Khởi kiện rồi... để đấy?
Đại diện Công ty Thành Nam cho biết, Posco VTS đã 3 lần gửi đơn khởi kiện với cùng một nội dung yêu cầu Thành Nam trả khoản nợ hơn 58 tỷ đồng phát sinh từ các hợp đồng mua bán thép giữa hai bên. Tuy nhiên, dường như Posco VTS vẫn chưa có đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh khoản tiền công ty Thành Nam nợ mình.
Một điều khá lạ lùng nữa là Posco VTS đi khởi kiện để đòi quyền lợi cho mình nhưng chính doanh nghiệp này đã nhiều lần tìm cách trì hoãn, không tham gia tố tụng tại phiên tòa, thậm chí người đại diện cho doanh nghiệp tham gia tố tụng còn làm giả hồ sợ bệnh án để “trốn tránh” tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập.
Ngày 05/01/2018, TAND quận Nam Từ Liêm đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tại bản án số 02/2018/KDTM-ST, Toà án đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do hết thời hiệu khởi kiện.
Sau khi Toà án nhân dân quận Nam Từ Liêm xét xử sơ thẩm, Posco VTS đã kháng cáo đối với bản án trên. TAND TP Hà Nội đã xét xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển toàn bộ hồ sơ cho TAND quận Nam Từ Liêm để giải quyết lại theo thủ tục chung. Tuy nhiên sau đó TAND TP Hà Nội đã quyết định rút hồ sơ vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” này lên để giải quyết.
Vụ án đã kéo dài suốt 4 năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong thời gian hơn 4 năm vướng vào vòng tố tụng, Công ty Thành Nam nhiều lần phản ánh trên các cơ quan thông tấn báo chí rằng vụ án kéo dài đã khiến Công ty bị thiệt hại về kinh tế; làm sụt giảm uy tín, thương hiệu của Công ty với các đối tác, khách hàng.
Biên bản xác minh của Tòa án. Ảnh: Congly.vn |
Posco VST cho rằng khoản công nợ hơn 58 tỷ được phát sinh từ hoạt động mua bán hàng hóa giữa hai bên trong giai đoạn từ năm 2012 – 2013 và các bên có thông lệ thanh toán theo biên bản đối chiếu công nợ. Do vậy, Posco VST căn cứ vào Biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/11/2013 do kế toán trưởng của hai bên ký để xác định khoản nợ trên. Điều đáng nói, Biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/11/2013 lại dựa trên các hóa đơn đã xuất để xác định công nợ chứ không căn cứ vào các biên bản giao nhận hàng hóa, các phiếu xuất kho và nhập kho hàng hoá thực tế giữa hai bên.
Nhiều mâu thuẫn trong hồ sơ khởi kiện
Theo đại diện công ty Thành Nam, mặc dù Posco VST khởi kiện đòi nợ nhưng lại không làm rõ được khoản nợ trên phát sinh chính xác từ những hợp đồng nào, hóa đơn nào; không xuất trình được các biên bản giao hàng hoá, phiếu xuất kho hàng hoá có giá trị tương đương với khoản nợ.
Posco VST chỉ xuất trình được số hóa đơn đã xuất cho Thành Nam từ 2010 đến 2013 cùng với 9 hợp đồng và các biên bản đối chiếu công nợ để quy kết Thành Nam nợ mình số tiền trên. Vì vậy mới có sự mâu thuẫn về số tiền, thể hiện ở chỗ Posco VST đòi nợ Thành Nam hơn 58 tỷ đồng nhưng tổng giá trị hàng hoá trong 9 hợp đồng mua bán thép giữa hai bên chỉ có trị giá là 53.302.866.117 đồng. Trong khi đó, tổng giá trị hàng hoá theo 131 Hóa đơn (các hóa đơn đã xuất cho 9 hợp đồng này) lại là 59,853,363,120 đồng.
Trong quá trình giao dịch, mua bán thép với nhau, Thành Nam đã nhiều lần xuất hoá đơn trả lại hàng hoá cho của Posco VST. Đại diện Thành Nam cho rằng số hàng hóa trả lại này chính là số lượng hàng hoá Posco VST đã xuất khống cho Thành Nam trước đó với mục đích ghi nhận doanh số bán hàng giúp cho Posco VST. Song những con số này cũng không chính xác và có sự mâu thuẫn giữa các chứng từ.
Cụ thể, trong biên bản đối chiếu công nợ, giá trị hàng hoá Thành Nam trả lại Posco VST là 108,439,884,706 đồng, còn theo hồ sơ khởi kiện của Posco VST giao nộp cho Toà án thì con số này lại là 109,455,264,494 đồng.
Đại diện công ty Thành Nam cũng cho rằng, trong số các hợp đồng mà Posco VST nộp kèm đơn khởi kiện có nhiều hợp đồng đã được ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán. Vì vậy, trường hợp Thành Nam không thanh toán tiền mua hàng theo thoả thuận thì đáng lẽ ra Posco VST phải yêu cầu ngân hàng thanh toán cho mình chứ không phải là đi khởi kiện đòi nợ Thành Nam.