* Cô gái Thái Bình nhiễm trùng ngực, dấu hiệu hoại tử sau phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Hồng Hà
* Bệnh viện đa khoa Hồng Hà “cò kè” tiền bồi thường cho cô gái bị nhiễm trùng ngực sau phẫu thuật
* Bệnh viện đa khoa Hồng Hà đền bù cho cô gái bị nhiễm trùng ngực sau phẫu thuật 110 triệu đồng
Bác sỹ là đối tác của bệnh viện
Liên quan đến vụ việc chị Đ.T.H (Thái Bình) thực hiện phẫu thuật nâng ngực, treo sa trễ tại Bệnh viện đa khoa Hồng Hà bị biến chứng nhiễm trùng ngực, dấu hiệu hoại tử. Sau nhiều lần liên hệ, chiều ngày 29/3, bộ phận truyền thông của Bệnh viện đa khoa Hồng Hà mới có những thông tin ban đầu về sự việc cho phóng viên.
Bà Nguyễn Diệp Linh, Trưởng phòng truyền thông, Bệnh viện Đa Khoa Hồng Hà khẳng định: "Bác sĩ phẫu thuật là bác sĩ hợp tác với Bệnh viện Đa khoa Hồng Hà, liên kết với bệnh viện bằng hợp đồng hỗ trợ chuyên môn".
Vị bác sĩ đã ký hợp tác chuyên môn với bệnh viện từ năm 2018 cho đến nay. Theo thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên, bác sĩ sẽ là người hỗ trợ bệnh viện trong công tác chuyên môn, các thiết bị, ekip thực hiện phẫu thuật đều phải thuộc bệnh viện. Và ca phẫu thuật nâng ngực, treo sa trễ của chị H thực hiện vào tháng 6/2021 và tháng 2/2022 là do bác sĩ này cùng nhóm phẫu thuật, phòng phẫu thuật, vật dụng là của bệnh viện.
Ngoài ra, bà Linh cũng cho biết thêm: "Bác sĩ phẫu thuật cũng là nhân sự được đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Hà do Sở Y tế Hà Nội cấp và ngày 28/1/2022".
Lý giải việc vị bác sĩ này vẫn thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân dù đến đầu năm 2022 bệnh viện mới tiến hành đăng ký cho bác sĩ khám, chữa bệnh tại đây, bà Linh nói: “Trước kia bác sĩ này có công tác tại đơn vị khác, và hợp tác chuyên môn hỗ trợ với Bệnh viện. Đến tháng 1/2022, bác sĩ mới quyết định chuyển về thực hiện thủ thuật tại Bệnh viện đa khoa Hồng Hà, vì thế đến đầu năm 2022 bệnh viện mới đăng ký khám, chữa bệnh cho bác sĩ”.
Bà Nguyễn Diệp Linh, Trưởng phòng truyền thông, Bệnh viện Đa Khoa Hồng Hà. |
Tại buổi làm việc đại diện bệnh viện cho biết: “Chị H sử dụng dịch vụ của bệnh viện, trong đó có ảnh hưởng bị tụ máu. Đây là hiện tượng máu tập trung tại các mô mềm bên ngoài mạch máu, thường kết quả của chảy máu trong tương tự hoặc trùng khớp với 1 vết bầm lớn. Đây là biến chứng khá phổ biến trong phẫu thuật nói chung. Tất nhiên không ai mong muốn biến chứng này. Tỷ lệ biến chứng này có thể xảy ra là khoảng 6,28% với nhiều nguyên nhân như: cục máu đông tự vỡ ra, tăng huyết áp đột ngột, chấn động vùng phẫu thuật, rối loạn đông máu 5% trường hợp xử trí mở rộng vết mổ cầm máu, tụ cầm máu, và băng ép garo. Còn lại ở mức độ nhẹ không có triệu chứng gì có thể tự cầm máu hoặc tự hấp thụ lượng máu đó”.
Đối với phản ánh của chị H khi thấy sưng, đau bất thường trong lần 2 đặt túi ngực mà phía bệnh viện không tiến hành thăm khám, đại diện bệnh viện nói: "Trong chuyên môn nhận thấy hiện tượng đó của chị H chưa ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, vẫn nằm trong tầm quan sát và cho bệnh nhân ra về. Sau đó chị H ra về bệnh viện vẫn nhắn tin, gọi điện cho bệnh nhân.
“Có thể do hiểu nhầm 1 chút giữa bệnh nhân, khi có vấn đề không mong muốn. Phía bệnh viện đã xử lý rất kịp thời, làm việc với bệnh nhân”, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hồng Hà cho biết.
Tuy nhiên, khi được hỏi bệnh viện đã tiến hành xử trí kịp thời đối với sức khỏe của bệnh nhân hay chưa, thì bà Linh từ chối trả lời: “Tôi xin phép không trao đổi, vấn đề này thuộc về chuyên môn, và đây không phải chuyên môn của tôi”.
Cũng theo phản ánh của chị H, chị phải thường xuyên gọi điện cho bác sĩ, tuy nhiên phía đại diện bệnh viện cho rằng, bệnh viện đã hướng dẫn và có hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện bệnh viện khẳng định, chị H chỉ thực hiện kỹ thuật đặt túi ngực và treo sa trễ, không tiêm, truyền bất kỳ hóa chất nào vào trong người, chỉ sử dụng vật liệu làm đầy ngực. Vật liệu làm đầy ngực ở đây là túi ngực.
Khi đặt câu hỏi về nguồn gốc của túi ngực sử dụng cho chị H, đại diện bệnh viện khẳng định túi ngực đều có chứng từ liên quan đến nguồn gốc. Tuy nhiên, khi đề nghị được xem các giấy tờ liên quan, bà Linh nói: "Túi ngực bên tôi đều có các chứng từ liên quan đến nguồn gốc của túi ngực đó. Cung cấp túi ngực thì tôi không cung cấp được. Liên quan đến hóa đơn, chứng từ chúng tôi sẽ cung cấp sau. Bởi liên quan thuế, tài chính nên chúng tôi chưa đưa ra được ngay".
Bệnh viện không đánh giá được ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân
Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa Hồng Hà, sau khi có phát sinh chảy dịch, chị H đã được bác sĩ phẫu thuật tư vấn hướng dẫn chị H vào bệnh viện gần nơi ở để xử trí. Sau đó bệnh viện đã có những tác động thăm hỏi, kèm theo vấn đề nhân sự, dân sự giữa 2 bên.
Trong buổi làm việc giữa bác sĩ phẫu thuật và chị H trước đó, bác sĩ đã thừa nhận có sai sót về y khoa nhưng bác sĩ, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hà lại đổ lỗi cho nhân viên khi không bán lại áo định hình cho bệnh nhân, không băng chặt khiến xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Bà Linh chỉ khẳng định rằng: “Có thể đây là trường hợp hi hữu, hiểu nhầm giữa 2 bên”.
Và khi được hỏi về sai sót y khoa như vậy có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người bệnh, bà Linh tiếp tục từ chối trả lời: “Điều sai sót xảy ra không có ai mong muốn, tuy nhiên có ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân hay không thì tôi xin phép không trả lời, vì vấn đề này liên quan rất nhiều đến chuyên môn. Khi bác sĩ phẫu thuật đã trả lời với bệnh nhân như vậy đã phân định trách nhiệm của bệnh viện, bệnh viện đã xử lý với bệnh nhân. Việc đánh giá ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân thì bệnh viện không đánh giá được”.
Một bệnh viện tư nhân có tiếng tại Hà Nội, thực hiện đại phẫu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tham gia phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với sự cố y khoa rất cần có những thông tin minh bạch về sự việc nhưng lãnh đạo bệnh viện Hồng Hà đã né tránh trao đổi trực tiếp với báo chí về sự việc. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi cơ sở y tế này không thông tin một cách đầy đủ về các vấn đề mà dư luận quan tâm.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.