đến tầm 7h tối mới về nhà. Ngày rằm, ngày lễ bà mua lương khô, thuốc lá, trà nước thắp hương mời các liệt sĩ. Rồi ông bà chuyện trò cùng họ mọi chuyện về đời sống xã hội, về tình hình đổi mới của quê hương, đất nước… như những người thân luôn gắn bó, hiện diện trong cuộc sống của mình.