Vô ý phạm tội vì Pokemon Go

(PLO) - Không còn dừng lại ở sống ảo, “cuồng game”, câu chuyện giới trẻ mê đắm trong trò chơi Pokemon Go đã đi xa hơn với những hành vi có nguy cơ phạm pháp như vừa lái xe vừa chơi Pokemon, xâm nhập bất hợp pháp, “hack” tài khoản người khác… 
Cảnh báo của Google Map Maker Việt Nam đối với những người vì game Pokemon Go mà thay đổi bản đồ Google Map.
Cảnh báo của Google Map Maker Việt Nam đối với những người vì game Pokemon Go mà thay đổi bản đồ Google Map.

Vì trò chơi làm ảnh hưởng đến chủ quyền đất nước?

Mới đây, Ban quản trị Google Map Maker Việt Nam đã có thông báo gửi đến người chơi Pokemon Việt Nam. Theo đó, những người quản trị của Google Map Maker Việt Nam vô cùng bức xúc trước việc rất nhiều người chơi game vô ý thức, chỉ vì muốn tăng điểm hoặc tiện lợi cho phần chơi game của mình mà đã sử dụng thủ thuật để “hack” vị trí, thay đổi bản đồ. 

Theo Ban quản trị, Google Map là nguồn dữ liệu quý đã được xây dựng từ nhiều năm nay, nó giúp cho người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm được các địa điểm một cách dễ dàng, tiện lợi hơn. Chỉ vì muốn tạo dữ liệu cho trò chơi của mình, nhiều người đã xâm nhập trái phép hệ thống, thay đổi các địa điểm ở Việt Nam trên kho dữ liệu Google Map, ví dụ như đem Công viên Lê Văn Tám về quận Thủ Đức, Đại học Nông lâm về Bình Dương, đưa các điểm công cộng về gần nhà mình…

Điều này đã gây nên một sự rối loạn, phá vỡ các trật tự vốn có trên bản đồ điện tử của Google Map Maker Việt Nam, khiến người dùng và Ban quản trị phải mất thời gian, công sức. Nghiêm trọng hơn, việc thay đổi các vị trí trên bản đồ còn có phần ảnh hưởng đến nhận thức về ranh giới, vị trí, chủ quyền đất nước. Đáng buồn đây lại là hành vi của những người trẻ, có trình độ nhận thức và học vấn nhất định, có am hiểu về kĩ thuật máy tính… Hiện nay, trên mạng xã hội vẫn tiếp tục có những hướng dẫn “hack” tài khoản, hack bản đồ dành cho dân ghiền game này.

Dường như, đắm mình trong thế giới ảo của trò Pokemon Go, nhiều bạn trẻ hầu như quên mất ranh giới giữa đời sống thực và trong game, mất đi sự tỉnh táo, dẫn đến thiếu ý thức cộng đồng, thậm chí làm những việc vi phạm pháp luật.

Cảnh tượng những chiếc xe máy dựng hàng loạt bên đường để chủ nhân của nó say sưa săn Pokemon không còn quá cá biệt đối với người dân. Nhiều người trẻ còn có hành vi cản trở giao thông khi đang di chuyển trên đường bỗng dưng vội vã len lách, tìm mọi cách tấp vào lề đường để kịp thời “bắt” được thú ảo trong trò chơi đang đình đám hiện nay. Nhiều bạn trẻ còn liều mạng đến mức một tay lái xe máy, một tay vẫn cầm điện thoại và mắt thì cắm mặt vào trò chơi. Thời gian gần đây, nhiều phản ánh của người dùng từ các clip đăng tải cũng cho thấy cảnh tài xế taxi trẻ vừa lái xe vừa chơi Pokemon Go.

Đến nay, TP HCM cũng đã có trường hợp nhóm bạn trẻ leo hàng rào vào vườn nhà người khác mà không có sự cho phép của gia chủ chỉ để bắt được nhiều quái vật trong trò chơi này. Tại nhiều nước trên thế giới, tình hình nghiêm trọng hơn khi có những người trẻ đã phải chấm dứt cuộc sống khi đang tham gia trò chơi vì bị tai nạn giao thông, bị rơi từ trên cao xuống, bị bắn chết khi xâm nhập gia cư bất hợp pháp… Nhiều nước thậm chí đã đưa ra những biện pháp áp dụng đối với trò chơi, một vài nước thì đưa lệnh cấm hẳn.

Lỗi ở người chơi hay trò chơi?

Chỉ về Việt Nam chưa tới một tháng, Pokemon Go đã có tỉ suất người chơi và tỉ suất thời gian chơi vượt xa các game trước đó, kể cả game đình đám Candy Crush ngay ở thời điểm đỉnh điểm của nó là năm 2013. Những cảnh tượng được bắt gặp hàng ngày ngoài đường và các địa điểm công cộng đã dấy lên hồi chuông báo về mức độ gây ảnh hướng của trò chơi này đến giới trẻ. Nhiều người vô cùng lo ngại khi sự an toàn của mình bị ảnh hưởng bởi những kẻ “nghiện” Pokemon Go đang di chuyển trên đường.

Tại các công viên, khu công cộng, thay vì những cảnh sinh hoạt cộng đồng, chuyện trò ca hát của các bạn trẻ như trước thì giờ đây, thay vào đó là cảnh hàng loạt người trẻ đang ngồi, đi, đứng bất động, chạy… để săn đuổi quái vật ảo trong game. Nhiều người so sánh đây dường như là một cảnh tượng rất siêu thực như trong những bộ phim về… xác sống.

Theo sự phân tích của chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thị Minh Nga, Pokemon Go không phải là trường hợp cá biệt. Trước đây, giới trẻ Việt đã rơi vào những cơn “cuồng” khác, như các game nóng hổi hay mạng xã hội như Facebook, cũng đã có không ít trường hợp vì game mà gây án, kiệt sức, đột quỵ… Tuy nhiên, ở lần này, sức ảnh hưởng của trò chơi mạnh hơn, trên diện rộng hơn. Trên thực tế, việc cấm một trò chơi là khá khó khăn.

Ở  kỉ nguyên của công nghệ số, không có trò chơi này thì sẽ có game khác thay thế, ngày càng có sức hút lớn với người dùng, vì thế, nếu không có trò chơi này cũng sẽ có trò khác. Điều quan trọng là mỗi người chơi phải ý thức thế nào, giải trí thế nào để không bị ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe và cả tính mạng của mình.

“Tôi thấy chung quanh rất nhiều bạn đang bỏ quên cuộc sống của mình vào những thức ảo trên mạng, mà cụ thể gần đây nhất là những trò chơi như Pokemon Go. Các bạn ấy cắm mặt vào trò chơi cả lúc ăn, ngủ, du lịch, làm việc… Cách mà các bạn trẻ mê game đang sống không phải là sự tận hưởng cuộc sống thật sự. Họ dường như đã đánh mất bản thân mình ở một thế giới không thật, để vuột những trải nghiệm sống quý báu trong từng giây khi đắm mình vào game…” - chuyên gia tâm lý Minh Nga trăn trở.

Pháp luật sẽ can thiệp khi có hành vi phạm pháp xảy ra. Thế nhưng, còn sự đánh mất ý thức cộng đồng, rối loạn hành vi hay bất ổn về tâm lý, thể chất thì xã hội không thể điều chỉnh được. Có thoát khỏi những cám dỗ mê muội từ game để bước vào cuộc sống thực tế, đem lại những giá trị thiết thực cho bản thân mình và xã hội hay không, điều này đều cần sự tỉnh táo của bản thân mỗi người trẻ.

Đọc thêm