Đó là tồn tại lâu năm, hầu như liên tục được chỉ ra, song, vì một lý do nào đó mà mãi không khắc phục được.
Muốn xử lý nghiêm, tương xứng các hành vi “gây tai tiếng” hay tham nhũng thì cần đến những cán bộ liêm chính làm gương, có “bàn tay sắt” cầm “Thượng phương bảo kiếm”. Sự loay hoay với thanh kiểm tra, xử lý theo kiểu phủi bụi, an ủi lẫn nhau, rút kinh nghiệm sâu sắc..., đã cứ như một bài thuộc lòng, đọc đi, đọc lại mãi.
Một dẫn chứng nhỏ để thấy hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra là đề nghị xử lý kỷ luật cán bộ thì chiếm gần như tuyệt đối chỉ là phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, bất quá là khiển trách, cảnh cáo, rất ít cán bộ bị đuổi việc, tước hết chức vụ do những sai phạm của mình gây ra. Thậm chí, kỷ luật xong thì lập tức lên chức, điều chuyển đến chỗ ngồi cao hơn... Như vậy, tạo ra một bộ máy không liêm chính với những cán bộ không liêm chính thì tất yếu họ lại tiếp tục “gây tai tiếng” mà không nể sợ gì!
Còn như, tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng cũng là chuyện chẳng mới mẻ gì: một số lực lượng kiểm lâm thì phá rừng, Tài nguyên thì khai thác khoáng sản bừa bãi, Địa chính thì "ăn đất", Quản lý đô thị thì phá vỡ quy hoạch, Cảnh sát giao thông thì đòi mãi lộ... Bộ phận “gây tai tiếng” nằm trong mỗi cơ quan, tổ chức không phải là thiểu số và hoạt động bí mật, ngược lại, chúng khá lộng hành, chỉ vì chúng ta thiếu cán bộ liêm chính nên không dám đấu tranh trực diện mà còn tỏ ra thỏa hiệp nên tham nhũng luôn luôn ở trạng thái phát triển ổn định?.
Chỉ nội có việc là các ban chỉ đạo vô tích sự đã trót lập ra rồi mà không sao giải tán được, chính quyền TP HCM phải mở một cuộc đấu tranh để giải thể 200 ban đó (chỉ có 20 ban, tức 10% hoạt động) mà chưa chắc đã làm nổi. Đủ hiểu chúng ta cần tăng cường sức mạnh liêm chính cho bộ máy thế nào!