Vụ án cậu bé 6 tuổi ở Anh bị cha ruột và mẹ kế bạo hành đến chết: 50 năm tù còn quá nhẹ!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Arthur Labinjo-Hughes (6 tuổi) đã phải chịu nhiều tháng tra tấn về thể xác và tinh thần cho đến chết bởi mẹ kế Emma Tustin (32 tuổi) và chính bố ruột Thomas Hughes (29 tuổi). Tustin bị kết tội “giết người và bạo hành trẻ em và bị kết án tối thiểu 29 năm tù. Hughes bị kết tội ngộ sát và bạo hành trẻ em, bị kết án 21 năm. Tuy vậy, bản án tổng cộng 50 năm tù đã không làm nguôi ngoai dư luận Anh đang tràn đầy phẫn nộ.
Vụ án cậu bé 6 tuổi ở Anh bị cha ruột và mẹ kế bạo hành đến chết: 50 năm tù còn quá nhẹ!

Tội ác khiến nước Anh phẫn nộ

Theo tờ The Sun (Anh), bố mẹ của Arthur Labinjo-Hughes ly hôn khi cậu còn nhỏ. Ban đầu, cậu được ở với mẹ - Olivia Labinjo-Halcrow, nhưng đầu năm bà Olivia bị bắt vào tù vì tội đâm chết bạn trai. Do đó, câu bé được đưa đến nhà của bố ruột – Thomas Hughes và mẹ kế - Emma Tustin để chăm sóc tại Solihull. Emma lúc này đã có 2 con riêng.

Trong 3 tháng sau khi Thomas nhận quyền chăm sóc, cậu bé Arthur đã liên tục bị bỏ đói, đánh đập và hành hạ dưới nhiều hình thức. Arthur đã qua đời với tình trạng suy dinh dưỡng và ốm yếu trầm trọng.

Phiên tòa xét xử hôm 23/11/2021 đã công bố đoạn video dài 2 phút rưỡi từ camera an ninh trong nhà ghi lại những khoảnh khắc cuối đời của bé. Trong clip, Arthur xuất hiện tiều tuỵ, khập khiễng khi đang cố lê bước đi để kéo chiếc chăn dưới đất, nét mặt tỏ rõ sự đau đớn. Công tố viên cho biết clip được quay vào 8 rưỡi sáng ngày 16/6/2020, chỉ vài tiếng trước khi em qua đời. Đi kèm với đó là một đoạn ghi âm dài 23 giây ghi lại những lời kêu cứu của cậu bé. Arthur đã thều thào 4 lần câu nói “Không có ai yêu con cả” và 7 lần câu “Không có ai cho con ăn”.

Khoảnh khắc cuối cùng của bé trai 6 tuổi được ghi lại trong tình trạng gầy ốm.

Khoảnh khắc cuối cùng của bé trai 6 tuổi được ghi lại trong tình trạng gầy ốm.

Khoảng 13h hôm đó, khi cha ruột đưa các con riêng tới siêu thị, Arthur bị để mặc ở nhà một mình cùng mẹ kế. Emma đã ép Arthur uống ít nhất 6 thìa rưỡi muối, khiến cậu bé bị ngộ độc và mất ý thức. Sau đó, người phụ này liên tục lắc cơ thể Arthur, đập đầu cậu bé vào bề mặt cứng, khiến đứa trẻ 6 tuổi bị tổn thương não nghiêm trọng. Theo camera ghi lại, khi Arthur đã nằm bất động trên sàn, mẹ kế không có hành động nào để kiểm tra sức khỏe cậu bé.

Khám nghiệm tử thi cho thấy cậu bé đã bị đầu độc bằng muối, ngoài ra còn có 130 vết bầm tím trên người Arthur – bằng chứng cậu bé đã bị tra tấn. Chưa dừng ở đó, những tình tiết được công bố sau này cũng cho thấy Arthur đã trải qua cuộc sống nghiệt ngã dưới sự độc ác của bố ruột và mẹ kế - không chỉ nhiều lần bị hành hạ thể xác mà còn bị mắng chửi, sỉ nhục bằng lời nói khiến cậu bé nhiều lần khóc lóc dữ dội, gào thét cầu cứu. Có lần, cậu bé đã bị phạt đứng suốt 14 tiếng ở ngoài hành lang, bị bỏ đói, không được uống nước, cho đến khi ngã quỵ xuống sàn.

Tình yêu mù quáng đã xoá sạch cảm tính với con mình

Đáng nói, bà nội của Arthur là người đầu tiên phát hiện những vết bầm dập trên lưng của cháu trai. Cậu bé đã kể với bà rằng mẹ kế xô ngã mình khỏi cầu thang và gọi cậu là “thằng ranh xấu xí kinh khủng”. Bà ngoại của Arthur cho biết Thomas ngăn cản bà tới thăm cháu mình kể từ năm 2019.

Tháng 4/2020, nhận được tin báo từ bà nội của Arthur, cảnh sát và cơ quan an sinh xã hội đã đến kiểm tra ngôi nhà nơi cậu bé sống tại Solihull. Giải thích về những vết bầm dập trên người Arthur, cặp vợ chồng đổ lỗi cho cậu bé nghịch ngợm và tự làm mình bị thương trong lúc chơi đùa hoặc trong cơn giận dữ. Cuối cùng, các cơ quan chức năng kết luận “không có dấu hiệu đáng lo ngại”.

Đến tận phiên tòa ngày 3/12/2021, Thomas và Emma vẫn chối tội và đổ lỗi cho nạn nhân, nói rằng chính đứa trẻ đã mang đến vận hạn không may mắn của nó. Trước toà, bà nội của Arthur nói rằng cháu của mình là một đứa trẻ “hạnh phúc, mạnh mẽ, vui vẻ và đáng lẽ vẫn còn sống nếu con trai bà không gặp Emma”.

Mẹ kế của Arthur - Emma Tustin (trái) và Thomas Hughes (phải). Ảnh: West Midlands Police/PA.

Mẹ kế của Arthur - Emma Tustin (trái) và Thomas Hughes (phải). Ảnh: West Midlands Police/PA.

Cả hai đều nói dối để che giấu những gì đang xảy ra trong ngôi nhà của họ. Hành vi của họ với cậu bé là cay độc và đôi khi tàn bạo. Đây là một trong những trường hợp đau đớn và đáng lo ngại nhất mà tôi đã phải xét xử”, thẩm phán Justice Mark Wall nói khi tuyên án tại tòa Coventry vào đầu tháng 12/2021.

Theo Wall, Emma là một “người phụ nữ thao túng, người sẽ nói dối và đổ lỗi cho bất kỳ ai để bảo vệ mình”. Arthur qua đời bởi bị mẹ kế Emma hành hạ bằng cách xoay mạnh và đập đầu cậu bé vào bề mặt cứng, gây ra những vết thương nghiêm trọng. Mức độ bạo lực mà người phụ nữ sử dụng tác động lên cơ thể Arthur tương đương với lực có thể được tạo ra bởi một vụ va chạm giao thông đường bộ tốc độ cao. Trong khi đó, Hughes từng là người cha rất biết quan tâm đến Arthur “trước khi anh mê muội Tustin đến mức xóa sổ tất cả tình yêu thương đáng lý cần có cho cậu con trai của mình”.

Cuối cùng, Emma Tustin - mẹ kế của Arthur, bị tuyên án 29 năm tù giam với tội danh giết người và hành hạ trẻ em. Trong khi đó, Thomas Hughes – cha đẻ của cậu bé bị kết án 21 năm tù giam với tội danh ngộ sát vì đã khuyến khích hành vi bạo lực của Emma với Arthur.

50 năm tù còn quá nhẹ?

Dù vậy, bản án tổng cộng 50 năm tù không làm thỏa mãn dư luận Anh. Những ngày sau khi tuyên án, hàng trăm người đã tham gia lễ cầu nguyện gần ngôi nhà ở Solihull nơi Arthur bị sát hại. Dư luận yêu cầu phúc thẩm bản án với hình phạt nặng hơn cho tội ác của cặp đôi.

Trả lời BBC, Tổng chưởng lý Anh Suella Braveman gọi tội ác của cho cặp vợ chồng Emma Tustin và Thomas Hughes là “lạm dụng một cách thô bạo và đáng ghê tởm vai trò chăm sóc một đứa trẻ vô tội” và yêu cầu Tòa án Tối cao nước này xem lại bản án tổng cộng 50 năm tù dành cho cặp đôi với lý do “bản án nói trên quá nhẹ và không đủ tính răn đe”.

Viết trên Twitter hôm 31/12, nghị sĩ Julian Knight, đại diện quận Solihull, cho biết hoàn toàn ủng hộ quyết định nêu trên khi cho rằng cặp vợ chồng này “xứng đáng với án tù chung thân vì cách đối xử tàn bạo, độc ác với Arthur”. Bên cạnh đó, nghị sĩ Julian Knight đã yêu cầu tiến hành các cuộc rà soát quy trình và trách nhiệm của những cơ quan chức năng, đơn vị chuyên môn, cảnh sát, dịch vụ xã hội và các nhà giáo dục.

Người dân Anh gửi quà và hoa đưa tiễn Arthur tại ngôi nhà nơi cậu ra đi.

Người dân Anh gửi quà và hoa đưa tiễn Arthur tại ngôi nhà nơi cậu ra đi.

Đó cũng là câu hỏi đến từ phía báo giới địa phương. Tại sao các nhà chức trách không phát hiện dấu hiệu bất thường khi đến kiểm tra lần đầu tiên? Các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội bảo vệ trẻ em đang ở đâu khi những đứa trẻ này vẫn đang bị lạm dụng, bạo hành, thậm chí bị sát hại dã man?

Cùng lúc đó, Chính phủ Anh cũng đã yêu cầu tiến hành rà soát toàn diện vụ án nhằm “bảo vệ những đứa trẻ khác khỏi những tội ác tương tự”. Cụ thể, cuộc rà soát xác định hoàn cảnh dẫn đến cái chết của Arthur, cũng như trách nhiệm, hành động của các cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức liên quan để cải thiện hệ thống chính sách và công tác thực tiễn trong việc bảo vệ trẻ em. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch kéo dài, ngân sách dành cho các dịch vụ công chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em đã bị cắt giảm đáng kể. Cụ thể, trong thập kỷ qua ở Anh, có hơn 1.000 trung tâm dành cho trẻ em đã đóng cửa, số y tá trường học ít hơn 30% và kinh phí dành cho phụ nữ đã giảm đi 7 triệu bảng Anh.

Lời kết, cái chết thương tâm của cậu bé 6 tuổi đã khiến hàng triệu trái tim người Anh tan vỡ, đồng thời gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh. Không chỉ bố mẹ và người thân của Arthur mà cả xã hội Anh cũng “nợ” Arthur một môi trường sống và lớn lên an toàn và lành mạnh.

Đọc thêm