Mua đất hợp pháp nguy cơ mất trắng
Như PLVN đã nhiều lần phản ánh, năm 2013, ông Nguyễn Văn Hùng (quận 1, TP HCM) có nhận chuyển nhượng từ bà Nguyễn Thị Trái (huyện Bình Chánh) thửa đất số 631, diện tích 200,2 m2 (tờ bản đồ số 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Trước đó vào năm 2011, bà Trái đã được UBND huyện Bình Chánh cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ - sổ đỏ) số BĐ 774652 cho mảnh đất này.
Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng với trình tự thủ tục theo đúng quy định, ông Hùng được UBND huyện Bình Chánh cấp đổi sổ đỏ số BN 714688 cho mảnh đất trên. Điều đó đồng nghĩa, ông Hùng mua mảnh đất hoàn toàn công khai, hợp pháp, được chính quyền công nhận. Mảnh đất này là tài sản chung của ông Hùng và vợ là bà Nguyễn Thị Mai Lan.
Bỗng dưng năm 2014, bà Trái bị vợ chồng ông Trần Văn Tư, bà Nguyễn Thị Nết (sống cạnh mảnh đất) khởi kiện ra Tòa vụ việc “Tranh chấp QSDĐ” đối với thửa đất 200,2 m2. Theo đó, nguyên đơn yêu cầu ông Hùng và bà Trái trả lại diện tích đất nói trên, hủy sổ đỏ đã cấp cho bà Trái năm 2011 và sổ đỏ đã cấp cho ông Hùng năm 2013.
Chủ cũ mảnh đất bị khởi kiện, mảnh đất mình mua rơi vào tranh chấp, vợ chồng ông Hùng bị cuốn vào vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Để bảo vệ quyền lợi, ông Hùng bà Lan có yêu cầu độc lập là đề nghị Tòa công nhận QSDĐ đối với mảnh đất mà ông Hùng là người mua ngay tình, được cấp sổ đỏ hợp pháp.
Mảnh đất 200,2m2 mà ông Hùng mua ngay tình nhưng nguy cơ mất trắng |
Năm 2018, TAND huyện Bình Chánh đưa vụ án ra xét xử, tuyên công nhận mảnh đất trên cho nguyên đơn, bác yêu cầu độc lập và hủy sổ đỏ của ông Hùng. Năm 2019, TAND TP HCM xét xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của ông Hùng, tuyên hợp đồng mua đất giữa ông Hùng và bà Trái là vô hiệu, buộc trả đất cho nguyên đơn. Tiếp tục buộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Trái (bà Trái mất năm 2016) là những người con của bà, phải hoàn trả lại ông Hùng số tiền 400 triệu đồng mà bà Trái đã nhận của ông khi bán đất.
Ông Hùng và phía bị đơn sau đó có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, yêu cầu xem xét bản án phúc thẩm của TAND TP HCM. Tháng 3/2020, TAND cấp cao tại TP HCM ra thông báo số 198/TBTA-DS cho rằng không có căn cứ để kháng nghị. Tuy nhiên, nội dung thông báo này vẫn chưa xem xét đến một số vấn đề, kiến nghị quan trọng.
Bất thường về tố tụng, nhiều mâu thuẫn chưa làm rõ
Quyền lợi trong tài sản chung là mảnh đất 200,2 m2 bị xâm phạm nghiêm trọng, tháng 3/2020, bà Nguyễn Thị Mai Lan với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tiếp tục có đơn khiếu nại về quá trình giải quyết vụ việc của các cấp Tòa. Cụ thể, bà Lan khiếu nại đề nghị hủy bỏ thông báo số 198/TBTA-DS của TAND cấp cao, đề nghị tiếp tục tái xem xét giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND TP HCM.
Theo đó, bà Lan và luật sư tiếp tục phản ánh việc hai cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật tố tụng nghiêm trọng. Cụ thể, tại phiên xét xử phúc thẩm diễn ra năm 2019, luật sư bảo vệ của phía bị đơn (bà Trái) và luật sư bảo vệ cho bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Hùng bà Lan, đều được Tòa chấp nhận tư cách bảo vệ quyền lợi cho các đương sự. Cả hai đều có mặt tại phiên xét xử phúc thẩm, trực tiếp tham gia tranh luận, phát biểu quan điểm, tuy nhiên tại Bản án phúc thẩm số 438/2019/DS-PT ngày 17/5/2019 không hề có sự hiện diện, tồn tại của 2 luật sư cũng như những quan điểm bảo vệ của họ.
HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm buộc hàng thừa kế thứ nhất của bị đơn (các con bà Trái) phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền, trong khi chưa xác minh làm rõ bà Trái lúc mất có để lại di sản gì cho những người này hay không. “Buộc các con bà Trái trả tiền cho chồng tôi chẳng những là trái luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của họ, mà còn trái đạo lý. Tòa tuyên như vậy, vợ chồng tôi cũng không thể nào buộc họ khắc phục hậu quả được, cả về pháp luật lẫn đạo lý. Trong khi giao dịch của chúng tôi là đúng quy định pháp luật lại không được bảo vệ”, bà Lan bức xúc.
Tòa án cấp sơ thẩm còn bị tố có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, làm thay đổi bản chất của sự thật khách quan. Theo đó, dù trong suốt quá trình quải quyết vụ án, tất cả những người tham gia tố tụng không một ai yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, tuy nhiên bản án sơ thẩm lại ghi nhận nội dung không có thật. Bản án có câu từ cho rằng ông Hùng đưa ra yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Vấn đề này được ông Hùng nêu ra trong đơn kháng cáo nhưng Tòa phúc thẩm không xem xét.
Ngoài ra, các đương sự và luật sư cho rằng, việc giải quyết vụ án của 2 cấp Tòa có nhiều bất thường, thậm chí trái quy định pháp luật. Cụ thể, nhận định trong Bản án sơ thẩm số 107/2018/DS-ST ngày 19/6/2018 và Bản án phúc thẩm số 438/2019/DS-PT ngày 17/5/2019 không phù hợp với các tình tiết khách quan, mẫu thuẫn với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ.
Nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh nhưng Tòa vẫn nhận định nguyên đơn có nguồn gốc, quá trình quản lý sử dụng đất để công nhận QSDĐ cho nguyên đơn. Thậm chí lời khai của nguyên đơn còn mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và nhiều nghi vấn về tính trung thực nhưng chưa được làm sáng tỏ. Như lời khai về quan hệ các thành viên gia đình, về việc người này sử dụng đất thực tế nhưng người khác đăng ký kê khai. Thậm chí có tình trạng khiến dư luận bức xúc, là việc tranh giành phần mộ hơn 11 ngôi mộ, đặc biệt có một ngôi mộ của liệt sĩ nhưng Tòa chưa xác minh làm rõ.
Vấn đề nữa, HĐXX hai cấp Tòa chưa làm rõ các vấn đề tranh chấp, dẫn đến việc xác định “đất có tranh chấp” đối với diện tích 200,2 m2 đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận cho bà Trái năm 2011. Hồ sơ vụ án cho thấy, diện tích đất 200,2 m2 (thửa 631, tờ bản đồ số 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) này nằm trong khu đất có diện tích hơn 518 m2 (thửa 176 cũ, tờ bản đồ số 05). Như vậy, thửa 176 trong thực tế gồm có 2 thửa nhỏ, gồm thửa có diện tích 200,2 m2 (đất trống), thửa còn lại nằm bên cạnh có diện tích 318,7 m2 (đất thổ mộ).
TAND cấp cao tại TP HCM đã chuyển hồ sơ đến TAND Tối cao xem xét |
Hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm căn cứ vào Báo cáo số 696/BC-TTH ngày 16/12/2015 của Thanh tra huyện Bình Chánh để cho rằng, tại thời điểm cấp sổ đỏ phần đất 200,2 m2 cho bà Trái, phần đất này có tranh chấp. Tuy nhiên, báo cáo này không làm rõ việc tại phần đất hơn 518 m2 xảy ra 2 tranh chấp hoàn toàn khác nhau. Trong đó, phần đất 200,2 m2 có xảy ra tranh chấp giữa bà Trái với bà Sấm xuất phát từ việc kê khai đất nhầm lẫn, và được giải quyết tại biên bản ngày 4/3/2010 của UBND xã Vĩnh Lộc A.
Tranh chấp năm 2010 giữa bà Trái với ông Tư là ở phần đất mộ 318,7 m2, không liên quan đến phần đất 200,2 m2, được thể hiện trong các tài liệu liên quan. Tuy nhiên, Thanh tra huyện Bình Chánh đã không rạch ròi được đối tượng đất tranh chấp, hai phần đất được nhập làm một. Dẫn tới khẳng định thời điểm cấp 200,2 m2 đất cho bà Trái là có “xảy ra tranh chấp”, trái ngược với xác nhận của UBND xã Vĩnh Lộc A.
“Xã Vĩnh Lộc A đã hai lần hòa giải tranh chấp đất, có biên bản hẳn hoi, vì sao lại xác nhận là đất không tranh chấp, đó là vì bà Trái xin cấp sổ với mảnh đất nằm cạnh phần đất tranh chấp. Hơn nữa, việc cấp sổ đỏ cho bà Trái năm 2011 là hoàn toàn minh bạch, công khai, niêm yết rõ ràng lại không ai đứng ra tranh chấp, phản đối”, vợ chồng bà Lan bức xúc.
Vấn đề khác, theo các luật sư, cần xem xét lại giá trị pháp lý của Báo cáo số 696/BC-TTH của Thanh tra huyện Bình Chánh, bởi đây chỉ là văn bản lưu hành nội bộ, không được công khai. Đặc biệt, UBND huyện Bình Chánh cũng không hề kết luận về kết quả thẩm tra này là đúng hay sai. Căn cứ vào văn bản lưu hành nội bộ chưa được khẳng định là đúng hay sai để tuyên án là trái luật.
Sau khi bà Lan có đơn khiếu nại chỉ ra hàng loạt tồn tại cũng như dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của 2 bản án, TAND cấp cao tại TP HCM đã chuyển đơn và hồ sơ liên quan đến Vụ Giám đốc kiểm tra về dân sự, kinh doanh - thương mại của TAND Tối cao để giải quyết theo thẩm quyền. Liên quan vụ việc, người đại diện theo ủy quyền của bà Lan cho biết vừa qua đã gửi đơn khiếu nại đến Ban Thanh tra TAND Tối cao, đề nghị xem xét lại toàn bộ quá trình xét xử, giải quyết vụ án của các cấp Tòa.
Báo cáo 696/BC-TTH ngày 16/12/2015 của Thanh tra huyện Bình Chánh chưa phản ánh hết bản chất vụ việc. Thực tế giữa bà Trái và ông Tư chỉ tranh chấp 318,7m2 (phần đất mộ), không có tài liệu nào thể hiện tranh chấp diện tích 200,2m2. Quá trình thẩm tra việc cấp sổ đỏ chỉ là kết luận từ đơn vị thanh tra chứ không có bất cứ kết luận nào của UBND huyện Bình Chánh về vấn đề này, thậm chí kết luận này chỉ lưu hành nội bộ, do đó sử dụng kết luận này để giải quyết tranh chấp là chưa phù hợp quy định pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án cả hai cấp Tòa còn có nhiều dấu hiệu vi phạm Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ Luật dân sự.