Vụ kiện Vinasun và Grab: Bản án tạo tiền lệ xấu với những hệ quả khó lường

(PLO) - Năm 2018 khép lại với nhiều vụ án đáng được xếp vào hàng “án điểm” của nền tư pháp Việt Nam, trong đó không thể không nói đến vụ kiện giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab). Tòa án TP HCM đã tuyên một bản án gây tranh cãi trong dư luận khi chấp nhận đơn khởi kiện của Vinasun với mức bồi thường mà Grab phải chịu bằng hơn 10% yêu cầu khởi kiện. Vụ án đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm bởi bất cứ doanh nghiệp vận tải nào cũng có thể dựa vào bản án này để kiện Grab và đòi bồi thường.
Vụ kiện Vinasun và Grab: Bản án tạo tiền lệ xấu với những hệ quả khó lường
Liên tục trong nhiều năm qua, khi hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi xe dựa trên các ứng dụng điện thoại di động để kết nối người cung cấp dịch vụ vận tải với khách hàng là Uber và Grab ra đời và phát triển mạnh mẽ cả về lượng người dùng và số lượng phương tiện cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, các hãng taxi truyền thống bắt đầu sụt giảm hành khách và doanh thu. Không những vậy, Công ty cổ phần Ánh Dương là doanh nghiệp vận tải niêm yết trên thị trường chứng khoán còn mất đi hàng chục tỷ đồng do giá trị cổ phiếu giảm bởi tác động của sự sụt giảm của doanh số và lợi nhuận.

Xu hướng quay lưng với dịch vụ taxi truyền thống của người dùng dịch vụ vận tải dưới 9 chỗ tiếp tục gia tăng khi dịch vụ của Grab và Uber không chỉ chiếm ưu thế về giá, sự tiện lợi mà việc không bị áp dụng một số hạn chế dành riêng cho taxi cũng khiến cho lợi thế cạnh tranh của Grab và Uber trở nên “tuyệt đối” so với các hãng taxi truyền thống. Sau khi Uber rút khỏi Đông Nam Á, Grab trở thành ông lớn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ gọi xe và thống lĩnh thị trường này khiến cho doanh nghiệp này trở thành đối tượng công kích của các hãng taxi truyền thống.

Dẫn đầu cho cuộc chiến đường phố chống lại Grab là Vinasun, doanh nghiệp vận tải taxi lớn nhất TP Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp này đã quyết định khởi kiện Grab bằng một vụ kiện “đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” với cáo buộc Grab vi phạm quy định của Đề án 24 của Bộ GTVT dẫn đến việc gây thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp này. Mức bồi thường mà Vinasun đòi Grab phải chịu là hơn 41 tỷ đồng.

Vụ kiện Vinasun và Grab: Bản án tạo tiền lệ xấu với những hệ quả khó lường ảnh 1

Luận điểm chính của Vinasun khi tiến hành vụ kiện này là cho rằng, Grab đã vi phạm Đề án 24 của Bộ Giao thông vân tải, gia tăng số lượng phương tiện rất nhanh. Bên cạnh đó, Grab thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá không theo luật để lôi kéo người sử dụng dịch vụ. Hậu quả của việc gia tăng các phương tiện vận tải sử dụng dịch vụ gọi xe của Grab và chính sách khuyến mại “trái luật” đã khiến cho hàng trăm xe của Vinasun phải nằm bãi, doanh thu và lợi nhuận mất đi hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, trước năm 2016, tại TP Hồ Chí Minh toàn thành phố có gần 300 xe đăng ký phù hiệu hợp đồng, đến cuối năm 2017 là 23.000 xe. Tháng 6/2017, Vinasun có trên 1,1 triệu cuốc xe, Grab trên 2 triệu cuốc.  

Vụ kiện diễn ra trong một thời gian dài với quá trình tranh luận về nguyên nhân thiệt hại của Vinasun có phải là do Grab gây ra hay không và Grab có vi phạm luật hay không. Cuối cùng, ngày 28/12/2018, TAND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định cuối cùng về vụ kiện, chấp nhận đơn kiện của Vinasun với mức thiệt hại mà Tòa buộc Grab phải bồi thường là 4,8 tỷ đồng, bằng hơn 10% so với yêu cầu khởi kiện với nhận định rằng, Grab là một nguyên nhân dẫn đến việc Vinasun sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận. Tòa cũng cho rằng cần xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để quản lý, đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh.  

Dù không được chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng việc Tòa buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng cũng khiến cho Vinasun và những người ủng hộ taxi truyền thống hả hê, vui sướng. Ngược lại, rất nhiều ý kiến băn khoăn về phán quyết này của Tòa án khi bản án đã tạo ra một tiền lệ “nguy hiểm” để cho các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực có thể dựa vào bản án này để tiếp tục khởi kiện Grab. Điều quan trọng nhất, bản án này có thuyết phục về mặt pháp lý hay không khi cái lý của vụ kiện “con trâu kiện máy cày” đã không được nêu ra một cách thuyết phục.

Xung quanh phán quyết của Tòa án về vụ việc này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng và Luật sư Lê Văn Kiên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về các khía cạnh pháp lý của vụ kiện “có 1 không 2” này.

Thưa Luật sư Trần Việt Hùng, ông có theo dõi vụ kiện giữa Vinasun và Grab không và, dưới góc độ của một luật sư tham gia giải quyết nhiều các tranh chấp dân sự, thương mại, quan điểm chung của ông về vụ kiện này như thế nào?

- Tôi cũng theo dõi vụ kiện nay qua kênh thông tin đại chúng và nắm bắt những thông tin về vụ việc qua kênh báo chí nên không có điều kiện để xem xét một cách đầy đủ các chứng cứ mà các bên đương sự đã xuất trình ở tòa án để bảo vệ cho lập luận của họ. Do vậy, nếu đánh giá việc tòa án xét xử là đúng hay không đúng là rất khó và không khách quan.

Tuy nhiên, đứng dưới góc độ đánh giá về cách vận dụng các quy định của pháp luật hay bình luận về bản chất vụ việc dưới góc nhìn của một người áp dụng pháp luật để giải quyết các tình huống pháp lý, tôi cho rằng, vụ án còn nhiều vấn đề tranh cãi mà phán quyết của tòa án chưa giải tỏa được những vấn đề mà dư luận quan tâm.

Theo ông, trong vụ việc này thì những vấn đề mà dư luận quan tâm nhất là gì?

- Có hai vấn đề pháp lý mấu chốt trong vụ án này mà người dân nói chung và giới chuyên gia nói riêng cần có câu trả lời thỏa đáng. Thứ nhất, đó là việc Vinasun kiện Grab để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dựa trên cơ sở pháp lý nào; thứ hai, cơ sở pháp lý mà mà tòa án xác định Grab phải bồi thường cho Vinasun bằng một con số cụ thể, trong trường hợp này là 4,8 tỷ đồng, là gì.

Vấn đề dư luận tranh cãi nhiều nhất chính là cơ sở pháp lý để tòa án cho rằng Grab gây ra thiệt hại cho Vinasun và phải bồi thường, vì dường như, trong kinh doanh thì việc tăng, giảm doanh thu thường đến từ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp và buộc đối thủ cạnh tranh trực tiếp phải bồi thường cho kết quả làm ăn bết bát của mình là vấn đề khó chấp nhận được. Vụ việc này lại còn là một vụ việc khá điển hình cho việc ứng dụng và không ứng dụng công nghệ trong kinh doanh. Do đó, đây có thể nói là vụ kiện thế kỷ, giữa hai đại diện của hai xu hướng kinh doanh khác nhau. Do đó, buộc bên này phải bồi thường cho bên kia, dù là 1 đồng thì cũng là vấn đề nghiêm trọng.

Trong thực tế ở các quốc gia khác nhau, vẫn có chuyện các doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp kiện nhau, đó có phải là tiền lệ để Tòa án Việt Nam áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ kiện như kiểu Vinasun kiện Grab, thưa Luật sư?

- Chúng ta đã thấy rất nhiều các công ty đa quốc gia kiện đối thủ cạnh tranh trực tiếp ra tòa để yêu cầu bồi thường. Song, hầu hết các vụ kiện đó đều xác định các vi phạm ngoài hợp đồng nhưng có liên quan đến tài sản trí tuệ. Chẳng hạn Apple (Mỹ) kiện Samsung (Hàn Quốc) liên quan đến kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm  điện thoại; hay các vụ kiện mà các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ kiện đối thủ vi phạm sở hữu trí tuệ mà họ được cấp bằng độc quyền. Đó là các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu và việc xác định thiệt hại là để xác định mức bồi thường.

Vụ việc Vinasun và Grab khác về bản chất. Ở đây, Vinasun cho rằng, Grab phạm luật (vi phạm Đề án 24 và khuyến mại không đúng luật) và kiện Grab ở khía cạnh này. Nghĩa là, Grab không xâm phạm quyền sở hữu về tài sản của Vinasun mà chỉ phạm luật (thực hiện một vi phạm hành chính) có phát sinh trách nhiệm dân sự đối với đối thủ cạnh tranh hay không, chính là vấn đề cần làm rõ trong vụ việc này.

Theo ông, một doanh nghiệp có vi phạm hành chính thì có phát sinh trách nhiệm dân sự với đối thủ cạnh tranh trực tiếp hay không?

- Pháp luật không có nguyên tắc này. Nếu Grab vi phạm Đề án 24 thì Nhà nước xử phạt vi phạm Grab (nếu có quy định về xử phạt) chứ doanh nghiệp khác không thể lấy đó là cơ sở hay lý do đòi bồi thường được vì bản chất, Grab không xâm phạm quyền sở hữu tài sản của đối thủ cạnh tranh. Cái mà Grab lấy đi là “thị phần” là khách hàng. Nhưng, việc khách hàng chọn Grab mà không chọn Vinasun là quyền của khách hàng. Do đó, việc buộc Grab phải bồi thường Vinasun vì lý do này là không thỏa đáng.

Ai cũng hiểu rõ quy luật cạnh tranh là người có ưu thế hơn thì thắng, kẻ yếu thế thì thua. Việc này là quy luật của kinh tế thị trường nên việc can thiệp từ Nhà nước bằng một bản án như vừa tuyên thì thật khó chấp nhận.

Thưa Luật sư Lê Văn Kiên, ông có đồng tình với quan điểm của Luật sư Trần Việt Hùng khi nhận định, đánh giá về việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ kiện này hay không?

- Tôi cũng cho rằng, việc Tòa án xử buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun, dù số tiền là bao nhiêu, cũng là quyết định không phù hợp. Bản án này chưa có hiệu lực vì đã bị kháng cáo, nhưng nếu sau này mà cấp phúc thẩm y án thì đó là một tiền lệ nguy hiểm.

Tại sao ông lại cho rằng, bản án này là một tiền lệ nguy hiểm, thưa ông?

- Tại TP Hồ Chí Minh, Vinasun là doanh nghiệp taxi có thị phần lớn nhất, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xu hướng sử dụng xe công nghệ bằng dịch vụ gọi xe. Những doanh nghiệp khác, cụ thể là Mai Linh cũng không nằm ngoài việc ảnh hưởng này. Nếu bản án này có hiệu lực, ngay lập tức nó sẽ trở thành án lệ và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi (gọi là taxi truyền thống) sẽ khởi kiện Grab và việc của họ chỉ là chứng minh thiệt hại mà không cần phải nêu ra cơ sở pháp lý nữa bởi bản án vừa rồi chính là án lệ mà tòa không thể xử khác.

Điều quan trọng, nếu đó là một án lệ đúng thì việc đồng loạt các hãng taxi truyền thống có thể sử dụng làm căn cứ để kiện Grab. Những, khi cơ sở pháp lý còn thiếu thuyết phục thì rõ ràng, bản án này làm xấu đi môi trường kinh doanh của nước ta.

Vụ kiện Vinasun và Grab: Bản án tạo tiền lệ xấu với những hệ quả khó lường ảnh 4

Theo quan điểm của ông, cơ quan nhà nước cần nhìn nhận, đánh giá mối quan hệ giữa taxi truyền thống và xe công nghệ như thế nào để đảm bảo hài hòa về lợi ích và tránh những vụ kiện như vụ việc vừa qua?

- Grab hay taxi truyền thống kinh doanh dựa trên nền tảng luật pháp. Nếu một trong số các doanh nghiệp vi phạm luật thì nhà nước là cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Nếu nhà nước thiếu các chế tài xử phạt thì tổ chức vi phạm không bị xử phạt theo nguyên tắc “vô luật bất thành tội”. Điều này dĩ nhiên sẽ tạo ra môi trường không bình đẳng trong kinh doanh và những doanh nghiệp được lợi thế hơn bởi sự bất bình đẳng đó sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn.

Việc nhà nước thiếu các quy định về quản lý đối với taxi công nghệ là chuyện không khó hiểu vì đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin và Internet rất mới mà hệ thống luật pháp chưa điều chỉnh kịp, thậm chí là đặt tên cho nó. Do đó, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này được hưởng lợi (chẳng hạn quy định về thuế hay quy tắc tham gia giao thông). 

Sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh khiến cho taxi truyền thống bị ảnh hưởng, giảm thị phần. Song, đó không là căn cứ pháp lý để khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Điều cần làm là nhà nước tạo ra quy định để hạn chế bất bình đẳng chứ không phải là một bản án để tạo sự công bằng thiếu nguyên tắc như vừa qua.

Xin trân trọng cảm ơn các luật sư.

Vụ kiện giữa Vinasun và Grab chưa dừng lại bởi các bên tiếp tục theo đuổi vụ kiện ở cấp cao hơn. Trong vụ việc này, những người vỗ tay ủng hộ taxi truyền thống đang vui mừng bởi phán quyết của tòa án, những người làm taxi công nghệ không khỏi chạnh lòng. Phía người tiêu dùng thì đặt ra câu hỏi, những mất mát của họ khi được hưởng dịch vụ giá ưu việt, tiện dùng thì ai bảo vệ? Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn luận trong những số báo tiếp theo.