Để rộng đường dư luận, PLVN xin được nêu và trao đổi lại những vấn đề mà công văn này đề cập…
Với số tiền chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng, bị cáo Ngọc Anh đã bị Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội tuyên phạt tù chung thân. Sau khi dẫn những tình tiết của vụ án, bài báo đặt ra vấn đề cần tiếp tục điều tra để xử lý triệt để vụ án vì còn có dấu hiệu của tội “Buôn lậu” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (chứ không chỉ riêng tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”).
Ngoài những bị hại được xác định trong vụ án này, còn có trường hợp của bà Nguyễn Thị Tâm (trú tại xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) cũng bị Ngọc Anh chiếm giữ gần 20 tỷ đồng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại chỉ coi đây là “quan hệ dân sự”. Việc này có dấu hiệu “chiếm đoạt” nên cũng cần tiếp tục làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm.
Tại Công văn số 1197/CV-VKS-P1 báo cáo VKSNDTC và trả lời Báo PLVN, VKSND tỉnh Bắc Ninh khẳng định việc truy tố Ngọc Anh về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn đúng pháp luật; không bỏ lọt tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, việc CQĐT không khởi tố Ngọc Anh về tội “buôn lậu” là có căn cứ và đúng pháp luật. Việc Ngọc Anh nợ tiền của bà Tâm là giao dịch dân sự…
Về nội dung trên, Báo PLVN thấy rằng, quan điểm cần làm rõ và xử lý bị cáo Ngọc Anh về hành vi “buôn lậu” là xuất phát từ chính lời khai của Ngọc Anh rằng “dùng tiền để đi buôn lậu vàng và đất đai bị thua lỗ”. Bản thân chị Chín (người bị Ngọc Anh chiếm đoạt 80 tỷ đồng) cũng có lời khai cho biết, khi chị đòi Ngọc Anh tiền thì bị cáo này nói “dùng tiền đi buôn lậu vàng, nhưng số vàng đó bị bắt ở Hà Nội nên không có tiền trả”.
Mặt khác, Bản án phúc thẩm số 585/2013/HSPT của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội cũng đã nhận định: “Bị cáo khai mặc dù Cty bị cáo không đăng ký kinh doanh vàng nhưng bị cáo đã buôn bán vàng từ nhiều năm với chị Chung và một số cửa hàng vàng khác. Đến năm 2010, bị cáo vẫn còn đi buôn bán vàng. Như vậy, hành vi nhận 80 tỷ đồng của bà Chín để đi mua hàng nông sản nhưng sau đó bị cáo đã dùng khoản tiền này vào việc buôn bán vàng - kinh doanh trái pháp luật dẫn đến mất khả năng thanh toán, chiếm đoạt tiền của bà Chín”.
Có thể thấy, chính Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng cho rằng Ngọc Anh đã đi buôn bán vàng trái phép dẫn đến việc mất khả năng thanh toán cho chủ nợ. Tuy nhiên, tại Công văn 1197, VKSND tỉnh Bắc Ninh lại cho biết: “CQĐT đã tiến hành xác minh tại Quảng Ninh và Hải Phòng nhưng không thu thập được tài liệu để xác định lời khai của Ngọc Anh (về việc đi buôn vàng) là có căn cứ. Như vậy, lời khai của Ngọc Anh là không có cơ sở để chấp nhận”.
Như vậy, quan điểm của chính các cơ quan tiến hành tố tụng về lời khai “buôn vàng” của Ngọc Anh đã mâu thuẫn với nhau, cần thiết phải được làm rõ. Hơn nữa, theo lời khai của bị hại thì Ngọc Anh có nói là “đi buôn vàng và bị bắt ở Hà Nội”. Vậy tại sao CQĐT lại chỉ đi xác minh ở Quảng Ninh và Hải Phòng mà không tiến hành xác minh tại Hà Nội?
Vả lại, nếu khẳng định Ngọc Anh không đi buôn vàng thì CQĐT cũng cần phải làm rõ hơn 100 tỷ đồng mà bị cáo này chiếm đoạt của các bị hại đã đi đâu, dùng vào việc gì? Nếu có việc Ngọc Anh “tẩu tán” hết tiền đã chiếm đoạt được mà không phải dùng để đi buôn lậu thì cần làm rõ xem bị cáo này có “lên kế hoạch” chiếm đoạt tiền của các bị hại từ trước hay không? Từ đó mới có thể khẳng định Ngọc Anh có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay không? Như vậy mới đảm bảo nguyên tắc điều tra “toàn diện” và không bỏ lọt tội phạm.
Cũng tại Công văn 1197, VKSND tỉnh Bắc Ninh cho rằng: “Ngọc Anh không có hành vi gian dối trước khi chiếm đoạt tài sản mà chỉ có hành vi gian dối sau khi nhận được tài sản của người khác”. Tuy nhiên, như PLVN đã phản ánh thì trong vụ chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Chung gần 40 tỷ đồng qua 2 lần “hứa bán vàng”, Ngọc Anh đều ký giả tên chồng vào hợp đồng vay tiền (khi không có vàng để trả cho chị Chung).
Lần thứ nhất, Ngọc Anh ký giả tên chồng vào ngày 20/9/2009 sau khi nhận của chị Chung hơn 21 tỷ đồng. Lần thứ hai vào ngày 25/10/2009, Ngọc Anh nhận tiếp gần 23 tỷ đồng và cũng giả chữ ký của chồng. Rõ ràng, vụ việc này đã có sự gian dối (giả chữ ký) của Ngọc Anh từ ngày 20/9. Nếu không có việc giả chữ ký của chồng vào ngày 20/9 thì Ngọc Anh khó có thể chiếm đoạt được tiếp 23 tỷ đồng của chị Chung vào ngày 25/10. Vậy tại sao VKSND tỉnh Bắc Ninh vẫn cho rằng Ngọc Anh gian dối sau khi nhận được tiền?
Đối với số tiền hơn 20 tỷ đồng mà Ngọc Anh từng vay của chị Tâm và hơn 60 tỷ đồng vay của các cá nhân khác, VKSND tỉnh Bắc Ninh cho rằng: “Cơ quan CSĐT đã làm rõ các giấy vay tiền đều là giao dịch dân sự. Ngọc Anh không có thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt tài sản hoặc không sử dụng số tiền đã vay vào mục đích bất hợp pháp, cũng không bỏ trốn”. Nhưng cũng chính VKSND tỉnh Bắc Ninh, khi trả lời bà Tâm tại Công văn số 616/BC-VKS-P1 (13/5/2014) lại nói khác: “Tháng 10/2010, bà Tâm có đơn tố cáo Ngọc Anh nhưng qua xem xét giấy vay tiền giữa Ngọc Anh đối với bà Tâm thì chưa đến và chưa hết hạn thanh toán. Việc vay mượn trên là giao dịch dân sự có thỏa thuận về thời hạn thanh toán”.
Tại sao VKSND tỉnh Bắc Ninh lại có sự “bất nhất”, khi thì bảo “Ngọc Anh không sử dụng số tiền đã vay vào mục đích bất hợp pháp”, khi thì là “chưa đến hạn thanh toán”? Cả hai lý do “dân sự hóa” này đều cần làm rõ vì nếu kết luận “Ngọc Anh không sử dụng số tiền đã vay vào mục đích bất hợp pháp” thì CQĐT và VKSND tỉnh Bắc Ninh cần làm rõ Ngọc Anh đã sử dụng hơn 80 tỷ đồng của các chủ nợ “dân sự” vào việc gì? Có hợp pháp không? Ngọc Anh viết giấy nợ với danh nghĩa Giám đốc Cty nhưng có chuyển tiền vào tài khoản của Cty hay không? Còn nếu VKSND tỉnh Bắc Ninh bảo “chưa đến hạn” thì như PLVN đã từng thông tin, khoản nợ 6 tỷ đồng của bà Tâm có thời hạn thanh toán trong năm 2010, trước thời điểm Ngọc Anh bị khởi tố, bắt giam đến hơn 2 tháng.
Rõ ràng, với những vấn đề trên thì việc Báo PLVN đề cập đến một số vấn đề chưa rõ trong vụ án và việc bà Tâm có đơn đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với Ngọc Anh, tránh bỏ lọt tội… là có căn cứ, đúng pháp luật. Bởi vậy, cơ quan chức năng tối cao cần vào cuộc làm rõ.