Vợ con Lưu Huyền Đức với những số phận bi thảm

(PLO) - Lưu Bị tự là Huyền Đức, người quận Trác, nay là tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, hậu duệ một nhánh xa của hoàng tộc nhà Đông Hán. “Tại hạ Lưu Bị, hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng” là câu cửa miệng ông ta tự giới thiệu về mình với người khác. 
 Lưu Bị (tranh cổ)
Lưu Bị (tranh cổ)

Lưu Bị có một câu nói nổi tiếng: “Anh em như chân tay, đàn bà (vợ) như quần áo”. Vì thế, người ta cho rằng, trong mắt Lưu Bị, vợ chẳng qua là thứ quần áo tùy lúc có thể mặc vào cởi ra nên chịu số phận bi thảm…

Dưới đây là quan điểm của nhà nghiên cứu Phúc Ninh Khách trong bài viết “Bí ẩn về người vợ biến mất một cách thần bí của Lưu Bị: Bị Tào Tháo chiếm dụng sau khi bị bắt?” đăng trên trang web “Tin tức hàng đầu”.

“Nữ nhân như y phục”

Trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung thì Lưu Bị có 4 người vợ: Cam phu nhân (thụy hiệu Chiêu Liệt hoàng hậu do con trai là Hậu chủ Lưu Thiền truy phong), Mi phu nhân, Tôn phu nhân (em gái Tôn Quyền) và Ngô Thị (em Ngô Ý, vợ góa Lưu Thuẫn, con dâu Ích Châu mục Lưu Yên, khi Lưu Bị lên ngôi hoàng đế đã lập bà làm Ngô hoàng hậu).

Theo sử tịch, vợ con Lưu Bị ba lần bị bắt, mà cả ba lần có lẽ đều là cùng một cặp mẹ con. Hai lần đầu đều được Lưu Bị đòi lại từ tay Lã Bố, lần sau bị Tào Tháo bắt rồi không thấy trở về. Sử không ghi chép về người chính thất và đứa con trai này; không biết là họ bị Tào Tháo giết, bị Tào Tháo chiếm dụng hay chán không muốn về với ông chồng đần đụt Lưu Bị nữa…

Lưu Bị nổi danh trong thời Tam Quốc không phải bởi tài năng, mà chỉ do chữ “Nghĩa”. Dân gian lưu truyền câu “Huynh đệ như thủ túc, nữ nhân như y phục”, câu nói này tuy không có sử tịch chính thống nào ghi chép, nhưng đối chiếu với những việc xảy ra trong thực tế lịch sử thì quả đã phản ánh đúng tính cách, phẩm hành của Lưu Bị.

Thời xưa, câu nói ấy là lời ca ngợi trang nam tử theo đạo lý truyền thống phong kiến, còn với ngày nay thì lại là vấn đề lớn bởi việc gắn kết với bạn bè (anh em trong giang hồ) tuy là khí phách cần có của đấng nam nhi, nhưng việc không bảo vệ được ngay cả vợ con của mình thì liệu có đáng mặt đàn ông?

Những phụ nữ làm vợ của Lưu Bị thật khổ, họ không chỉ luôn có nguy cơ bị ông ta bỏ rơi mà còn cả bạn của chồng chà đạp. 

Cam phu nhân và A Đẩu trong phim
Cam phu nhân và A Đẩu trong phim

Cam phu nhân- số phận khốn khổ

Cuộc đời Lưu Bị thật ra rất bất hạnh, hèn kém; nhưng bất hạnh hơn là những người phụ nữ khốn khổ đi theo ông; trong đó điển hình là Cam phu nhân. 

Cam phu nhân người huyện Bái, là đồng hương của khai quốc hoàng đế Lưu Bang nhà Tây Hán. Bà quen biết Lưu Bị hoàn toàn do ngẫu nhiên. Cuối thời kỳ Đông Hán, sau cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng, đầu tiên Lưu Bị là thủ hạ của Đại tướng quân Hà Tiến, sau vì thất bại trong thảo phạt Đổng Trác nên chạy theo Công Tôn Toản.

Năm 194, Tào Tháo tiến đánh Đào Khiêm ở Từ Châu, Lưu Bị nhận lệnh đi cứu viện, đánh bại quân Tào. Khi đó binh mã của Lưu Bị chỉ có khoảng ngàn người, thêm mấy ngàn dân đói khát, đúng là một đám đông ô hợp.

Đào Khiêm cảm ơn giải cứu của Lưu Bị nên đã tặng 4 ngàn quân và phong làm Châu trưởng (Thích sử) Dự Châu, cho đóng quân ở thành Tiểu Bái. Lưu Bị thấy Đào Khiêm tặng quân lại cho cả địa bàn, nên chuyển qua theo Đào Khiêm để tỏ lòng trượng nghĩa. Trước lúc lâm chung, Đào Khiêm lại nhượng chức Tổng đốc Từ Châu cho Bị. Rất có thể trong thời gian này, Lưu Bị đã lấy Cam phu nhân.

Tuy nhiên, thân phận Cam phu nhân lúc đó chỉ là người thiếp. “Tam Quốc chí. Thục thư. Nhị chủ phi tử truyện” ghi “Lưu Bị mấy lần tang (chết) thất (vợ)” cho thấy Lưu Bị không chỉ một lần cưới chính thê.

Cam phu nhân tuy là thiếp, nhưng do các bà vợ (chính thê) đều chết nên bà được giao quản mọi việc trong gia đình. Lưu Bị khi đó quân không đông, lực chưa mạnh, chỉ là một quan nhỏ dưới trướng quân phiệt địa phương.

Điều này có thể cho thấy địa vị xuất thân của Cam phu nhân không cao. Còn những bà vợ kia của Lưu Bị chết thế nào thì sử tích không thấy ghi chép, nhưng có thể trong quá trình bôn ba chạy trốn khắp chốn, Lưu Bị đã bỏ rơi họ như thay áo, rồi họ bị chết trong đám loạn quân?

Năm 196, Viên Thuật đánh Lưu Bị nhằm giành lấy Từ Châu, Bị dẫn quân đến Hư Di nghênh chiến, để Trương Phi ở lại giữ Hạ Phì – thủ phủ Từ Châu. Lưu Bị và Viên Thuật đối đầu với nhau hơn 1 tháng mà không phân thắng bại, nhưng sân nhà của Lưu Bị thì xảy chuyện:

Trương Phi xung đột với Tào Báo, bộ hạ cũ của Đào Khiêm, trong lúc nóng giận đã giết chết Báo khiến thành Hạ Phì náo loạn. Viên Thuật sai Lã Bố thừa cơ tấn công, Trương Phi bỏ chạy, Lã Bố bắt gọn vợ con và cả nhà Lưu Bị đang ở đó.

Hang ổ bị phá, Lưu Bị ở mặt trận không còn tâm trí chiến đấu nên bị Viên Thuật đánh cho tơi tả. Không còn nơi nào để đi, Lưu Bị phải đầu hàng Lã Bố, nhờ đó mới đòi lại được vợ con, gia nhân.

Nhưng Lưu Bị ngầm tích lũy lực lượng để mưu đồ tách ra khiến Lã Bố nổi giận. Lưu Bị địch không lại Lã Bố nên đem quân chạy theo Tào Tháo. Tháo cho lương, cho tiền để Lưu Bị đi đánh Lã Bố. Kết quả, Bị không những đại bại mà vợ con và gia nhân lại một lần nữa trở thành tù binh của Bố.

Nếu lần đầu Lưu Bị để mất vợ con là do bị đối thủ tập kích hang ổ, đối phó không kịp thì còn hiểu được; lần này ông ta chủ động tiến công, binh mã tề chỉnh mà vẫn đem theo vợ con thì rõ là không biết lượng sức mình.

Lưu Bị khi đánh nhau, giữ bản thân còn chưa xong, nói gì đến chuyện chăm sóc, bảo vệ vợ con gia quyến. Đương nhiên, điều này cũng nói lên Lưu Bị về căn bản không thể sống thiếu đàn bà và cũng phù hợp với nguyên tắc “đàn bà như quần áo” của ông ta.

Cam phu nhân trong phim Tam Quốc diễn nghĩa
Cam phu nhân trong phim Tam Quốc diễn nghĩa

Ai bị bỏ rơi 3 lần?

Tào Tháo biết không thể trông chờ vào việc Lưu Bị thắng trận. Năm 198, Tháo tự mình cầm quân đi đánh, bắt sống Lã Bố, vợ con Bị khi đó mới được giải cứu và trở về bên ông ta. Tào Tháo đãi Lưu Bị không tồi, nhưng những ngày tươi đẹp không kéo dài.

Một năm sau, Lưu Bị phản Tào, nhưng Bị đâu phải là đối thủ của Tháo, chỉ mấy bữa đã bị Tháo đánh cho tan nát, ngay đến đại tướng là Quan Vũ cũng bị bắt làm tù binh. Vợ con Lưu Bị nhờ Tháo mà lấy lại được từ tay Lã Bố, nay rơi vào tay Tháo.

Người vợ và đứa con ba lần bị Lưu Bị bỏ rơi trong vòng mấy năm này là ai, trong chính sử không ghi chép rõ, chỉ thấy trong “Tam Quốc chí. Thục thư. Tiên chủ truyện” có nói đến việc “vợ con Tiên chủ liên tục trở thành tù binh”.

Nếu suy đoán ra thì vợ, con nói ở đây rất có thể là Cam phu nhân và A Đẩu (Hậu chủ Lưu Thiền sau này). Lưu Bị kết hôn với Cam phu nhân năm 194, sớm ra thì năm 195 sinh A Đẩu, cả 3 lần họ bị bắt đều xảy ra sau năm 196, về thời gian có thể trùng hợp, Sách “Ngụy lược” cũng có cùng quan điểm đó.

Sách viết: năm 200 Tào Tháo chinh phạt kẻ vong ân phụ nghĩa Lưu Bị, Bị không chống nổi, bỏ lại Cam phu nhân và A Đẩu mà chạy. A Đẩu bị lạc trong dân gian, sau bị bọn buôn người bắt cóc đem bán, sau rất nhiều năm mới được trở về bên cạnh Lưu Bị.  

Thế nhưng, Bùi Tùng Chi khi chú giải “Tam Quốc chí” không đồng ý với quan điểm này. Căn cứ của ông là: theo “Tam Quốc chí. Thục thư. Nhị chủ phi tử truyện” có viết A Đẩu sinh ở Kinh Châu chứ không phải ở Tiểu Bái, đồng thời, “Hậu chủ truyện” chép rằng A Đẩu khi lên kế vị cha năm 223 mới 17 tuổi, cho nên phải sinh năm 207.

Dĩ nhiên, lấy “Tam Quốc chí” ra đời sau để cho rằng “Ngụy lược” nhầm lẫn thì chưa hẳn đã thuyết phục vì có thể Trần Thọ đã chép sai. Nhưng một lý lẽ khác Bùi Tùng Chi đưa ra khó có thể bác bỏ: Ông nói nếu A Đẩu bị bắt đi rồi rơi vào tay bọn buôn người, vậy thì người mà Triệu Vân cứu ở trận Trường Bản là ai?

Dù thế nào thì giới sử học chỉ quan tâm đến Hậu chủ Lưu Thiền, còn vợ Lưu Bị là ai thì chả chú ý đến. Nếu người “con” bị bắt là A Đẩu thì “vợ” dứt khoát là Cam phu nhân, nếu không thì rõ ràng không phải bà.

Từ đó có thể suy ra người vợ bị bắt cả ba lần không thể là Cam phu nhân. Vì “Tam Quốc chí”  có ghi: khi Lưu Bị lấy Cam phu nhân, thân phận bà là “thiếp”, danh vị “phu nhân” chỉ được truy thụy năm 222 sau khi bà chết.

Tức là trước khi chết, danh phận bà chỉ là “thiếp”; còn trong sử tịch đều chép người bị bắt là “thê”, rõ ràng là chỉ người khác. Có lẽ do Trần Thọ không rõ người vợ bị bắt của Lưu Bị là ai cho nên mới khiến người đời sau lâm vào tình thế rắc rối khó hiểu như thế.../.

Đọc thêm