Trong quá trình thu thập thông tin hoạt động khai khoáng tại mỏ cát Giao Thiện của Xuân Thủy, PV phát hiện hàng loạt những “ưu ái” bất thường của UBND tỉnh Nam Định, Sở TN&MT tỉnh này dành cho doanh nghiệp này.
Theo tìm hiểu, trữ lượng cát khai thác từ mỏ Giao Thiện nếu chỉ để phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản, không cần thiết phải tận thu cả ngày lẫn đêm. Có chăng là doanh nghiệp (DN) còn sử dụng cát khai thác được vào mục đích khác, như bán làm vật liệu san lấp. Trước thông tin này, đại diện Công ty Xuân Thủy xác nhận: “Đúng là chúng tôi dùng 30% trữ lượng khai thác để bán làm vật liệu san lấp”.
DN trả lời như vậy nhưng chiếu theo nội dung ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản mà Sở TN&MT cấp lần đầu năm 2013 thì Công ty Xuân Thủy chỉ được khai thác cát tại mỏ Giao Thiện phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy hải sản của huyện.
Tiếp tục tìm hiểu, PV phát hiện đã có những “ưu ái” đặc biệt từ phía UBND, Sở TN&MT tỉnh Nam Định dành cho Xuân Thủy. Đó là việc thay đổi, bổ sung giấy phép khai thác vào năm 2017 nhằm “giúp đỡ, tạo điều kiện” cho DN vươn “vòi rồng” trên sông Hồng, từ đó gây ra hàng loạt lùm xùm, tai tiếng trong hoạt động khai khoáng mà Báo PLVN đã phản ánh.
Một cán bộ thuộc Phòng CSGT Đường thủy (PC68 – Công an tỉnh Nam Định) cho biết: “Những năm trước Xuân Thủy chủ yếu khai thác cát phục vụ nuôi thả ngao vạng tại huyện Giao Thủy. Đến năm 2017 UBND tỉnh cấp thêm quyền cho công ty này được sử dụng cát khai thác phục vụ san lấp thi công dự án giao thông trọng điểm là tuyến đường 489C. Tuy vậy thì việc san lấp lòng đường bằng lớp cát đen này hầu như đã kết thúc từ sau Tết 2018 vừa rồi”.
Như vậy, với cớ cung cấp vật liệu san lấp lòng đường 489C phục vụ dự án trọng điểm của tỉnh, Sở TN&MT Nam Định đã “ưu ái” sửa đổi, bổ sung giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Xuân Thủy. Đến nay, việc san lấp lòng đường 489C đã hoàn thành nhưng DN vẫn khai thác cát để bán.
Theo quy định tại Giấy phép số 2174/GP-STNMT, Xuân Thủy chỉ được phép tiến hành hoạt động khai thác cát theo giấy phép này, sau khi đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.
Tại Quyết định số 2146/QĐ-UBND ngày 29/9/2016 do ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ký ban hành về việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ cát Giao Thiện cũng nêu rõ: “Công ty Xuân Thủy phải có trách nhiệm nộp tiền một lần theo đúng quy định”. Như vậy, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản Công ty Xuân Thủy phải nộp gần 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tài liệu từ Chi cục Thuế huyện Giao Thủy, tính đến ngày 8/8/2017 (sau gần 4 năm khai thác - PV), DN này mới nộp 400 triệu đồng.
Thay vì yêu cầu DN chấp hành nghĩa vụ tài chính, Sở TN&MT Nam Định lại “tạo điều kiện” cho Xuân Thủy tiếp tục khai thác theo hình thức “trả góp”, có nghĩa DN vừa khai thác vừa “túc tắc” trả nợ tiền cấp quyền khai thác.
Khi thời hạn cấp phép khai thác cát lần đầu sắp hết, đại diện Công ty Xuân Thủy cho biết hiện DN này đang làm các thủ tục gia hạn thời gian khai thác.
PV đặt câu hỏi quá trình xin gia hạn giấy phép có cần đánh giá lại trữ lượng mỏ cũng như tác động môi trường không hay? Đại diện DN Xuân Thủy trả lời “chắc là không cần. Cát ở mỏ đó cũng ít ấy mà”.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc.