Mất đất vì không đăng ký... chữ ký

(PLO) - Ở tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng hai cụ Đào Truyện (89 tuổi), Nguyễn Thị Ngạch (82 tuổi), ngụ xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức vẫn bị hai cấp tòa “bắt bí” tội “không đăng ký chữ ký với cơ quan có thẩm quyền”; không tôn trọng kết luận giám định chữ ký của cơ quan công an, khiến hai cụ vừa tốn tiền giám định vừa thua kiện trong một vụ án nhiều khuất tất.
Không đồng ý với các bản án, vợ chồng cụ Truyện dựng lều để giữ đất và mộ con gái
Không đồng ý với các bản án, vợ chồng cụ Truyện dựng lều để giữ đất và mộ con gái
Nguồn cơn khởi kiện
Năm 1993, gia đình cụ Truyện được cấp sổ đỏ thửa đất rộng 3.187m2 tại xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức. Năm 1996, vợ chồng cụ Truyện thỏa thuận bán thửa đất trên cho vợ chồng ông Trần Hiện, bà Lê Thị Me (ngụ xã Suối Nghệ) giá 12 chỉ vàng và giao sổ đỏ cho vợ chồng ông Hiện nắm giữ. Khi biết chuyện, các con cụ Truyện không đồng ý nên đem vàng trả lại cho vợ chồng ông Hiện, nhưng vẫn để sổ đỏ cho ông Hiện nắm giữ. 
Hàng năm, gia đình cụ Truyện vẫn thường lui tới coi đất và chăm sóc ngôi mộ con gái (được chôn cất trên thửa đất năm 1987). Năm 2006, gia đình cụ Truyện xây lại ngôi mộ thì vợ chồng ông Hiện ngăn cản và chìa ra sổ đỏ mới đứng tên ông Trần Hiện. Cho rằng vợ chồng ông Hiện đã làm giả giấy tờ chuyển nhượng để làm sổ đỏ, vợ chồng cụ Truyện làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Châu Đức.
Tại tòa, ông Hiện thừa nhận việc sang nhượng thửa đất không thành vào năm 1996, đã nhận lại vàng nhưng cho rằng đã trả lại sổ đỏ cho cụ Truyện. Đến ngày 1/3/1998, hai bên lại tiếp tục sang nhượng đất, năm 2006 thì ông Hiện mới xin cấp sổ đỏ.
Trong hồ sơ vụ án có tới hai “giấy sang nhượng đất” đề ngày 01/3/1998, có cùng nội dung thể hiện vợ chồng cụ Truyện đồng ý sang nhượng thửa đất nói trên cho ông Hiện. Nhưng giấy thứ nhất thì ghi bên bán đã nhận đủ 5 triệu đồng (giấy này được ông Lê Tình – Chủ tịch UBND xã Suối Nghệ xác nhận ngày 4/3/1998); giấy thứ hai thì ghi bên bán đã nhận đủ 14 chỉ vàng 24k, tuy nhiên vợ chồng cụ Truyện khẳng định chữ ký trong hai giấy sang nhượng đều là giả mạo.
Vì vậy, TAND huyện Châu Đức đã quyết định trưng cầu giám định, theo đó Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận: Chữ ký ghi tên vợ chồng cụ Truyện trên các “giấy sang nhượng đất” so với các mẫu chữ ký của vợ chồng cụ Truyện được gửi đi giám định là “không phải do cùng một người ký”. 
Thế nhưng bản án sơ thẩm do Thẩm phán Phạm Văn Dản – chủ tọa phiên tòa lại cho rằng: “Ông Truyện, bà Ngạch không đăng ký chữ ký với cơ quan có thẩm quyền. Không có cơ sở nào khẳng định các mẫu đưa đi giám định là chữ ký và chữ viết có phải từ ông Truyện, bà Ngạch viết ra hay không để so sánh với chữ ký có trong giấy sang nhượng đất ngày 01/3/1998”? 
“Các mẫu chữ ký của vợ chồng tôi do Tòa án hai lần gửi đi giám định sao lại nói không phải của chúng tôi? Đặc biệt, chữ ký trong “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ngày 01/10/2004 được ký trước công chứng viên; chữ ký trong các “Biên bản hòa giải”, “Biên bản giải quyết tranh chấp…” do cơ quan chức năng lập; chữ ký trong “Đơn xin xác nhận ngày 18/1/2007”, “Đơn xin trợ cấp trẻ mồ côi hoàn cảnh khó khăn ngày 24/7/2003”, “Giấy sang nhượng đất ngày 9/6/1960”… đều được ký trong điều kiện khách quan để thực hiện các giao dịch dân sự, được các cơ quan chức năng thừa nhận từ lâu, đúng quy định pháp luật. Tại sao tòa án  nại ra lý do vợ chồng tôi không đăng ký chữ ký với cơ quan có thẩm quyền để rồi không coi trọng kết quả giám định chữ ký của vợ chồng tôi, phải chăng nhằm mục đích bênh vực ông Hiện?” -cụ Truyện bức xúc.
Chưa hết, tại hồ sơ giám định, thực tế khoảng cách về thời gian hình thành các mẫu chữ ký, mẫu chữ viết gần nhất cách nhau chỉ 01 năm. Thế nhưng, không hiểu sao tòa án lại “vẽ” ra “khoảng cách về thời gian hình thành của các mẫu chữ ký, mẫu chữ viết này cách nhau 47 năm”? 
Nghịch lý cần được làm rõ
Một điều nghịch lý, trong khi bản án cho rằng không có cơ sở để xác định chữ ký nào là của vợ chồng cụ Truyện, từ đó bác kết luận giám định của cơ quan công an, nhưng bản án lại công nhận việc chuyển nhượng đất giữa vợ chồng cụ Truyện và ông Hiện trên cơ sở  hai “giấy chuyển nhượng đất” ngày 01/3/1998 do phía ông Hiện cung cấp, trong khi vợ chồng cụ Truyện không thừa nhận và khẳng định chữ  ký có trên giấy là giả mạo?
Mặt khác, trên “giấy sang nhượng đất” ngày 01/3/1998 có nội dung ghi rõ vợ chồng cụ Truyện đã nhận đủ 5 triệu đồng. Nhưng tại tòa, ông Hiện khẳng định vợ chồng cụ Truyện đã nhận đủ 14 chỉ vàng 24k sau khi được chứng thực vào ngày 04/3/1998. Như vậy, lời khai của ông Hiện không phù hợp với chứng cứ. Việc ngày 04/3/1998 Chủ tịch UBND xã Suối Nghệ xác nhận ngay trên giấy sang nhượng đất đề ngày 01/3/1998  là do  “hai bên đương sự có đến UBND xã xin chuyển quyền sử dụng đất, theo nội dung đơn…” cũng không đúng thực tế khách quan. 
Thiết nghĩ, vụ án cần được TANDTC xem xét, giải quyết theo thẩm quyền để đảm bảo vụ án được đưa ra xét xử lại một cách công bằng, đúng pháp luật.
Trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, các con của vợ chồng cụ Truyện khẳng định: Họ không đồng ý bán nên đã trả lại vàng cho ông Hiện, ông Hiện nhận lại vàng nhưng không trả lại sổ đỏ. Thế nhưng, tòa án không triệu tập họ để lấy lời khai, cung cấp chứng cứ với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bỏ qua những khuất tất nói trên, Tòa án cấp phúc thẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục công nhận bản án sơ thẩm khiến dư luận bất bình.

Đọc thêm