Tòa xử ngược với chính quyền
Theo diễn biến vụ việc, suốt 10 năm qua, gia đình bà Lê Thị Thơ tranh chấp với bà Lê Thị Quỳnh Trâm con đường dẫn vào đất bà Trâm (tại KV 7, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Nguyên nhân là bởi đường đi tới thời điểm này chỉ có trên giấy tờ, chưa từng tồn tại trên thực địa và mâu thuẫn với bản đồ địa chính.
Bản đồ địa chính năm 1996, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) và diện tích thực tế thể hiện, vợ chồng bà Thơ sở hữu thửa đất số 382, tờ bản đồ số 17, mặt tiền hướng Tây, giáp đường Lạc Long Quân (Quốc lộ 1A), ba mặt còn lại đều giáp với nhà và đất các hộ dân. Trong đó, cạnh Nam thửa đất giáp với nhà ông Nguyễn Hồng Hậu, trên bản đồ là thửa 387, hơn 20 năm qua xung quanh thửa đất không có biến động.
Năm 2011, bà Lê Thị Quỳnh Trâm được UBND TP Quy Nhơn cấp GCN QSDĐ cho hai thửa 391 + 392 (nay là thửa 490-PV), nằm liền kề hướng Đông thửa 382 của bà Thơ. Trong đó có thể hiện “đường đi chung rộng 2,5 m”, nối từ đường Lạc Long Quân vào hai thửa đất bà Trâm, tiếp giáp cạnh Nam thửa đất bà Thơ. Việc cấp quyền đường đi như trên khiến hai hộ trở nên mâu thuẫn gay gắt.
Năm 2018, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, công nhận lối đi nối từ đất bà Trâm ra đường Lạc Long Quân, chiều rộng lối đi lúc này giảm xuống còn 1,8 m. Đầu năm 2019, bà Trâm được Sở TN&MT cấp đổi GCN QSDĐ, với lối đi rộng 1,8 m, dài gần 50 m. Tháng 9/2019, bà Trâm khởi kiện ra Tòa yêu cầu phía bà Thơ chấm dứt hành vi cản trở việc sử dụng lối đi.
|
Bản đồ địa chính năm 1996 cho thấy các thửa đất 382, 387, 388 nằm tiếp giáp nhau. |
Bản án số 119/2020/DS-ST ngày 25/8/2020 của TAND TP Quy Nhơn khẳng định: không có việc chồng lấn lối đi được cấp cho bà Trâm với thửa đất 382 của hộ bà Thơ, đồng thời công nhận quyền sử dụng lối đi cho bà Trâm. “Theo bản đồ đo đạc năm 1996, lối đi đang tranh chấp thuộc thửa đất số 387, tờ bản đồ số 17…”, bản án nhận định.
Nhận định trên của TAND TP Quy Nhơn trái ngược với những gì cơ quan chức năng từng khẳng định. Cụ thể, Thanh tra TP Quy Nhơn trong báo cáo số 52/BC-TTr ngày 08/05/2014, khi xác minh một số nội dung liên quan đến thửa đất 382 của hộ bà Thơ, cho rằng: “phía Nam thửa đất bà Thơ không còn tiếp giáp với đất trống và cũng không có đường luồng đi mà tiếp giáp nhà ông Hậu. Như vậy, phần đất trống ở phía Nam đã được Nhà nước cân đối giao quyền cấp Giấy chứng nhận cho hộ bà Thơ năm 2001 tại thửa đất số 382, tờ bản đồ 17”.
Năm 2016, UBND TP Quy Nhơn tại văn bản số 173/BC-UBND ngày 29/7/2016 khẳng định: “thửa đất 382 của hộ bà Thơ có mặt tiền tiếp giáp đường Lạc Long Quân, các mặt còn lại đều tiếp giáp với nhà dân (trong đó mặt Nam giáp nhà ông Hậu – PV). Bản đồ địa chính không thể hiện lối đi nào ở bên cạnh thửa đất của bà Thơ, không thể hiện phần đất đường luồng ở phía Nam như giấy chứng nhận đã cấp cho bà Trâm hiện nay”.
Căn cứ bản đồ địa chính 1996 có thể thấy khẳng định của Thanh tra TP Quy Nhơn, UBND TP Quy Nhơn cũng đồng nghĩa với việc thửa đất số 387 chính là ngôi nhà của ông Hậu. Điều này hoàn toàn phù hợp với ý kiến của UBND phường Trần Quang Diệu, phù hợp thực tế sử dụng đất, nhận được sự đồng tình của các hộ dân. Trong khi đó, các nội dung và nhận định trong bản án sơ thẩm có nhiều mâu thuẫn.
TAND TP Quy Nhơn cho rằng ông Hậu trong biên bản lấy lời khai có trình bày ngôi nhà ông đang sử dụng thuộc thửa đất 388, tờ bản đồ số 17, chứ không phải là thửa 387 như phía bà Thơ khẳng định. Tuy nhiên, trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Hậu khẳng định ông “không trình bày, khai báo gì với tòa” (?!) Trong khi đó, liên quan thửa đất số 388, ông Lê Quang Thụy khẳng định với phóng viên rằng đây là thửa đất đã được cấp GCN QSDĐ cho ông, chính là ngôi nhà ông đang sử dụng.
|
Thanh tra TP Quy Nhơn khẳng định thửa đất 382 của hộ bà Thơ giáp nhà ông Hậu. |
Lời khẳng định của ông Thụy dựa trên GCN QSDĐ số BP 941093, mà UBND TP Quy Nhơn đã cấp cho ông Thụy và bà Lê Thị Thanh Thủy ngày 20/3/2014. Cũng theo chú thích trên Giấy chứng nhận này, thửa đất ông Hậu nằm bên cạnh thửa 388. Nếu việc cấp Giấy chứng nhận QSSĐ cho ông Thụy là đúng thì không thể có chuyện thửa đất của ông Hậu cũng là thửa 388 như TAND TP Quy Nhơn khẳng định.
Với nhận định thửa đất của ông Hậu là thửa 388, TAND TP Quy Nhơn tiếp tục làm nảy sinh mâu thuẫn, phức tạp tình hình bởi theo lẽ thường không thể có việc hai ngôi nhà tách biệt, trên hai mảnh đất tách biệt, lại cùng chung một số hiệu trên giấy tờ. Các đương sự và dư luận sẽ phải hiểu thế nào về trường hợp này và liệu nội dung bản án có cuốn thêm những hộ xung quanh vào vòng tranh chấp, mâu thuẫn không đáng có?
Đất đang tranh chấp vẫn được cấp sổ đỏ
Trở lại thời điểm 10 năm trước, liên quan chuyện bà Trâm yêu cầu được sử dụng lối đi dẫn thẳng từ đường Lạc Long Quân vào mảnh đất bà mua đấu giá, dài gần 50 m, năm 2011 chính quyền địa phương đã nhiều lần phản đối vấn đề này. Tại văn bản số 75/UBND-ĐC ngày 04/08/2011, UBND phường Trần Quang Diệu đề nghị các cơ quan chức năng thành phố tạm dừng việc cấp GCN QSDĐ cho bà Trâm để chờ giải quyết tranh chấp, hoặc không cấp diện tích đất đường đi nói trên cho bà Trâm.
Vài ngày sau, UBND phường Trần Quang Diệu có văn bản số 77/UBND-ĐC, tiếp tục khẳng định, thửa đất 382 của gia đình bà Thơ sở hữu từ giai đoạn 1996 đến thời điểm bấy giờ không có chỉnh lý biến động. Trên bản đồ địa chính cũng không hề thể hiện đường đi từ thửa đất bà Trâm nối thẳng ra đường Lạc Long Quân. UBND phường đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai TP Quy Nhơn không tham mưu cấp chồng Giấy chứng nhận QSDĐ.
Mặc dù phường Trần Quang Diệu đã có nghề nghị như vậy nhưng đến tháng 9/2011, UBND TP Quy Nhơn vẫn cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Trâm, trên đó có “đường đi chung rộng 2,5 m”. Ngoài chuyện con đường đột ngột xuất hiện, cái tên “đường đi chung” cũng gây bức xúc khi nó dẫn thẳng vào đất riêng của bà Trâm. Chính việc này khiến mâu thuẫn giữa hai hộ dân thêm gay gắt, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa bàn.
Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sau đó nhiều lần khẳng định con đường đi cấp cho bà Trâm là mâu thuẫn với bản đồ địa chính và thực trạng sử dụng đất. Trong khi đó, thửa đất của bà Trâm đã có lối đi khác, phù hợp thực tế sử dụng. Điều này đồng nghĩa việc, sau khi được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ năm 2011, phần đất bà Trâm có tới hai lối đi.
Năm 2018, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, công nhận lối đi nối từ đất bà Trâm ra đường Lạc Long Quân, chiều rộng lối đi lúc này giảm xuống 1,8 m, chiều dài gần 50 m. Đầu năm 2019, bà Trâm được cấp đổi GCN QSDĐ, với con đường đi từ trước đến nay chưa hề có trên thực tế. Như vậy, bà Trâm hai lần được cấp, cấp đổi GCN QSDĐ trong khi tranh chấp giữa bà và bà Thơ chưa được giải quyết dứt điểm.
Liên quan diễn biến vụ kiện, bà Thơ đã có đơn kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Hiện vụ án đang được TAND tỉnh Bình Định giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
“Mảnh đất 382 của chúng tôi giáp với tường nhà ông Hậu, ranh giới ổn định suốt mấy chục năm qua, chính quyền thành phố Quy Nhơn đã khẳng định việc này. Giờ công nhận con đường cho bà Trâm thì con đường không thể chồng lên nhà ông Hậu mà sẽ chồng lấn lên mảnh đất của chúng tôi”, bà Thơ bức xúc.