Vụ hòa giải cho kẻ cướp và bị hại: Vấn đề pháp lý đặt ra xung quanh việc “chỉ đạo miệng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Báo cáo với cấp có thẩm quyền, nhiều cán bộ, lãnh đạo Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng Công an quận Tây Hồ (thời điểm đó), đã chỉ đạo bằng miệng không giữ hình sự, cho kẻ cướp cam kết rồi ra về. Vụ việc đặt ra những vấn đề pháp lý xung quanh việc “chỉ đạo miệng” của Đại tá Phùng Anh Lê? 
Vụ hòa giải cho kẻ cướp và bị hại: Vấn đề pháp lý đặt ra xung quanh việc “chỉ đạo miệng”

“Cho” kẻ cướp và bị hại hòa giải?

Đến cuối tháng 5, Công an TP Hà Nội vẫn đang đình chỉ công tác với ông Phùng Anh Lê, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội và ông Phạm Quý Hải, Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội) để phục vụ điều tra liên quan đến vụ Công an quận Tây Hồ hòa giải cho kẻ cướp và bị hại. 

Theo hồ sơ, năm 2016, Nguyễn Hữu Tài (28 tuổi, trú quận Ba Đình, TP Hà Nội) kinh doanh hoạt động tín dụng đen có cho anh N.C.T vay 10 triệu đồng. Sau khi trả lãi và một phần gốc, anh T vẫn nợ Tài 4 triệu đồng.

Chiều 21/9/2016, nhóm của Tài phát hiện anh T ở khu vực phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) nên vây lại để ép anh T trả nợ. Thấy anh T vùng chạy, nhóm của Tài đuổi đánh, rồi khống chế lên xe máy đưa đến địa điểm khác. Trong quá trình di chuyển, anh T đã vùng thoát và chạy vào trụ sở Công an phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Sáng 22/9/2016, bị Công an quận Tây Hồ triệu tập, Tài đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Tài bị tạm giữ hình sự để điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật rồi lại được tha về. Những ngày sau đó, Công an quận Tây Hồ đã mời Tài và anh T đến trụ sở để hòa giải. Tài đã bồi thường cho anh T 15 triệu đồng và thay lại màn hình điện thoại cho anh T do nhóm của Tài ném vỡ.

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án cướp tài sản ra xét xử. Theo đó, Tài bị tuyên án 24 tháng tù giam về tội “Cướp tài sản”; 4 đồng phạm khác bị từ 15 tháng tù đến hưởng án treo.

Trở lại với báo cáo của một số cán bộ Công an, trong đó Trung tá V.C.N (Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Tây Hồ) cho biết, sau khi tiếp nhận vụ việc có dấu hiệu bắt giữ người trái luật vào tháng 9/2016 thì tối cùng ngày, Tài đã đến Công an quận Tây Hồ viết đơn đầu thú. Trong quá trình thu thập tài liệu chứng cứ và đánh giá, Trung tá N cùng Điều tra viên P.T.H. có cùng quan điểm hành vi của Tài cùng đồng bọn có dấu hiệu của tội “Bắt giữ người trái luật” đối với anh T. Sau đó, cán bộ H đã đề xuất lãnh đạo Công an quận về việc ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Tài.

Tuy nhiên, sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu hồ sơ, Đại tá Lê đã đánh giá tài liệu, chứng cứ để giữ đối tượng Tài là yếu, không có căn cứ. Sau đó, Đại tá Lê đã chỉ đạo bằng miệng là không tạm giữ hình sự đối với Tài và phê bình Trung tá N. về cách nhận định không đúng người đúng tội, dễ dẫn đến oan sai.

Tương tự, theo báo cáo của Thượng tá Phạm Quý Hải, Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ, sau khi tiếp nhận vụ việc công dân trình báo bị bắt giữ trái luật do mâu thuẫn trong việc đòi nợ nhau. Bản thân ông đã báo cáo Đại tá Lê và yêu cầu thuộc cấp thụ lý giải quyết theo quy định.

Tiếp đó, Thượng tá Hải yêu cầu cấp dưới hoàn thiện thủ tục để ký quyết định tạm giữ Tài về hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật”. Tuy nhiên, khi cấp dưới chưa kịp trình ông ký quyết định thì các cán bộ liên quan báo cáo lại rằng, Đại tá Lê thấy việc giữ hình sự đối với Tài là chưa đủ căn cứ nên chỉ đạo bằng miệng không giữ hình sự, cho Tài về và cam kết khi nào cơ quan Công an triệu tập phải có mặt…

Phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền

Trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS đánh giá, theo thông tin trên báo chí, việc Đại tá Phùng Anh Lê, khi đó là Trưởng Công an quận Tây Hồ có “chỉ đạo miệng” về việc không tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Hữu Tài mới chỉ là nội dung báo cáo của các cán bộ, lãnh đạo Công an quận Tây Hồ. Nội dung chính xác của vụ việc ra sao còn phải chờ vào kết luận chính thức cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền.

Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (đang có hiệu lực vào thời điểm xảy ra vụ án vào năm 2016) thì Thủ trưởng cơ quan điều tra có nhiệm vụ và quyền hạn: “Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra”; “Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quyết định không khởi tố vụ án; quyết định nhập hoặc tách vụ án”; “Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn". 

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, không có quy chế “chỉ đạo miệng” trong điều tra, tố tụng hình sự. Việc chỉ đạo phải đúng quy định tại Điều 33 Thông tư số 28/2014/TT-BCA ngày 7/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân. 

Còn nếu các cơ có thẩm quyền chứng minh được việc “chỉ đạo miệng” này của Đại tá Lê là có thật thì cũng phải làm rõ nguyên nhân, động cơ và mục đích của việc chỉ đạo này, là xuất phát từ nhận định thuần túy về mặt chuyên môn, nghiệp vụ hay cố tình bao che, bỏ lọt tội phạm cũng như những tác động tiêu cực (nếu có) của chỉ đạo này đến việc bỏ lọt tội phạm. 

Nếu có hành vi cố tình bỏ lọt tội phạm thì vụ việc đã có dấu hiệu của tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo quy định tại Điều 294 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (là Bộ luật đang có hiệu lực vào thời điểm xảy ra vụ việc vào năm 2016), với hình phạt quy định cho tội danh này là bị phạt tù từ 6 tháng đến cao nhất là 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trao đổi với báo chí, ông Phùng Anh Lê phản bác, những báo cáo về việc ông “chỉ đạo miệng” trong vụ việc trên là không chính xác và thông tin này khi được đăng tải đã ảnh hưởng lớn tới uy tín, danh dự của cá nhân ông cùng gia đình. “Tôi có niềm tin sắt đá vào các cơ quan thực thi pháp luật, tin rằng có một ngày, vụ việc liên quan tôi sẽ được làm sáng tỏ”, Đại tá Phùng Anh Lê khẳng định.
  

Đọc thêm