Ở một diễn biến khác, chẳng vi phạm pháp luật gì nhưng nó còn tệ hại hơn cả tống tiền doanh nghiệp. Đó là việc gọi chiếc máy bay CASA cứu nạn mà bị nạn trên biển là “tan xác” của một nhà báo tại trang cá nhân trên mạng xã hội của mình.
Khi cả đất nước chìm trong đau thương vô vọng trước những người con ưu tú bảo vệ chủ quyền đất nước ngã xuống giữa thời bình thì hành vi vô cảm và có ý miệt thị này của một nhà báo khiến cộng đồng mạng dậy sóng và những lời chỉ trích không thương tiếc dội xuống đầu anh ta. Không ai có thể chấp nhận một cách ứng xử ngược ngạo của người mang danh nghĩa nhà báo này.
Bởi những hành vi tương tự như vậy, “ăn theo sự kiện” để trở thành “người nổi tiếng” nên có những ý kiến chỉ trích gọi nhà báo là “lũ kền kền”. Xin chớ nổi giận với sự “xách mé” thiếu tôn trọng với báo giới này mà hãy tự xem lại mình. Trung thực, thẳng thắn, trong sạch và bản lĩnh là câu trả lời tốt nhất cho ai mới là lũ kền kền, người bị gọi hay chính người gọi ra cái thứ đó.
Bên cạnh đó, cũng không bỏ qua khi dân gian đúc kết nhà báo là loại “ăn theo, nói leo, ngồi ké”. Thậm chí, “châm ngôn” lưu truyền trong giới cán bộ lãnh đạo địa phương còn có: “Không bối rối trước đàn bà/ Không la cà với nhà báo”. Vị thế của một nhà báo chân chính không phải là như vậy, cách ứng xử là đàng hoàng, không khuất tất thì mới đủ tư cách phanh phui những chuyện khuất tất, thực thi trách nhiệm của mình là “châm vào chân để con ngựa tiến bộ xã hội lồng lên” (trích tác phẩm Ruồi trâu).
Hiện tại, có hiện tượng một số phóng viên có cách ứng xử vênh vang ở cả ngoài cuộc sống cũng như trong câu chữ, văn phong của họ. Hành vi này ngoài biểu hiện một sự kém hiểu biết cuộc sống và tri thức ra thì không nói lên được điều gì khác nữa. Ngòi bút nhà báo cần đến sự sắc sảo chứ không phải miệt thị, thái độ ứng xử của nhà báo là trân trọng nhân cách chứ không “ngồi lê đôi mách” vạch vòi những chuyện riêng tư hoặc đưa các đồ bẩn thỉu lên mặt báo mà gọi đó là “món ăn tinh thần”.
Nhà báo với tư cách nghề nghiệp đồng nghĩa với sự hiểu biết rộng cách lĩnh vực xã hội khác nhau và hiểu biết sâu trong lĩnh vực hoạt động của mình, trung thực, bản lĩnh và trí tuệ. Con người nhà báo được trân trọng, quý mến, tin yêu bởi những phẩm chất đó chứ “chiếc áo không làm nên thầy tu”.