Vu Lan về, nhớ mẹ, thương cha

(PLVN) -
Vu Lan về, nhớ mẹ, thương cha

1. Thế là lại một mùa Vu Lan. Đánh dấu một năm trôi qua, kéo dài những tháng ngày hạnh phúc được ở với mẹ cha lùi xa con hơn chút nữa. Ngày ấy, hướng dẫn con xếp đồ mã cúng tổ tiên, cha nhắc: “Nhớ xếp cho bà áo vàng, ngày xưa bà thích màu đó lắm, đừng quên ô cho ông, không mấy khi ông ra khỏi nhà thiếu ô đâu”. 

Ngày ấy, ngồi trầm ngâm ngắm khói hương lan tỏa trên ban thờ, cha nói: “Con có thấy không, ông bà đang nhìn con đấy, đang bảo sao cháu gái dạo này chóng lớn quá...”.

Nhưng ngày ấy, con còn quá vô tâm để hiểu những điều này, quá vô tư khi nghĩ rằng những tháng ngày hạnh phúc bên mẹ cha của con dài mãi. Cha đi xa. Mỗi mùa Vu Lan về con lại thấm nỗi đau của kiếp người không có được một bông hồng cài áo. 

“Con ơi, con có thấy ông đang mỉm cười nhìn con không?”. Thốt nhiên con nghe thấy giọng mình nói với con gái nhỏ trong làn khói hương lay động tấm hình. Rồi cũng như con ngày ấy, con gái con cũng sẽ quá vô tư, quá vô tâm để hiểu được quy luật nghiệt ngã của thời gian.

Người ta nói, Vu Lan tháng 7 là khi khoảng cách về không gian, thời gian giữa cõi âm và cõi dương như bị xóa mờ.  Để những mầm cây bắt nguồn từ con tim, từ tâm trí vươn tới chốn xa mờ, nơi một phần yêu thương của mỗi người đang ngóng đợi. Người ta cũng nói, phải bám víu vào các ký ức xưa cũ là khi người ta thấy mình cô độc nhất. 

Nhưng con biết mình không cô độc, vì cha chỉ đi đâu đó vắng nhà. Rồi cha sẽ luôn lại về. Trong trái tim con. Trong ngôi nhà luôn có làn khói hương âu yếm, chở che…

2. Con đã ngoài 40 tuổi rồi, ở cái tuổi mà nếu lấy chồng sớm đã trở thành bà, vậy mà sáng ghé qua nhà thăm mẹ, lúc đi mẹ vẫn chạy theo dúi vào tay cho quả táo. 

Nhìn quả táo vỏ đã hơi nhăn, đoán chắc thắp hương cho cha xong mẹ để dành cho con gái mà không dám ăn. Bỗng dưng con thấy mắt mình ươn ướt. 

Cả ngày đi làm quả táo ấm áp lăn tròn trong túi áo con như ngày xưa bàn tay mẹ ủ ấm cho con, như ngày xưa “chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”.

Rồi cuối ngày, nghe giọng mẹ qua điện thoại, mẹ dặn con ăn táo nhớ gọt vỏ, khéo kẻo nuốt hạt con nhé. Mẹ năm nay đã ngoài tám mươi, nhiều chuyện đời nhớ nhớ quên quên, nhưng không quên tình yêu thương cho con gái, không quên con gái còn nhỏ dại trong mắt mẹ già.

Định nói mẹ ơi con nhiều tuổi lắm rồi nên không ăn cả vỏ và nuốt cả hạt đâu. Nhưng đã kịp chặn lại lời mình nơi chót lưỡi, vì con biết làm thế khác gì nói con chẳng còn cần mẹ nữa. Mẹ đã già lắm rồi, nhưng mẹ vẫn là mẹ với những nghĩ suy con luôn cần mình.

Chợt nhớ đã đọc đâu đó một bài báo rằng có vị giáo sư, học trò đến nhà thầy vẫn thản nhiên bảo người mẹ già của mình: “Mẹ rửa bát đi nhé!”. Để rồi sau đó khi người mẹ sung sướng xong việc đi vào buồng nghỉ thì vị giáo sư lại lẳng lặng lấy bát ra rửa lại.

Ông giải thích với học trò của mình rằng: “Làm mẹ thì lúc nào cũng muốn làm chút gì đó cho con mình. Dù già rồi, nhưng trong mắt mẹ, con mãi mãi cần sự nâng đỡ của mẹ. Để bà rửa chén, bà sẽ cảm thấy con vẫn cần mẹ, một ngày trôi qua sẽ thấy rất phong phú và ý nghĩa. Hiếu kính cha mẹ, ngoại trừ việc giúp đỡ cha mẹ ra, còn phải cho cha mẹ một cơ hội để yêu thương chúng ta”.

Một lần trong chuyến công tác, chứng kiến vợ chồng vị đại tá già để người mẹ ngoài 90 tuổi của mình cặm cụ nhặt rau, quét nhà. Rồi sau đó khi mẹ đi nghỉ người vợ lẳng lặng nhặt lại rổ rau, người chồng quét lại cái nhà.

“Hàng xóm bảo chúng tôi bắt bà làm nhưng họ đâu có hiểu nụ cười hạnh phúc của mẹ tôi khi được làm cho con cái. Chừng nào trái tim mẹ còn đập thì mẹ còn yêu thương chúng tôi qua những việc hàng ngày như thế”.

Thế đấy, chữ hiếu nghĩa kia mới rộng làm sao. Hiếu với mẹ cha đôi khi chỉ là khiến cho mẹ cha có cảm giác là  con cái vẫn luôn cần mình, để những ngày cuối đời của mẹ cha vì thế mà trở nên mạnh mẽ. 

Bởi  trong mắt cha mẹ, con cái mãi mãi là  báu vật trong tay cha mẹ. Kể cả khi đã trưởng thành rồi, chúng ta vẫn là nỗi bận tâm mà cha mẹ già không bao giờ buông bỏ được… 

Đọc thêm