Liên quan đến vụ việc cô giáo bắt bạn học tát một nam sinh 231 cái phải nhập viện, trả lời câu hỏi, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) có chỉ đạo cán bộ làm công tác trẻ em tham gia giám hộ nạn nhân hay không, ông Đặng Hoa Nam cho biết, hiện nay theo Luật Trẻ em và Nghị định 56/ 2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật thì chính quyền xã, phường nơi xảy ra vụ việc cần lập kế hoạch can thiệp, bảo vệ nạn nhân và trên cơ sở đó cán bộ là công tác trẻ em ở xã, phường sẽ có trách nhiệm phối hợp.
“Nhưng hiện nay ở nhiều xã, phường, đội ngũ cán bộ trẻ em còn rất mỏng, thiếu người. Còn ở vụ việc cụ thể ở Quảng Bình, cán bộ trẻ em sẽ tham gia vào quá trình điều tra và tố tụng nếu như có yêu cầu từ cơ quan chức năng theo quy định của luật”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, về mặt luật pháp, hành vi của cô Thủy đã xúc phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác (cụ thể ở đây là cháu N.) mới chỉ 11 tuổi, đang ở độ tuổi mới lớn, ở độ tuổi phát triển mạnh về tâm sinh lý. Vì vậy, không chỉ xử lý nghiêm khắc trong ngành Giáo dục mà cơ quan chức năng cần vào cuộc để xem xét, xử lý hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Ông Nam cho rằng, ở khía cạnh đạo đức, vụ việc gây phản cảm, phản giáo dục, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo bởi thay vì phải yêu thương, giáo dục học sinh thì giáo viên này lại dùng những học sinh khác trong lớp để bạo hành chính bạn của mình, gây tổn thương lớn về tâm lý của em học sinh bị tát cũng như các học sinh là bạn cùng lớp đã tát bạn.
Do đó, ngành Giáo dục cần phải tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường bằng cách thực hiện nghiêm túc Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. “Vụ việc này không chỉ có vấn đề ở phương pháp sư phạm, đạo đức nghề giáo mà còn cho thấy tâm lý của giáo viên cũng bất thường. Vì vậy, đề nghị ngành Giáo dục đẩy mạnh các biện pháp về vấn đề tâm lý trong học đường cho cả giáo viên lẫn học sinh. Xa hơn nữa là hướng tới một môi trường giáo dục lành mạnh” – ông Nam nhấn mạnh.
Ngày 26/11, đại tá Đoàn Thanh Tuyên – Trưởng Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, đã khởi tố vụ án “hành hạ và làm nhục người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự để điều tra việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 6/2, Trường THCS Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh).
Cũng trong ngày 26/11, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã lập tổ công tác làm việc với Phòng Giáo dục huyện Quảng Ninh, Trường THCS Duy Ninh và cô giáo Thuỷ. Cô Thuỷ đã thừa nhận sự việc nói trên. Tổ công tác sẽ làm rõ trước đó cô Thuỷ có phạt các học sinh khác như thế hay không. Cô Thủy cũng đã bị tạm đình chỉ công tác dạy học từ trước đó.
Trong một diễn biến khác, Tỉnh ủy Quảng Bình đã có công văn truyền đạt ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang nêu quan điểm về vụ việc: “Đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành Giáo dục và dư luận xã hội” và yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh này, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 5/12 đã bị CQĐT Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình khởi tố hình sự làm rõ hành vi Hành hạ người khác.
Với vụ việc này, Công an huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã khởi tố vụ án hình sự với tội danh hành hạ người khác. Như vậy, những học sinh trong vụ việc sẽ tham gia vào quá trình điều tra và tố tụng xử lý hình sự (nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm). Theo pháp luật về trẻ em và về tố tụng hình sự, bên cạnh cha mẹ là người giám hộ hợp pháp cho các em thì cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cũng có thể tham gia giám hộ trong quá trình các em tham gia vào quá trình điều tra và tố tụng xử lý hình sự (nếu cần).