Vụ kiện với hệ lụy lớn

(PLVN) - Hãng Google - kẻ khổng lồ trên mạng Internet - vừa bị chính phủ Mỹ chính thức khởi kiện trước tòa án với cáo buộc gây dựng vị thế độc quyền trên thị trường để trục lợi, tức là cạnh tranh không lành mạnh và công bằng. 
Vụ kiện với hệ lụy lớn

Cụ thể ở đây là sử dụng công cụ phần mềm tra cứu của Google trên tất cả các loại thiết bị điện tử, đặc biệt trên điện thoại di động thông minh. Số liệu trên thực tế cho thấy cáo buộc này của chính phủ Mỹ có cơ sở bởi đến gần 95% thị phần về tra cứu trên Internet thông qua các thiết bị điện tử thuộc về Google. 

Cách làm của Google là thỏa thuận ngầm với các hãng chế tạo thiết bị điện tử, đặc biệt các hãng chế tạo điện thoại di động thông minh như Apple, Samsung hay Motorola và trả cho các hãng này số tiền lớn để được độc quyền hiển thị trên các thiết bị này là công cụ tra cứu trên Internet. Vụ kiện này có phần giống như vụ việc chính phủ Mỹ khởi kiện hãng Microsoft với cáo buộc tương tự hồi năm 2001 đối với trình duyệt Internet Explorer của Microsoft.

Vụ kiện mới này sẽ kéo dài nhiều năm nhưng rồi kết quả chắc sẽ là phần thắng thuộc về phía chính phủ Mỹ như Microsoft đã bị thua phía chính quyền Mỹ. Hệ lụy lớn nhất của vụ việc này là thế giới công nghệ số sẽ không còn được yên bình như lâu nay nữa. Google sẽ dần bị mất thế độc quyền hiện tại và nhiều thương hiệu mới về công cụ tra cứu trên mạng Internet sẽ hình thành.

Thị trường này rồi sẽ bị xé lẻ không những chỉ giữa các thương hiệu công cụ tra cứu khác nhau mà còn cả về phương diện địa lý và lãnh thổ. Chính phủ Mỹ vì thế không những chỉ đang giáng một đòn chí mạng vào vị thế độc quyền hiện tại của hãng Google mà sẽ còn đưa lại nhiều chuyển biến rất sâu rộng trên lĩnh vực này.

Đấy là hệ lụy xa, còn trước mắt vụ kiện tụng này tác động trực tiếp tới cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ. Hãng Google được nhìn nhận chung là một trong những diện mạo đại diện cho Thung lũng Silicon, cho thế giới công nghệ cao mà tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ Donald Trump không thân thiện.

Ngay từ lần vận động tranh cử tổng thống cách đây 4 năm, ông Trump đã công kích kịch liệt giới kinh tế công nghệ cao ở Thung lũng Silicon. Những cử tri Mỹ là người da trắng không theo học cao đến mức đại học vốn luôn là bộ phận cử tri trung thành truyền thống lâu nay của phe Đảng Cộng hòa và ủng hộ ông Trump. Bộ phận cử tri này không thân thiện gì với giới kinh tế công nghệ cao.

Ứng cử viên Phó Tổng thống của phía Đảng Dân chủ - nữ thượng nghị sỹ Kamala Harris bị ông Trump phê phán rất nặng nề vì có mối quan hệ thân thiết với giới kinh tế công nghệ cao ở Thung lũng Silicon. Chính quyền của ông Trump khởi kiện hãng Google vào thời điểm ngay trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở Mỹ với chủ ý phục vụ trước hết cho cuộc vận động tranh cử của ông Trump.

Ông Trump hiện phải đối mặt với không ít bất lợi đe dọa trực tiếp tới triển vọng được tái đắc cử tổng thống năm nay. Trong bối cảnh tình hình như thế, mọi chiêu thức vận động tranh cử đều được sử dụng. Nếu không tranh thủ được tối đa diện cử tri trung thành truyền thống nói trên, ông Trump không thể chắc chắn lại một lần nữa đắc cử tổng thống. Chuyện kiện tụng đã bị cuốn vào vòng xoáy biến động chính trị xã hội ở Mỹ.

Đọc thêm