1. Muốn gia đình thư giãn ngày hè, chị Mai Khôi (Thanh Trì, Hà Nội) muốn cả nhà đi du lịch một chuyến nên hỏi ý kiến của con trai chị- lớp 12 Trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) thích đi địa điểm nào để đặt tour. “Năm nay, con không thích đi với gia đình, tự con sẽ đi du lịch “bụi” ở Mai Châu bằng xe máy cùng với bạn bè 3 ngày đêm”- Phong trả lời.
Rồi Phong thao thao: “du lịch bụi đem lại cảm giác tự do, có thể vạch ra lộ trình mình thích với khung thời gian linh hoạt. Con và bạn bè có thể dành cả nửa ngày chỉ để ngồi ngắm sông Mã ồn ào chảy siết từ một góc cao của Mường Lát hay đứng lặng hàng giờ trước những tu viện tráng lệ ở Shangrila.
Không có hướng dẫn viên du lịch nào hối thúc, cũng không bác tài xế nào phải cáu gắt vì đợi con quá lâu”. Rồi, “du lịch “bụi” giúp cho con người bộc lộ những khả năng tự bảo vệ mình, tự thích nghi khi đối diện với những khó khăn, thử thách đầy hấp dẫn. Đi tour chắc chắn không có cái “thú” như vậy”!
Nghe con nói thích đi “phượt”, chị Mai Khôi lòng không khỏi bất an. Đây là một chuyến đi đầy mạo hiểm. Sự mạo hiểm của "phượt" không chỉ ở tai nạn bất ngờ, mưa gió bão bùng mà còn là những bất trắc có thể có do yếu tố con người gây ra.
Không bất an sao được khi chị Mai Khôi biết, liên tiếp những vụ tai nạn thương vong xảy ra gần đây trên đường đi "phượt". Như trường hợp, hai bạn trẻ là Nguyễn Thu Hiền (sinh năm 1983, quê Thái Bình) và Nguyễn Khánh Nguyên (sinh năm 1982, quê Hải Phòng) đã tử nạn tại xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, Lào Cai.
Cả hai đều là sinh viên trường ĐH Phương Đông. Hay vụ tai nạn trên đường du lịch “bụi” từ Thái Nguyên lên Bắc Cạn, một đôi nam nữ chở nhau bằng xe máy gặp tai nạn. Bạn nam tử vong còn bạn nữ ngồi sau bị chấn thương sọ não.
Hai bạn này đều còn rất trẻ, cùng sinh năm 1988. Bạn nam quê ở Quảng Ninh, sinh viên trường ĐH Mỏ - Địa chất; còn bạn nữ người Nghệ An, học ĐH Kinh tế Quốc dân và là lần đầu tiên đi “phượt”.
Trước đó, một bạn gái mới 20 tuổi đã tử nạn tại Cao Bằng vì bị trượt ngã khi dừng lại rửa chân tại đập một đập nước. Sau đó vài tháng, trong nhóm đi chơi vùng thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa), một đôi nam nữ chở nhau bị ngã xe máy khiến người lái bị gãy chân, người ngồi sau bị gãy tay, chấn thương sọ não. Còn những tại nạn "nho nhỏ" gây sứt sẹo, xe cộ hỏng hóc, hay mất đồ trên sông nước, bị trấn lột... thì vẫn thường xảy ra.
Quang Hải- dân phượt kể lại, trên đường từ Mù Cang Chải (Yên Bái) về Hà Nội, vì đường xa, xóc lại ngoằn nghèo cộng thêm sức khỏe giảm sút do đi phượt hơn chục ngày nên Hải tay lái loạng quạng đâm vào gốc cây bên đường. Bị thương nhẹ cũng đủ làm Quang Hải khiếp vía khi đi phượt.
Cứ nghĩ tới đó là chị Khôi thấy rùng mình sợ hãi. Chị ngăn cản con không nên đi du lịch “bụi” khi sức khỏe, sự hiểu biết địa lý, cũng như bản lĩnh tay lái còn yếu kém. Nhưng Phong cứ khăng khăng đòi đi để…biết thế nào là… “phượt”!
|
Bậc sinh thành lo lắng sự an nguy của con khi đi phượt |
2. Kim Sinh- một bà mẹ khác từng lâm vào cảnh “thót tim” khi con đi du lịch “bụi”. Hè năm trước, con gái chị đi du lịch “bụi” cùng đoàn có 8 người. Dù biết thời tiết không thuận lợi nhưng đoàn “phượt” vẫn “hiếu chiến”: “đi chơi sợ gì mưa rơi”.
Chuyến đi Fansipan (Lào Cai) vào đúng ngày mưa lũ sạt đường. Đoàn “phượt” thậm chí những thách đố nhau vượt qua những cung đường sạt lở, những mạo hiểm trên núi cao sông sâu khi không hề có các thiết bị an toàn. Con gái chị gọi điện thoại về “tường thuật” lại chuyến đi, chị Sinh nghe mà muốn… “vỡ tim”.
Lúc sau, gọi lại khuyên con gái về sớm thì nghe điện thoại…ngoài vùng phủ sóng. Cả đêm hôm đó, vợ chồng chị Sinh không hề chợp mắt. Họ lo lắng, khắc khoải ngóng tin con.
Rồi vợ chồng chị Sinh nghĩ tới những giả thiết như: xe hỏng, những hiểm họa rình rập như tai nạn xe, tai nạn khi leo đồi núi, bị trấn lột, cướp bóc, xâm hại tình dục... Đầu óc vợ chồng chị Sinh chỉ muốn nổ tung. Chỉ tới khi con gái chị Sinh đi du lịch “bụi” trở về, vợ chồng chị mới được “sống lại”.
…Tìm đến những nơi khó khăn, heo hút, hiểm trở là nỗi đam mê của giới trẻ. Tất cả những nơi mà người khác không hoặc ít khi đến, những nơi mà dân du lịch bình thường không dám bước chân vào thì dân "phượt" quyết chinh phục. Tuy nhiên, cùng với nỗi đam mê đó, càng dấn sâu vào các bản làng xa xôi, địa hình phức tạp thì khả năng gặp tai họa càng lớn.
Tai nạn liên tiếp xảy ra từ những chuyến “phượt” cho thấy đằng sau sở thích khám phá tự nhiên của các bạn trẻ luôn có những nguy hiểm khó lường.
Ông Lương Nguyên- chuyên gia du lịch Hà Nội đưa ra lời khuyên, nếu các bạn trẻ muốn đi “phượt” cần phải nhớ “An toàn hay không là ở chính mình, phải biết tự bảo vệ mình và tôn trọng tính kỷ luật của nhóm”.
Các trẻ tuyệt đối không tách đoàn, không đi xa trong lần đầu và có người điều hành giàu kinh nghiệm. Các bạn trẻ cần đọc cuốn “Kỹ năng sinh tồn hoang dã để có thêm kinh nghiệm ứng phó khi gặp các sự cố”.
Trước những hành trình những chuyến đi khám phá đầy mạo hiểm, các bạn trẻ cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng kinh nghiệm về những chuyến đi, cần nghĩ tới sự an toàn của bản thân và sự lo lắng, bất an của gia đình và bạn bè. Đừng nên bỏ qua tất cả chỉ để thỏa mãn cái sở thích cá nhân, cái thú của bản thân. Sự chủ quan có thể để lại hậu quả đáng tiếc…