Vụ chiếm đoạt 433 tỷ đồng: Tạm hoãn để đảm bảo quyền lợi cho các bên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 3/4, theo kế hoạch, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ ra phán quyết với “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành và các bị cáo khác. Tuy nhiên, khi vào làm việc, chủ tọa cho biết, HĐXX sẽ quay lại phần xét hỏi, để làm rõ một số vấn đề.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

HĐXX đã hỏi bị cáo Thành về số thiệt hại của Ngân hàng Việt Á. Bị cáo Hà Thành và Ngân hàng Việt Á cùng xác nhận lại số thiệt hại là 248 tỷ đồng. Ngoài ra, chủ tọa cũng yêu cầu bị cáo Hà Thành xác nhận lại số tiền chiếm đoạt trong từng vụ, số tiền bị cáo bỏ ra góp đồng sở hữu. Theo lời Thành, bị cáo có 68,5 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm đồng sở hữu.

Về các nguồn tiền để khắc phục hậu quả, bị cáo Thành xác nhận bản thân có 26% cổ phần Cty MHD, đang thế chấp tại Ngân hàng Việt Á. Quá trình xét xử, bị cáo Thành muốn dùng số cổ phần trên để bồi thường, khắc phục tối đa hậu quả song Việt Á chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng về giá trị số cổ phần.

Luật sư (LS) của bị cáo Thành nói có một nhà đầu tư muốn mua lại cổ phần này để lấy tiền thay Thành trả các bị hại. Do đó, HĐXX cho bị cáo Thành và bị cáo Nguyễn Thanh Tùng được trao đổi với nhà đầu tư để thống nhất phương án mua lại 26% cổ phần.

Trước đó, đại diện Cty MHD cho biết, 26% cổ phần đứng tên bị cáo Nguyễn Thanh Tùng đã được Tùng thế chấp cho Ngân hàng Việt Á. Sau này, ông Tùng chuyển nhượng cho 2 người khác vì bị bắt nợ. Công ty đã thông báo cho những người liên quan về việc thế chấp cổ phần. Hiện tại, MHD không nắm giữ số cổ phần trên, quyết định do Ngân hàng Việt Á.

Sau khi trao đổi với bị cáo Thành và bị cáo Tùng, doanh nghiệp muốn mua lại 26% cổ phần Cty MHD cho biết, họ là doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, có khả năng khắc phục thay, mong HĐXX tạo điều kiện để họ thực hiện các thủ tục.

Chủ tọa nhắc nhở doanh nghiệp, nếu chấp nhận mua lại cổ phần của Thành và dùng tiền đó khắc phục cho bị cáo, doanh nghiệp phải khắc phục thực chất bằng tiền vào Cục thi hành án TP Hà Nội. “Giá trị cổ phần trên, năm 2018 được xác định là 75 tỷ đồng. Về việc chia lợi tức và giá trị thời điểm hiện tại tòa không can dự, đây là việc tự nguyện đôi bên”, chủ tọa nói.

Sau đó, chủ tọa cho biết, LS của bị cáo Hà Thành xin hoãn phiên tòa và có tình tiết mới là một doanh nghiệp đứng ra thỏa thuận với Thành về việc khắc phục hậu quả. Để đảm bảo quyền lợi cho các bên nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.

Theo hồ sơ vụ án, do cần tiền làm ăn và chi tiêu, Nguyễn Thị Hà Thành tìm những người có tiền để vay hoặc rủ rê hợp tác để chứng minh tài chính rồi chiếm đoạt với mục đích cá nhân. Do không có tài sản đảm bảo nên Hà Thành nói với họ gửi tiền vào các ngân hàng do Thành chỉ định, gửi tiền tiết kiệm với hình thức đồng sở hữu như trường hợp ông Đặng Nghĩa Toàn, Triệu Hùng Cường, Triệu Thị Tuyết Trinh… Sau đó, Thành rút tiền ra để sử dụng cá nhân.

Giúp sức cho “siêu lừa” là nhiều cựu cán bộ của ngân hàng NCB, VAB, PVCombank. Họ đã đã “tiếp tay” cho Hà Thành giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng.

Cơ quan tố tụng xác định, số tiền Hà Thành chiếm đoạt tại VAB là 247 tỷ đồng; NCB là 47,5 tỷ đồng; PVCombank là 49,4 tỷ đồng và các cá nhân khác là hơn 60 tỷ đồng.

Đọc thêm