Vụ ăn chặn trầm kỳ tại Khánh Hòa: Dấu hiệu bỏ lọt hàng loạt tội phạm

(PLO) - Cáo trạng xác định, trong số 5 bị cáo bị truy tố có nguyên 4 sĩ quan công an huyện Khánh Sơn đã “ăn chặn” trầm kỳ của dân với số tiền 4,15 tỷ đồng. Thế nhưng, các bị cáo bán trầm kỳ được bao nhiêu tiền, ai là người mua trầm kỳ… thì chưa được cơ  quan tiến hành tố tụng làm rõ.        
Bị cáo Nguyễn Thành Trung (thứ 3 từ trái qua) và các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Bỏ sót hàng loạt đối tượng liên quan(!?)     
Theo kết quả điều tra của cơ quan điều tra (CQĐT) Công an (CA) tỉnh Khánh Hòa, ngoài 4 bị cáo nguyên là cán bộ CA huyện Khánh Sơn bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Hồng Hà (nguyên Đội trưởng Đội CSGT CA huyện Khánh Sơn), Vũ Anh Trung (nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - Môi trường CA huyện Khánh Sơn), Trần Lệ Kiên (nguyên Phó Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp CA huyện Khánh Sơn) bị truy tố về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; riêng bị cáo Nguyễn Thành Trung (nguyên Trưởng CA huyện Khánh Sơn) bị truy tố về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. 
Tuy nhiên, so với kết quả điều tra thì hồ sơ vụ án đang có dấu hiệu bỏ sót đến 6 đối tượng liên quan, cụ thể: Phạm Hồng Sơn (Phó trưởng CA huyện Khánh Sơn), Nguyễn Hoàng Giang, Hoàng Xuân Vương, Lê Anh Luân, Đỗ Mạnh Hùng và Trần Đình Xuân (đều thuộc CA huyện Khánh Sơn). 
Đồng thời, đối tượng mua trầm kỳ của Nguyễn Thành Trung hiện cũng chưa được làm rõ, bởi Kết luận điều tra xác định: “Nguyễn Thành Trung trực tiếp bán số trầm kỳ nói trên cho ông Bùi Khắc Dũng tại quán Đại Long, phường Ba Ngòi, TP.Cam Ranh với giá 350.000.000 đồng...” Cũng theo Kết luận điều tra, ông Bùi Khắc Dũng (còn gọi là Dũng đen), trú tại số 22 đường Nguyễn Bá Tòng, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM.
Mặt khác, cả hai lần bán trầm kỳ nói trên, Nguyễn Thành Trung chỉ nói với đồng bọn là số tiền bán trầm kỳ đúng với số tiền đã chia cho các đối tượng (lần thứ nhất 3,8 tỷ đồng, lần thứ hai 350 triệu động), tổng cộng 4,15 tỷ đồng. Còn thực tế cả hai lần Thành Trung bán được bao nhiêu tiền thì chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ. 
Lẽ ra các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định rõ bị cáo Thành Trung bán số trầm kỳ nói trên được bao nhiêu tiền, sau đó trừ đi số tiền Trung đã chia cho đồng bọn (2 lần là 4,15 tỷ đồng), số tiền còn lại là chứng cứ xác định Trung chiếm đoạt cá nhân. Có như vậy mới đủ căn cứ định tội danh cho từng bị cáo một cách chính xác, khách quan và không bỏ sót người, lọt tội.
Vụ án còn nhiều tranh cãi 
Cáo trạng của VKSND huyện Khánh Sơn khẳng định: Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các bị can đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, riêng bị can Nguyễn Thành Trung vẫn ngoan cố. 
Ngoài hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, bị cáo này còn có dấu hiệu của hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vì vậy, ngày 9/9/2013, CQĐT CA tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố bổ sung bị can Nguyễn Thành Trung về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, ngày 24/10/2013 VKSND tỉnh Khánh Hoà đã huỷ quyết định này; đồng thời chuyển hồ sơ vụ án về cho VKSND huyện Khánh Sơn thực hiện quyền công tố theo luật định.
Tại Bản án sơ thẩm số 05/2014 ngày 20/6/2014, TAND huyện Khánh Sơn tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Trung 10 năm tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”; các bị cáo Nguyễn Hồng Hà và Vũ Anh Trung  mỗi người 5 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; bị cáo Trần Lệ Kiên 5 năm tù và bị cáo Luân Văn Nam 3 năm tù.  Sau phiên toà sơ thẩm, Nguyễn Thành Trung kháng cáo kêu oan.
Trong quá trình điều tra và tại phiên sơ thẩm, bị cáo Thành Trung luôn kêu oan và yêu cầu được đối chất với một số nhân chứng. Đặc biệt, Trung đã cung cấp một số tình tiết mới là “bằng chứng ngoại phạm” của mình nhưng không được Toà sơ thẩm chấp nhận, trong đó có chi tiết: “Tối 27/9/2012, Trung có đi nhậu tại TP.Cam Ranh cùng 5 người bạn, trong đó có ông Nguyễn Thành Phấn (Chánh án TAND huyện Khánh Sơn) và ông Nguyễn Văn Phương (Viện trưởng VKSND huyện Khánh Sơn), chứ không phải ngồi tại quán cà phê Góc Núi thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn để thỏa thuận việc bán trầm kỳ và thống nhất tỷ lệ ăn chia…” như Cáo trạng truy tố (!?).
Do vụ án còn nhiều mâu thuẫn về chứng cứ buộc tội nên HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND huyện Khánh Sơn điều tra lại. Mong rằng quá trình điều tra lại vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không “bỏ sót người, lọt tội”. 
Ngoài việc có dấu hiệu bỏ lọt hàng loạt đối tượng liên quan, vụ án này còn “xuất hiện” thêm 2 nhân chứng quan trọng là ông Nguyễn Thành Phấn (Chánh án TAND huyện Khánh Sơn) và ông Nguyễn Văn Phương (Viện trưởng VKSND huyện Khánh Sơn). Nhiều ý kiến cho rằng vụ án vì liên quan trực tiếp đến các đối tượng nguyên là công an huyện Khánh Sơn nên cần được chuyển đến cơ quan điều tra thuộc VKSNDTC thụ lý để đảm bảo tính khách quan.

Đọc thêm