Báo cáo một đằng, nạn nhân kể một nẻo
Công an tỉnh Kon Tum vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ tai nạn lao động khiến 3 người tử vong, 3 người bị thương xảy ra tại công trình thủy điện Plei Kần trên sông Pô Kô (thuộc địa phận thị trấn Plei Kần, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi và xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) vào ngày 25/5 vừa qua.
Công trình thủy điện Plei Kần có công suất thiết kế 17 MW do Công ty Cổ phần (CP) Tấn Phát làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định chấp thuận chủ trương vào tháng 10/2016. Công trình có tổng mức đầu tư gần 576 tỷ đồng và hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện. Theo báo cáo của Công ty CP Tấn Phát gửi UBND tỉnh Kon Tum, vụ tai nạn xảy ra vào ngày 25/5 là sự cố đáng tiếc, nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 12h30 - 12h55 ngày 25/5, khi các công nhân đang trong quá trình di chuyển đến chỗ làm việc thì có một số công nhân đi lại trên mép bờ của cụm đầu mối, do bất cẩn đã ngã từ trên cao xuống. Trong lúc hoảng loạn, các công nhân đã lôi kéo nhau dẫn đến sự việc 6 người cùng rơi từ trên cao xuống nước.
Lực lượng chức năng làm việc tại hiện trường chiều ngày 25/5 |
Ngay sau khi phát hiện sự việc, các công nhân khác đang có mặt tại công trình đã nhanh chóng tìm kiếm, cứu vớt và sơ cứu kịp thời cho các nạn nhân. Tuy nhiên, vì bị va đập và ngạt nước nên 3 công nhân đã thiệt mạng, 3 công nhân còn lại được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. “Việc triển khai thi công xây dựng công trình thủy điện Plei Kần đảm bảo theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt và các quy định của pháp luật liên quan. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã chấp hành các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình và người lao động, trích báo cáo của Công ty CP Tấn Phát.
Các nạn nhân bị tử vong gồm các anh: A Khái (SN 1995), A Triêu (SN 1993, cùng ngụ làng Klâu Klah, xã Ia Chim, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), A Hồng (SN 1997, ngụ làng Đắk Văn 1, xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum). Các nạn nhân bị thương gồm các anh: A Thiêng (SN 1997, ngụ thôn 4, thị trấn Plei Kần), A Đục (SN 1997, ngụ thôn 5, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi), A Xen (SN 2004, ngụ thôn Đắk Manh 2, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô).
Trong 3 nạn nhân bị thương thì anh A Thiêng bị chấn thương vùng đầu và lưng; anh A Đục bị chấn thương vùng mông phải; còn nạn nhân nhỏ tuổi nhất - A Xen chỉ mới 16 tuổi bị chấn thương cẳng tay trái và bàn chân phải. Phía chủ đầu tư cho rằng nguyên nhân của vụ tai nạn là do công nhân bất cẩn. Tuy nhiên, theo lời của các nạn nhân bị thương thì nguyên nhân của vụ tai nạn là do dây cáp bị đứt.
Anh A Đục kể, chiều 25/5, khi anh cùng 5 người khác lên rọ sắt để đục bê tông thì bất ngờ dây cáp bị đứt. Lúc này, cả rọ sắt và 6 người đều rơi xuống sông. May là anh biết bơi nên cố hết sức vật lộn với dòng nước và bơi được vào bờ. “Khi đó, tôi đang cùng 5 người đang trong chiếc rọ sắt thì bỗng nghe tiếng động lớn, rồi cả nhóm rơi ầm xuống nước. Sau đó, tôi bất tỉnh, không còn biết gì nữa”, anh A Thiêng cho biết.
Còn theo A Xen, khi dây cáp đứt, mọi người chỉ kịp la lên rồi rơi xuống phía dưới. Cáp rơi từ độ cao hơn 10m xuống nước. “Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện. Sau khi lành vết thương, tôi không dám đi làm công việc này nữa. Đến giờ, tôi vẫn còn hoảng sợ khi nhớ lại phút giây kinh hoàng đó”, A Xen nói.
Theo ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum, qua báo cáo của đơn vị chủ đầu tư và những gì sở này nắm được thì có điểm sai khớp về nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn tại thủy điện Plei Kần. Do đó, Sở Công thương đã báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh Kon Tum, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan công an tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc, nhằm xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
“Chúng tôi cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xem xét nguyên nhân vụ việc, xác định rõ sự việc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị nạn. Sau khi các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ việc, Sở Công thương sẽ có tham mưu cho UBND tỉnh xem xét dừng hoặc cho tiếp tục thi công công trình thủy điện Plei Kần”, ông Nhất cho biết.
Các nạn nhân là công nhân thời vụ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 6 công nhân trong vụ tai nạn nói trên đều là đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch UBND xã Ia Chim Y Geo cho biết, hoàn cảnh gia đình các nạn nhân A Khái, A Triêu hết sức khó khăn, nhà của anh A Triêu có 7 anh em, nhà anh A Khái 8 anh em. Năm nay, người dân ở xã Ia Chim bị mất mùa do hạn hán không có nước để trồng trọt.
Do đó, lúa gạo thiếu thốn, không đủ ăn. Vì gia đình đông anh em nên anh A Khái, A Triêu phải đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, không ngờ lại xảy ra tại nạn thương tâm, cướp đi sinh mạng của các anh. Anh A Đục cho biết, cuộc sống gia đình anh gặp nhiều khó khăn vì phải nuôi 3 con nhỏ, trong đó đứa con lớn mới 5 tuổi. Nhà có 5 sào rẫy nên anh thường xuyên phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi các con.
“Trước khi xảy ra tai nạn ít hôm, tôi được một người bạn giới thiệu đến làm tại công trình thủy điện Plei Kần. Giữa tôi và đơn vị thi công không có hợp đồng lao động, tiền công mỗi ngày 200 nghìn đồng, bao ăn cơm 3 bữa. Tôi mới làm được 2 ngày thì xảy ra vụ việc. Sau đợt này, tôi sẽ tìm việc khác chứ không dám làm ở đây”, anh A Đục cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Quân - Tổng Giám đốc Công ty CP Tấn Phát, tất cả 6 công nhân bị nạn đều là công nhân thời vụ do đội nhà thầu thuê bên ngoài, công ty sẽ chịu trách nhiệm. “Đối với 3 công nhân đã mất, chúng tôi phối hợp với gia đình lo ma chay. Trước mắt, công ty hỗ trợ phúng viếng cho gia đình mỗi công nhân 20 triệu đồng.
Trong thời gian tới, các gia đình và công ty sẽ tiếp tục làm việc với nhau để tiếp tục giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan. Đối với các công nhân bị thương, công ty lo 100% kinh phí điều trị”, ông Quân cho biết. Liên quan đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này, Phó Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum Đặng Thanh Bình cho biết, sở này đang đợi kết luận từ cơ quan điều tra. Sau khi có kết quả, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum sẽ thành lập đoàn điều tra để bảo vệ người lao động. Nếu đơn vị sử dụng lao động vi phạm thì Sở LĐ-TB&XH sẽ tiến hành xử phạt hành chính theo quy định.
Cũng theo ông Bình, đối những công việc nặng nhọc, độc hại thì không được phép sử dụng lao động là trẻ vị thành niên. Sau khi sự việc xảy ra, Sở LĐTB&XH tỉnh Kon Tum đã báo cáo Thanh tra và Cục An toàn của Bộ LĐ-TB&XH. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng này và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.