Vụ hàu thắng lớn ở Đất Mũi

Cuối tháng 8, phần lớn lồng bè nuôi hàu thương phẩm tại vùng rừng ngập mặn Cà Mau đã thu hoạch. Đây cũng là một trong những vụ nuôi thành công nhất kể từ khi nghề nuôi loại giáp sát này phát triển mạnh tại Cà Mau. Vụ hàu năm 2013 nuôi không bị bệnh, rủi ro thấp, giá cả đầu ra tương đối ổn định…

Cuối tháng 8, phần lớn lồng bè nuôi hàu thương phẩm tại vùng rừng ngập mặn Cà Mau đã thu hoạch. Đây cũng là một trong những vụ nuôi thành công nhất kể từ khi nghề nuôi loại giáp sát này phát triển mạnh tại Cà Mau. Vụ hàu năm 2013 nuôi không bị bệnh, rủi ro thấp, giá cả đầu ra tương đối ổn định…

Bè nuôi hàu lồng của HTX Đất Mũi
Bè nuôi hàu lồng của HTX Đất Mũi

Một vốn, hơn 4 lời

Dân nuôi hàu lồng nhiều nhất tại Cà Mau tập trung chủ yếu địa bàn xã Đất Mũi của huyện Ngọc Hiển. Ngoài hàng trăm lồng nuôi hàu của những hộ nuôi nhỏ lẻ, nơi đây còn có HTX nuôi hàu lồng quy mô lớn. Vụ hàu 2013 này, HTX nuôi hàu lồng Đất Mũi thả 200 tấn hàu giống (mỗi ki-lô-gam 5.000 đồng) cho 17 bè nuôi (khoảng 680 lồng nuôi hàu).

Phần lớn số hàu đã được thu hoạch sau 7 tháng thả nuôi, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại TP.HCM, giá từ 15-20 ngàn đồng mỗi ki-lô-gam. Theo lời anh Nguyễn Văn Hôn - Chủ nhiệm HTX nuôi hàu lồng Đất Mũi, nếu bán hết lượng hàu còn lại của HTX thì sản lượng hàu thu được ở vụ nuôi này khoảng 500 tấn, tổng thu không dưới 8 tỷ đồng, lời hơn 4 tỷ.

Hợp tác xã nuôi hàu lồng xã Đất Mũi thành lập và đi vào hoạt động từ giữa năm 2007, có 25 xã viên. Nhờ nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nên sau gần 7 năm hoạt động, lượng xã viên tăng lên 40 hộ, số bè nuôi hàu hiện tại tăng lên hơn gấp đôi lúc ban đầu. Đây cũng là một trong những mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả của huyện Ngọc Hiển, không chỉ góp phần giúp xã viên nuôi hàu trong HTX từ chỗ đủ ăn vươn lên khấm khá mà còn góp phần giải quyết việc làm thời vụ cho rất nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.

“Lúc mới thành lập, HTX nuôi hàu lồng Đất Mũi có 5 hộ xã viên thuộc diện nghèo. Nhờ được địa phương hỗ trợ vay vốn để hùn vào HTX mà 5 hộ ấy giờ đã thoát nghèo, ngấp nghé ngưỡng khá. Con em xã viên trong HTX còn có thêm việc làm vì mới đây HTX này mở rộng thêm nghề về xây dựng” – anh Ngô Minh Toại, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi nhận xét.

Mở rộng "đầu ra" cho hàu

Người nuôi hàu lồng đầu tiên tại huyện Ngọc Hiển là anh Phạm Thanh Trí, ngụ ấp Kinh Đào, xã Đất Mũi - hiện là xã viên HTX nuôi hàu lồng Đất Mũi. Trải lòng cùng chúng tôi, anh Trí cho hay, khoảng 7 năm về trước anh có dịp tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở một số tỉnh ven biển miền Trung và biết được hiệu quả kinh tế của nghề nuôi hàu lồng. Nhận thấy sông rạch ở Đất Mũi gần mé biển, nguồn nước tốt nên sau chuyến tham quan thực tế ấy, anh rủ thêm vài hộ lân cận hùn vốn đóng bè, làm lồng nuôi hàu. Non kinh nghiệm, anh Trí cầm hòa vốn vụ nuôi đầu tiên nhưng ở vụ nuôi năm kế tiếp, những hộ hùn hạp chung với anh ai cũng lời nhiều. Bản thân anh nuôi 30 lồng, vụ ấy thu lời trên 100 triệu đồng.

Sau lần nuôi thành công ấy, nhiều hộ trong vùng và một số vùng có điều kiện phù hợp ở huyện Ngọc Hiển tìm đến tận nhà anh Trí học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi hàu để về nhà áp dụng thử nghiệm. Bản thân gia đình anh Trí cũng mạnh dạn mở rộng quy mô lên 125 lồng nuôi hàu. Không lâu sau, UBND xã Đất Mũi tập hợp những người cùng nghề thành lập HTX nuôi hàu lồng Đất Mũi.

Anh Trí chia sẻ: “Con hàu ăn phù du qua nguồn nước nên không tốn tiền thức ăn cho chúng. Bề ngoài thấy hàu dính rong rất dơ nhưng chúng thích ở sạch. Vì vậy, khoảng 1-2 tháng phải kiểm tra, vệ sinh lồng một lần. Con hàu cũng bị bệnh nếu nguồn nước sông, rạch ô nhiễm. Trong trường hợp ấy thất thoát lớn nhưng chưa có cách phòng. Đây là một trong 2 rủi ro lớn mà dân nuôi hàu lồng phải đối mặt”.

Theo lí giải của anh Nguyễn Văn Hôn - một trong những người nuôi hàu lồng đầu tiên ở Đất Mũi, rủi ro thứ hai mà người nuôi hàu lồng chưa phòng tránh được đó là đầu ra của hàu thương phẩm. Bởi ngoài Đất Mũi, nghề nuôi hàu đã phát triển mạnh ở vùng lân cận của Ngọc Hiển và vùng có nguồn nước sông mặn quanh năm như: Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân.

“Nuôi không cần cho ăn nên hộ nuôi hàu ngày càng nhiều, tiêu thụ nội địa lại thu hoạch cùng thời điểm nên khó tránh khỏi tình trạng “đụng hàng, dội chợ”, giá cả bấp bênh. Trong quá khứ, HTX đã gặp tình cảnh này khi hàu thương phẩm chỉ bán được 8.000 đ/kg” – anh Hôn lo lắng.

Để tháo gỡ khó khăn đầu ra, theo kế hoạch của HTX nuôi hàu lồng Đất Mũi, trong năm 2014, HTX này sẽ mở rộng thêm ngành nghề dịch vụ, trưng bày, quảng bá sản phẩm cho khách tham quan du lịch biết thêm đặc sản hàu Đất Mũi cũng như một số sản phẩm miền biển khác của địa phương.

Anh Hôn cho biết: Thế mạnh của HTX là nằm gần khu du lịch Mũi Cà Mau, khách tham quan khá đông. Vì vậy, HTX sẽ mở gian trưng bày sản phẩm về con hàu cùng các đặc sản khác như ba khía, mắm cá cơm… để khách thập phương ghé tham quan, thưởng thức, mở rộng đầu ra cho con hàu Đất Mũi, cả thị trường nội địa và cơ hội để nó được một lần “xuất ngoại”.

Hơn 5 năm gần đây, nghề nuôi hàu lồng phát triển mạnh ở một số huyện ven biển của Cà Mau, nhiều nhất là Ngọc Hiển. Chưa có thống kê cụ thể số lượng bao nhiêu bè nuôi hàu nhưng ước toàn tỉnh ít nhất cũng trên 100 bè với hơn 3.000 lồng nuôi hàu. Con hàu thích nghi và sinh trưởng tốt ở vùng ngập mặn Cà Mau, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nhiều gia đình vươn lên khá giàu – ông Tiết Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau cho biết.

Ngọc Long

Đọc thêm