Vụ “cố ý gây thương tích” ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa: Có dấu hiệu oan sai

(PLO) - Mặc dù bị hại không dấu vết thương tích nhưng khi xét xử sơ thẩm (lần 2), bị cáo Trần Văn Thống (SN 1964) vẫn bị TAND huyện Tĩnh Gia tuyên phạt 24 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích” (theo Điều 104 Bộ luật Hình sự). Vụ án sẽ được xét xử phúc thẩm vào ngày 28/5 tới đây do có kháng cáo kêu oan của bị cáo.

Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm (lần 1) xem xét trực tiếp dấu vết trên thân thể và khẳng định bị hại Nguyễn Thị Thanh không có dấu vết thương tật.
Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm (lần 1) xem xét trực tiếp dấu vết trên thân thể và khẳng định bị hại Nguyễn Thị Thanh không có dấu vết thương tật.
Không có hành vi phạm tội?
Theo cáo trạng và bản án sơ thẩm, khoảng 14 giờ ngày 02/4/2014, Trần Văn Thống đến nhà em trai là Trần Văn Thiệu (thôn Yên Châu, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) giúp gia đình Thiệu đào và xây móng ao thả cá. Do có mâu thuẫn về đất đai với gia đình Thiệu nên chị Nguyễn Thị Thanh (hàng xóm) đã cùng mẹ là Phan Thị Chuộng và các anh chị em (gồm Nguyễn Thị Lực, Nguyễn Thị Nguyện, Nguyễn Thị Liên, Ngô Thị Khoa) kéo đến chửi bới và ném gạch đá về phía phần đất nhà Thiệu. Chị Thanh tiến đến thì bị Thống xua đuổi và cầm xẻng đâm một phát khiến phần lưỡi xẻng gây nên một vết thương ở môi trên của chị Thanh, kích thước 5x1x1,5cm. Ngày 16/4/2014, Trung tâm Pháp y Sở Y tế Thanh Hóa có Kết luận pháp y số 290/TTPY cho rằng: “Nguyễn Thị Thanh bị tổn thương 15% sức khỏe”. 
Ngày 22/7/2014, TAND huyện Tĩnh Gia xét xử sơ thẩm (lần 1) tuyên phạt Trần Văn Thống 24 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.
Do Thống kháng cáo kêu oan nên ngày 16/10/2014, TAND tỉnh Thanh Hóa đã xét xử phúc thẩm và quyết định hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung. Bởi lẽ, tại phiên tòa phúc thẩm, cả Chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên (KSV) và Luật sư (LS) Lê Hồng Nhu (Đoàn LS Thanh Hóa) đã trực tiếp kiểm tra dấu vết trên môi bị hại Thanh nhưng không thấy có dấu vết thương tích. Tức là không thấy bị hại bị rách da có kích thước 5x1x1,5cm như kết luận của Trung tâm Pháp y, Sở Y tế Thanh Hóa.
Vi phạm tố tụng?
Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm còn nhận định, giai đoạn điều tra có rất nhiều sai phạm về tố tụng. Theo Điều 35 Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) thì chỉ có Điều tra viên (ĐTV) được phân công điều tra mới có nhiệm vụ và quyền hạn lập hồ sơ vụ án, triệu tập và hỏi cung bị can. Đáng chú ý, trong hồ sơ vụ án có một số biên bản ghi lời khai và “biên bản giao nhận hồ sơ và tang vật” lại thể hiện một số cán bộ công an không được giao nhiệm vụ tham gia lập biên bản. Trong đó, có ông Phạm Xuân Mừng (Phó Trưởng Công an (CA) xã Hải Châu) cùng cán bộ Lê Đình Việt và Đặng Đình Phú (đều không phải là ĐTV, không có quyết định phân công công việc của thủ trưởng cơ quan điều tra nhưng vẫn điều tra vụ án). 
Về sai phạm này, Bản án hình sự phúc thẩm số 254/2014/HSPT (ngày 16/10/2014) nhận định: “Sau khi khởi tố vụ án, ĐTV không triệu tập người bị hại, người làm chứng để lấy lời khai mà sử dụng các biên bản ghi lời khai của cán bộ CA huyện Tĩnh Gia lập trước ngày khởi tố vụ án(…) là vi phạm tố tụng quy định tại Điều 35, Điều 133 và Điều 137 Bộ luật TTHS”.
Mặt khác, biên bản xem xét dấu vết trên thân thể bị hại do CA xã Hải Châu và cán bộ CA huyện Tĩnh Gia lập không phản ánh đúng sự thật khách quan. Biên bản này phản ánh trên môi bị hại bị rách (5x1x1,5cm) là không có thật. Tại Bút lục 26, Bệnh án Ngoại khoa (Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa) lại ghi vết thương môi trên của chị Nguyễn Thị Thanh là 2x0,2cm, văn bản khác lại ghi vết thương của chị Thanh là 0,3x2cm. Rõ ràng, “một phát đâm của cùng một lưỡi xẻng” của bị cáo (nếu có) không thể để lại 3 vết thương trên cùng vị trí là môi trên của bị hại được. 
Về lời khai nhận tội của bị cáo, trong hồ sơ vụ án có biên bản phúc cung của VKSND huyện Tĩnh Gia lập ngày 24/10/2014, Thống khai: “Do hiểu biết pháp luật không cao, lại có tuổi và ngại va chạm với pháp luật nên tại cơ quan CA có anh Phú là cán bộ nói với tôi (tức Trần Văn Thống, có trình độ văn hóa lớp 7-PV) là viết theo nội dung mà anh ấy đọc thì anh ấy có thể giúp tôi không phải đi tù nên tôi cứ khai theo những lời anh ấy nói, còn thực tế thì tôi không làm những việc như tôi đã khai báo”. 
Tại phiên tòa sơ thẩm (lần 2) ngày 11/3/2015, bị cáo Trần Văn Thống có rất nhiều lời khai do bị cán bộ điều tra đe dọa “nếu không nhận việc gây thương tích cho bà Thanh thì sẽ bị… nhập kho”. Đồng thời, LS của bị cáo đề nghị HĐXX cho bị cáo thực nghiệm tại tòa để xem xét cơ chế hình thành dấu vết làm căn cứ so sánh với vết thương ghi trong hồ sơ vụ án, nhưng HĐXX không chấp nhận? Tuy nhiên, HĐXX vẫn tuyên phạt bị cáo Trần Văn Thống 24 tháng tù giam. 
Dự kiến phiên tòa phúc thẩm được mở ngày 28/5/2015 tới đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về những “khuất tất” của vụ án trên. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm