Vụ bé gái bị hành hạ đến tử vong: Đừng để sự thờ ơ biến thành tội ác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau vụ việc bé gái N.T.V.A (8 tuổi) bị hành hạ đến tử vong tại một chung cư ở TP HCM, có lẽ nhiều người sẽ ân hận, day dứt vì nhận ra chính sự thờ ơ của mình đã biến thành tội ác.
Người dân thắp nến tưởng niệm nạn nhân.
Người dân thắp nến tưởng niệm nạn nhân.

Gia đình không còn là tổ ấm

Lá đơn tố cáo của mẹ bé N.T.V.A tới các cơ quan chức năng cho thấy chồng cũ chị đã có thời gian dài cấm cản không cho chị được thăm con ruột là bé V.A sau ly hôn. Ông này còn biết rõ bạn gái mình đánh đập bé V.A trong thời gian dài nhưng không bảo vệ, không ngăn cản, đưa con đi chữa trị, khiến cháu phải chịu đựng sự đau đớn quá mức, ra đi trong tuyệt vọng.

Ngay sau vụ việc, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã ra tuyên bố bày tỏ sự đau buồn và mối quan ngại sâu sắc trước vụ việc. Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ: “Đáng buồn là phần lớn các vụ xâm hại trẻ em đều do những người mà các em quen biết và tin tưởng gây ra. Các vụ việc thường chìm trong im lặng và đơn độc. Các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian phong tỏa vì COVID-19, báo hiệu nhu cầu cấp bách cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn”.

Thông tin mới nhất cho thấy, chị N.T.H. (36 tuổi), mẹ nạn nhân N.T.V.A. cùng anh trai là ông N.Q.Vi (37 tuổi) gửi đơn tố cáo, yêu cầu cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh xem xét lại tội danh đã khởi tố đối với Trang do chưa đúng với hành vi đã gây hậu quả chết người cho cháu bé; đồng thời cần làm rõ vai trò của người bố (ông N.K.T.Th. -36 tuổi) vì nạn nhân đã bị đánh đập nhiều lần trước đó (hành vi ngược đãi con và không tố giác tội phạm)

Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cũng có văn bản gửi các cơ quan, ban, ngành của TP HCM. Văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp sớm hoàn tất quá trình điều tra để chuyển sang truy tố và xét xử nghiêm minh trong thời gian nhanh nhất có thể. “Gia đình phải là nơi bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất, cha mẹ có thể không sống được với nhau thì ly hôn, các cháu có thể không có được một gia đình hoàn thiện nhưng tất cả các quyết định của người lớn phải vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất tác động và ảnh hưởng đến trẻ em. Sự vô trách nhiệm của gia đình đối với trẻ em trong nhiều tình huống chính là tội ác”, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM nhấn mạnh.

Sự im lặng khó hiểu của cộng đồng

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cũng bày tỏ sự xót xa khi vụ việc lại xảy ra ở một khu chung cư thuộc hạng cao cấp tại TP HCM, với đầy đủ các thiết chế, tổ chức bảo vệ trẻ em ở mức cao nhất cả nước nhưng đã không được tố giác để ngăn chặn kịp thời.

Qua báo chí phản ánh, có những người hàng xóm sống trong chung cư có nghe được âm thanh bất bình thường, nhưng đã không thông báo cho cơ quan chức năng biết kịp thời. “Khi xảy ra việc cháu bé bị đánh tử vong, cộng đồng dân cư thắp nến cầu nguyện. Tại sao cộng đồng sống ngay cạnh căn hộ này nghe thấy tiếng đánh đập cháu bé suốt như vậy không lên tiếng tố cáo. Đáng lẽ vụ việc cần sớm thông báo cho các cơ quan chức năng hoặc có thể gọi đến dịch vụ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tố cáo thì có thể sẽ không dẫn đến hậu quả đau lòng”, ông Nam bày tỏ.

Ông cũng khuyến cáo, mọi người dân nếu phát hiện trẻ em có dấu hiệu bị bạo hành cần sớm thông báo cho cơ quan chức năng hoặc tố cáo qua Tổng đài điện thoại số 111 được thiết lập, thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Khi gọi đến tổng đài, thông tin người tố cáo sẽ được giữ bí mật, nên không lo ngại bị trả thù, sứt mẻ tình cảm với hàng xóm.

Bố nạn nhân có liên đới?

Liên quan đến vụ việc, ngày 28/12/2021, Công an quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định khởi tố bị can đối với Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi) về tội Hành hạ người khác. Theo luật sư, cơ quan chức năng cần xem xét rõ mối quan hệ giữa hành vi phạm tội của Trang và hậu quả cháu bé bị tử vong.

Luật sư Trịnh Thúy Huyền – Giám đốc Công ty Luật Apra cho rằng, theo thông tin ban đầu, Trang đang chung sống như vợ chồng với bố nạn nhân và là người trực tiếp nuôi dưỡng nạn nhân. Vì vậy cháu bé là người có quan hệ lệ thuộc với người phạm tội.

Theo thông tin được cung cấp, cháu V.A thường xuyên bị ép làm việc nhà, trên cơ thể của cháu bé có nhiều vết thâm tím, những vết thương mờ cũ, được khâu vá cho thấy khả năng nạn nhân bị hành hạ trong thời gian dài. Như vậy, bị can Võ Nguyễn Quỳnh Trang trong vụ việc này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội Hành hạ người khác với khung hình phạt từ 01 năm đến 03 năm tù giam (Điều 140 BLHS).

Tuy nhiên, ở cùng một hành vi đối xử tàn ác, xâm phạm đến thân thể hoặc tinh thần, khi truy cứu trách nhiệm hình sự cần xem xét đến hậu quả của hành vi đó.

Đối với trường hợp trên, nạn nhân đã tử vong. Do đó khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trang cần xem xét rõ mối quan hệ giữa hành vi phạm tội của Trang và hậu quả chết người. Nếu quá trình điều tra cho thấy có căn cứ xác định Trang đã có hành vi đánh đập, hành hạ cháu V.A và các hành vi bạo hành này là nguyên nhân dẫn đến việc bé V.A tử vong nhưng Trang không có mục đích tước đoạt tính mạng của cháu bé và không nhận thức được, không nghĩ rằng hành vi này có thể gây hậu quả chết người thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (hậu quả là “làm chết người) với khung hình phạt từ 07 đến 14 năm tù.

Nhưng nếu hành vi bạo lực này là rất nghiêm trọng như dùng các hung khí, vật dụng nguy hiểm, tác động mạnh vào các vị trí hiểm yếu của cơ thể, người thực hiện hành vi biết hoặc buộc phải biết hành vi này là rất nguy hiểm thì cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 123 BLHS.

Đối với trách nhiệm của người cha của cháu V.A, theo Luật sư Huyền, trong trường hợp tội danh của Võ Nguyễn Quỳnh Trang được chứng minh, vai trò của bố bé V.A cũng cần được xem xét. Theo lời khai của bị can, Trang đã nhiều lần đánh đập cháu bé. Ngoài ra, khi kiểm tra thi thể, các bác sĩ ghi nhận ngoài những vết thâm bầm lớn khắp nơi trên cơ thể, cháu bé còn có vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt. Điều này cho thấy việc Trang đánh đập, hành hạ cháu V.A đã diễn ra trong thời gian dài, thực hiện hành vi nhiều lần, lặp đi lặp lại. Như vậy, có căn cứ để cho rằng người cha không thể không biết về việc cháu V.A bị Trang hành hạ.

Khi đã biết về việc bị can bạo hành cháu V.A, nếu bố cháu bé không có hành vi ngăn cản, phản đối hay thậm chí là cổ vũ, khuyến khích việc hành hạ hoặc trước đó có thực hiện hành vi bạo hành cháu V.A thì ông này cũng có thể phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm hoặc chịu trách nhiệm riêng đối với tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 185 BLHS.

Đọc thêm