Việc các bà vợ chấp nhận quan hệ tình dục khi mình không muốn là một hình thức bị bạo lực tình dục. Trạng thái đó cũng tương tự như hình thức bị hiếp dâm, chỉ khác ở đây người cưỡng hiếp là những ông chồng.
Chúng tôi xin được điểm lại con số chị em phụ nữ bị “chồng hiếp dâm” qua số liệu của Trung tâm Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA). Kết quả nghiên cứu “Thực trạng bạo lực tình dục và cách ứng phó” của Csaga cho thấy, hầu hết phụ nữ khi bị chồng bạo lực tình dục đã im lặng chấp nhận và cam chịu.
Cụ thể, hơn 37% chị em được khảo sát cho biết rằng họ bị ép quan hệ tình dục trong gia đoạn 1 đến 3 năm chung sống cùng nhau. 60% các chị em cho biết buộc phải QHTD ngay cả trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc lúc đang đau ốm. Tuy nhiên, 83 % phụ nữ bị bạo lực chấp nhận và cam chịu, chỉ 13% chị em là phản ứng quyết liệt và cương quyết cự tuyệt khi bị ép QHTD.
Hơn 27% chị em đã từng bị ép QHTD đã từng bị tổn thương vùng kín, nhưng chỉ 10% trong số đó tìm đến với các cơ sở y tế. Chỉ số ít bị bạo lực tình dục tìm đến các biện pháp hỗ trợ, tư vấn.
Nguyên nhân chính được các chị em lý giải chính là sợ chồng con phát hiện ảnh hưởng đến tâm lý, hoặc chồng chán ghét ngoại tình nếu mình không đáp ứng.
Việc chấp nhận và cam chịu bị chồng cưỡng ép tình dục lâu ngày sẽ khiến cho phụ nữ phải chịu nhiều thương tổn về sức khỏe, tinh thần và thái độ sống. Trong nghiên cứu của Csaga, nhiều người do phải chịu đựng trong thời gian quá dài nên đã dẫn đến thái độ bàng quan, thơ ơ với mọi vấn đề trong cuộc sống.
Khi sự cam chịu lên tới đỉnh điểm, nhiều chị em đã nghĩ tới những điều tiêu cực hơn. 49% trong số đối tượng khảo sát đã từng có ý nghĩ sẽ tự tử vì phải chịu đựng các hình thức bạo lực tình dục. 40% trong số đó đã thực hiện các hành vi kết thúc cuộc sống bằng những hình thức khác nhau như mua thuốc trừ sâu, uống thuốc ngủ, treo cổ tự tử, nhảy cầu, nhảy sông ….nhưng không thành.
Như những trường hợp mà chúng tôi đã phản ánh, họ chỉ là một trong những số rất ít chị em biết tìm đến biện pháp hỗ trợ, tư vấn. Còn đa số chị em là im lặng chịu đựng chấp nhận và phải gánh chịu những tổn thương về tâm lý và sức khỏe nặng nề. Nguyên nhân chính của sự chấp nhận và cam chịu xuất phát từ sự sợ hãi bị đánh đập và từ quan niệm về bổn phận làm vợ của phụ nữ.
Mưu cầu được hạnh phúc là nhu cầu tối thiểu và cơ bản của con người. Khi phụ nữ phải chấp nhận sống trong bạo lực cũng có nghĩa là họ giam mình trong bất hạnh đau khổ. Đó cũng là cách mà họ đang tự giết dần, giết mòn cuộc sống của chính mình.
Bao giờ cũng vậy, thái độ sống có yếu tố quyết định đến cuộc sống của mỗi người. Một người bị chính người thân yêu nhất bạo lực, họ sẽ không thể có thái độ sống lạc quan được. Khi không thể có thái độ sống lạc quan thì không chỉ bản thân họ mà ngay cả con cái họ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Do vậy, hơn ai hết, phụ nữ hãy tự cởi trói mình ra khỏi những quan niệm “chiều chồng là bổn phận làm vợ”. Vợ chồng là sự gắn kết yêu thương. Khi có bạo lực là tình yêu bị sứt mẻ, đổ vỡ. Nếu không thể hàn gắn được yêu thương thì phải dũng cảm tự đứng lên trên đôi chân của mình.
Kể cả khi phải một mình nuôi con nhỏ, kể cả phải tay trắng không nhà không cửa thì cuộc sống đó vẫn dễ chịu hơn rất nhiều cuộc sống bị áp bức, bạo hành.
Như một bạn đọc đã bình luận trong loạt bài của chúng tôi: “Nam hay nữ thì cũng đều có phẩm gía của mình và phải được tôn trọng như nhau. Tuy rằng trên thực tế nam nữ khó có thể nào hoàn toàn bình quyền nhưng thế giới văn minh bây giờ khoảng cách nam nữ ngày càng được thu hẹp lại. Tôi cực lực lên án mọi hành động của các ông tự cho mình có quyền mắng chửi, đánh đập vợ con.
Vấn đề tình dục cũng vậy, phải có sự hòa hợp của từ hai phía chứ không phải là vợ phải có bổn phận thỏa mãn nhu cầu của chồng. Đàn ông muốn được phụ nữ quý trọng thì phải thể hiện mình là một người có tư cách của một ngưòi đàn ông văn minh.
Dùng hình thức bạo hành để khống chế phụ nữ là một người đàn ông yếu kém và thất bại”.