8 năm 1 chủ trương, bỗng chốc đảo chiều
Điều này là khá rõ ràng khi Tổng Công ty Bình Dương là doanh nghiệp do Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương sở hữu 100% vốn góp. Vụ án liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng khu đất 43ha từ Tổng Công ty Bình Dương sang Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú chắc chắn xảy ra xung đột lợi ích khi Văn phòng Tỉnh ủy là chủ sở hữu vốn góp của “bên bán” còn lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương lại là người chỉ đạo giải quyết vụ án.
Sự liên quan này phải được nhìn nhận đầy đủ ngay từ khi bắt đầu có dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một.
Năm 2004, Tổng Công ty Bình Dương được Nhà nước giao hơn 567ha đất tại TP Thủ Dầu Một để thực hiện dự án đầu tư sân golf, khu đô thị và dịch vụ. Khu đất 43ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một nằm trong diện tích đất được giao.
Điều đáng nói, Tổng Công ty Bình Dương đã không sử dụng ngân sách nhà nước để giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất trên mà sử dụng vốn vay, vốn huy động. Sự thật này đã được Tỉnh ủy Bình Dương xác nhận nguồn gốc của số tiền giải phóng mặt bằng là “không có nguồn gốc từ ngân sách”.
Sở Tài chính tỉnh Bình Dương cũng có nhiều văn bản xác nhận diện tích đất mà Tổng Công ty Bình Dương được giao được giải phóng mặt bằng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Điều này có nghĩa rõ ràng là khu đất 43ha thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp (không phải “đất công”).
Ngày 21/7/2010, Tổng Công ty Bình Dương đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương báo cáo xin chủ trương mời gọi doanh nghiệp có năng lực tài chính để hợp tác thực hiện dự án Khu đô thị Tân Phú tại khu đất 43ha nêu trên. Ngày 7/8/2010, Tỉnh ủy Bình Dương đã có văn bản số chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Bình Dương hợp tác đầu tư để phát triển dự án trên khu đất 43 hecta.
Trên cơ sở đó, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú ra đời với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, Tổng Công ty Bình Dương góp 30% vốn điều lệ, tương đương 60 tỷ đồng.
Ngày 20/8/2016 Tổng Công ty Bình Dương có Văn bản số 145/TCTY-TCKT gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị giữ lại khu đất 43hecta để bàn giao cho Công ty Tân Phú thực hiện dự án; không chuyển giao cho doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương. Ngày 29/8/2016, Tỉnh ủy Bình Dương có văn bản đồng ý đề xuất này.
Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, ngày 8/12/2016, Tổng Công ty Bình Dương đã ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43 hecta cho Công ty Tân Phú và ngày 1/3/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã làm thủ tục điều chỉnh biến động đất đai đối với khu đất 43 hecta, ghi nhận đơn vị sử dụng đất là Công ty Tân Phú.
Ngày 16/8/2018, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã kết luận việc chuyển nhượng 43 hecta cho Công ty Tân Phú là “phù hợp với quy định của pháp luật, có tình, có lý”. Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu Tổng Công ty Bình Dương bổ sung hồ sơ để hoàn thiện theo quy định của pháp luật; liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện việc đăng ký điều chỉnh biến động đất đai.
Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau cuộc họp này, ngày 10/10/2018, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã có cuộc họp để xem xét việc chuyển nhượng 43ha đất cho Công ty Tân Phú, kết luận yêu cầu xem xét khu đất 43ha có phải là “đất công” hay không, đồng thời, yêu cầu rà soát hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng khu đất 43ha.
Như vậy, có thể nói cuộc họp này là điểm đánh dấu sự “đảo ngược” những chủ trương mà Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã phê duyệt trước đó, đồng thời cũng là thời điểm mà bộ máy chính quyền bắt đầu thực hiện các công việc để thu hồi khu đất 43ha của Công ty Tân Phú.
Lo ngại về sự thiếu khách quan
Kể từ cuộc họp ngày 10/10/2018, liên tục các cơ quan từ thanh tra đến điều tra đã bắt tay vào “làm rõ” việc chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú.
Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương thông báo thu hồi văn bản đồng ý chủ trương cho Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú (trước đó Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng vốn góp cho Công ty cổ phần Âu Lạc).
Tiếp đó là việc đàm phán giữa Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương và Công ty Kim Oanh về việc mua bán 30% vốn góp, song việc đàm phán này không thành công.
Ngày cuối cùng của năm 2019, Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án liên quan đến việc chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú. Khoảng 4 tháng sau, quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Tổng Công ty Bình Dương mới được ban hành.
Từ thời điểm này, trao đổi với báo chí, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương luôn khẳng định khu đất 43ha là “đất công”. Phát ngôn này của lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương trái được với hồ sơ pháp lý của khu đất vì “sổ đỏ” khu đất đứng tên Công ty Tân Phú, khẳng định khu đất không phải là đất công.
Bên cạnh đó, chính Tỉnh ủy Bình Dương và Sở Tài chính đã có nhiều văn bản khẳng định nguồn tiền giải phóng mặt bằng là có nguồn gốc ngoài ngân sách, nên khu đất không phải là đất công.
Văn phòng Tỉnh ủy là chủ sở hữu vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương nên những quan điểm này được nêu ra là không bất ngờ. Song, sự bất ngờ ở chỗ, Tỉnh ủy Bình Dương lại là cơ quan lãnh đạo của địa phương này, chỉ đạo đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Như vậy, có sự chồng chéo vai trò khi cơ quan này vừa là một bên có lợi ích liên quan, vừa là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cơ quan nhà nước ở địa phương và lãnh đạo việc điều tra vụ án.
Luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty Luật TNHH Fanci cho rằng, nếu vụ án Thiếu trách nhiệm trong quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tiếp tục do các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương điều tra thì khó lòng đảm bảo sự khách quan.
“Có sự xung đột vai trò, lợi ích trong việc Công an tỉnh Bình Dương điều tra vụ án vì liên quan đến lợi ích của Tỉnh ủy Bình Dương. Do đó, vụ án phải được Bộ Công an và VKSND tối cao vào cuộc điều tra, giải quyết hoặc kiểm tra, giám sát ngay từ đầu”, Luật sư Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh.
Cần sự vào cuộc của cơ quan tố tụng Trung ương
Những lo lắng của doanh nghiệp và quan ngại của giới luật sư hoàn toàn không sai. Trong quá trình điều tra đã phát sinh những sai sót rõ ràng.
Cụ thể, ngày 20/4/2020, CQĐT Công an tỉnh Bình Dương ban hành quyết định tạm giữ 2 “sổ đỏ” của khu đất 43ha đang đứng tên Công ty Tâm Phú. Nội dung quyết định tạm giữ đồ vật tài liệu nêu rất rõ đối tượng tạm giữ là 2 “sổ đỏ”. Song, khi thực hiện quyết định này, CQĐT đòi thu giữ luôn và 43ha đất.
Sau đó CQĐT đã công bố giao khu đất 43ha này cho UBND tỉnh Bình Dương. Như vậy, những ý kiến cho rằng, sự không khách quan của CQĐT và việc sử dụng quyền của CQĐT để thu giữ lô đất không có quyết định, không đúng pháp luật là có căn cứ.
Bên cạnh đó, việc đáng quan ngại nhất chính là việc CQĐT quy kết Công ty Tân Phú “thế chấp trái pháp luật” khu đất 43ha.
Công an tỉnh Bình Dương thông báo cho báo chí trong cuộc họp báo ngày 6/5 với nội dung, Công ty Tân Phú không được quyền thế chấp khu đất vì chưa đăng ký biến động quyền sử dụng đất từ thời điểm Công ty Kim Oanh mua vốn góp của Công ty Tân Phú.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, ở đây có một sự nhầm lẫn về quan hệ pháp luật. Vì, việc thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp bằng hình thức chuyển nhượng vốn góp không làm thay đổi chủ sử dụng đất nên không phải đăng ký biến động. Nói đơn giản hơn, người sử dụng đất vẫn là Công ty Tân Phú, cho dù chủ sở hữu vốn góp của Công ty Tân Phú có thay đổi thế nào đi nữa.
Công ty Tân Phú được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngày 1/3/2017 và bị tạm giữ “sổ đỏ” ngày 20/4/2020 theo quyết định của CQĐT. Trong khoảng thời gian đó, mọi quyền hợp pháp của chủ sử dụng đất không bị hạn chế. Vậy cơ sở nào để cho rằng Công ty Tân Phú không được quyền thế chấp quyền sử dụng đất?
Với những diễn biến của vụ việc từ năm 2018 đến nay, đặc biệt là bước ngoặt ngày 10/10/2018 thì việc vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Bình Dương tiếp tục do CQĐT Công an tỉnh Bình Dương điều tra rõ ràng là đáng lo ngại. Để đảm bảo tính khách quan và nghiêm minh của pháp luật trong vụ việc, không để xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” thì các cơ quan tố tụng trung ương phải vào cuộc.