Vụ chuỗi nhà hàng Món Huế: Cổ đông chỉ ra nhiều khuất tất trong các bản hợp đồng có giá “trên trời”

(PLVN) -Qua kiểm tra nội bộ, các cổ đông nước ngoài chỉ ra việc mua đất để xây dựng 2 Dự án Bếp trung tâm cho chuỗi nhà hàng Món Huế tại Long An và Hà Nội đã bị ông Huy Nhật và cộng sự lợi dụng để "tư túi" hơn 400 tỷ đồng.
Vụ chuỗi nhà hàng Món Huế: Cổ đông chỉ ra nhiều khuất tất trong các bản hợp đồng có giá “trên trời”

Trong đơn tố cáo gửi Bộ Công an, nhóm cổ đông ngoại của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế (Công ty Món Huế), đứng đầu là Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam (trụ sở tại Hồng Kông, gọi tắt là Công ty Huy Hồng Kông) cho rằng, họ đã bị ông Huy Nhật và các cộng sự, cũng như Công ty TNHH Huy Việt Nam (Chủ sở hữu Món Huế, gọi tắt là Công ty Huy Việt Nam) lợi dụng các Dự án Bếp trung tâm để trục lợi hơn 400 tỷ đồng.

Tại Long An, năm 2017 bà Trần Thị Thanh Tâm (thời điểm đó là người đại diện pháp luật của Công ty Huy Việt Nam) đã ký mua của Công ty Hải Sơn khu đất gần 2 hecta bên trong KCN Hải Sơn với số tiền hơn 316 tỷ đồng với mục đích tiến hành xây dựng Dự án Bếp trung tâm Long An.

Để hợp thức hóa 316 tỷ đồng, ông Huy Nhật và nhóm quản lý Món Huế đã cung cấp báo cáo thẩm định giá của Công ty CP Thẩm định giá Đông Dương (định giá hơn 317 tỷ đồng ngày 19/7/2018). Họ cũng cung cấp thêm một dự thảo báo cáo thẩm định giá của Công ty Colliers Internatinonal Việt Nam. Theo báo cáo này, khu đất sẽ có giá hơn 180 tỷ đồng nếu phát triển thành đất ở để bán, hoặc gần 338 tỷ đồng nếu làm kho đông lạnh để cho thuê vào thời điểm tháng 4/2019.

Đơn vị kiểm toán sau đó đã bác bỏ những báo cáo định giá này vì thẩm định không thực tế, sai lệch về thời gian và mục đích sử dụng đất. Thậm chí, Luật Đất đai năm 2013 cũng không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong KCN mà chỉ cho thuê có thời hạn. Mà nếu đối chiếu theo giá thuê 50 năm được niêm yết trên Cổng thông tin xúc tiến đầu tư KCN tỉnh Long An thì khu đất có giá cao nhất cũng chỉ hơn 45 tỷ đồng. Như vậy, giá trị khu đất Long An đã được bà Tâm ký mua cao hơn giá trị thị trường khoảng 271 tỷ đồng một cách vô căn cứ.

Đó là chưa kể, đối chiếu Luật Đất đai 2013, hợp đồng mua bán chuyển nhượng do bà Tâm ký với Công ty Hải Sơn là hoàn toàn không có giá trị pháp luật. Đáng nói, hơn 80% (tương đương gần 267 tỷ đồng) giá trị của hợp đồng chuyển nhượng này được Công ty Huy Việt Nam thanh toán bằng tiền mặt cho cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh Hồng - PGĐ Công ty Hải Sơn. Và dù Công ty Huy Việt Nam đứng tên mua trong hợp đồng nhưng qua xác minh lại không có khu đất nào tại Long An - như trong hợp đồng xác định chủ sở hữu là Công ty Huy Việt Nam, chỉ có Công ty Món Huế mới là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất.

Nhiều nhà hàng trong chuỗi Món Huế đã ngưng hoạt động
 Nhiều nhà hàng trong chuỗi Món Huế đã ngưng hoạt động

 Một kiểm tra nội bộ gần đây của các nhà đầu tư nước ngoài còn phát hiện Món Huế đã chuyển quyền sử dụng khu đất này cho bên thứ 3 có thể có mối quan hệ mật thiết với ông Huy Nhật.

Như vậy Huy Nhật và nhóm quản lý Công ty Huy Việt Nam, Món Huế đã cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài một bản hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu, với các định giá “ảo” hòng qua mắt khoảng chi khống lên đến 316 tỷ đồng.

Chiêu bài này của nhóm ông Huy Nhật tiếp tục được giở lại trong phi vụ mua hơn 5.700m2 đất tại Cụm công nghiệp Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) để làm Dự án Bếp trung tâm Hà Nội. Ông Huy Nhật và cộng sự tiếp tục cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài bản hợp đồng vô hiệu và các báo cáo thẩm định giá “ảo”, sai mục đích, sai mốc thời gian… để hợp thức hoá số tiền hơn 134 tỷ đồng đã chi mà theo họ là cho mục đích mua khu đất nêu trên.

Trong khi đó, giá trị thực tế của khu đất sau khi tiến hành thẩm định độc lập chỉ có giá cao nhất gần 23 tỷ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, nhóm ông Huy Nhất tiếp tục “đút túi riêng” ít nhất 111 tỷ đồng trong phi vụ này.

Các cổ đông nước ngoài cho rằng, ông Huy Nhật và nhóm cá nhân liên quan gồm: Trần Thị Thanh Tâm, nguyên là người đại diện pháp luật của Công ty Huy Việt Nam; Nguyễn Minh Bửu, nguyên là người đại diện pháp luật của Công ty Món Huế và Ngô Thị Mỹ Hạnh, hiện là người đại diện pháp luật  của Công ty Món Huế đã câu kết, cố tình vẽ ra các giao dịch chuyển nhượng đất để hợp thức hoá số tiền hơn 450 tỷ đồng đã chi ra.

Và đến nay, những gì mà họ nhận lại liên quan đến quyền sở hữu tài sản là các khu đất cũng chỉ là con số “0” tròn trĩnh. Đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài, có sự tham gia của rất nhiều cá nhân, tổ chức khác.

Đọc thêm