Vụ nữ lao công bị sát hại: Xử lý ra sao khi đối tượng có tiền sử bệnh tâm thần?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nữ lao công ở Hà Nội bị sát hại một cách dã man khiến chúng ta không khỏi xót xa, tuy nhiên nghi phạm có tiền sử bệnh tâm thần, vậy trường hợp này sẽ phải xử lý ra sao? 
Vụ nữ lao công bị sát hại: Xử lý ra sao khi đối tượng có tiền sử bệnh tâm thần?

Vô cớ sát hại người không quen biết

Như tin đã đưa, đêm 4/4 vừa qua, chị Vũ Thị H (SN 1978, công nhân môi trường đô thị, trú tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) bị một nam thanh niên bất ngờ dùng gạch tấn công dẫn đến tử vong trong lúc đang làm việc tại đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Cơ quan Công an quận Cầu Giấy sau đó đã bắt giữ nghi phạm Lê Như Toàn (SN 1991, trú tại phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). Đối tượng này ban đầu xác định có tiền sử bệnh tâm thần, giữa Toàn và nạn nhân không hề có mâu thuẫn. 

Liên quan đến vụ việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc chỉ đạo Công an thành phố khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ông Chu Ngọc Anh cũng giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND quận Cầu Giấy và các đơn vị liên quan tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân. 

Theo ThS. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), có thể thấy đây là vụ việc hết sức đau lòng, nạn nhân đã bị sát hại một cách dã man, khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng và xót xa. Hành vi của đối tượng là việc tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác, đây là hành vi khách quan của tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS). 

Bởi thế, theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 thì Cơ quan điều tra (CQĐT) sẽ phải khởi tố vụ án, tiến hành điều tra, làm rõ sự thật khách quan của vụ án cũng như trách nhiệm pháp lý của đối tượng đã gây án.

Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu thì giữa đối tượng và nạn nhân không có quen biết và không có mâu thuẫn với nhau, khi gây án thì đối tượng có biểu hiện mắc bệnh tâm thần. Vì vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 206 BLTTHS năm 2015 thì CQĐT bắt buộc phải ra quyết định trưng cầu giám định về tình trạng tâm thần của đối tượng để xác định trước, trong và sau thời điểm sát hại nạn nhân thì đối tượng có bị mắc bệnh tâm thần hay không? Nếu có thì là bệnh gì và mức độ ảnh hưởng của bệnh lý đó đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của đối tượng? Qua đó, để xác định tại thời điểm sát hại nạn nhân thì đối tượng có năng lực trách nhiệm hình sự hay không cũng như hiện tại thì đối tượng có đủ khả năng làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng hay không?

Sẽ căn cứ vào kết luận giám định để xử lý

Luật sư Hùng cho biết, căn cứ vào nội dung Kết luận giám định pháp y về tâm thần của Cơ quan giám định thì các Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có các hướng giải quyết như sau:

Trường hợp thứ nhất: Trong trường hợp đối tượng không bị mắc bệnh tâm thần, có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình thì đối tượng được coi là người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ và bị coi là có lỗi trong khi thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, CQĐT sẽ tiến hành khởi tố bị can và điều tra, làm rõ trách nhiệm hình sự của đối tượng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “giết người”, với tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội “có tính chất côn đồ”, với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trường hợp thứ hai: Nếu đối tượng có bị mắc bệnh tâm thần nhưng chưa đến mức bị mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi. Tức là, dù đối tượng có bệnh lý tâm thần và bệnh lý này có thể có những ảnh hưởng nhất định, làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của đối tượng. Tuy nhiên, đối tượng vẫn có khả năng nhận thức, suy xét, đánh giá và lựa chọn, điều khiển hành vi của mình khi thực hiện tội phạm, thì người này vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “giết người” như đã nêu trên.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, đối tượng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đó là: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” theo quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS.

Trường hợp thứ ba: Nếu trong khi sát hại nạn nhân mà đối tượng bị mắc bệnh tâm thần, dẫn đến không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, thì đối tượng sẽ được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 8 và Điều 21 BLHS thì hành vi của đối tượng sẽ không bị coi là tội phạm và đối tượng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tại Điều 21 BLHS quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do đó, theo quy định tại Điều 230 BLTTHS năm 2015, CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, đối tượng vẫn có thể bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 49 BLHS.

Trong trường hợp này, người giám hộ (nếu có) của đối tượng sẽ có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó: “Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”.

Hiện nay, phần lớn những người mắc bệnh tâm thần đang do gia đình tự giám sát và quản lý. Có điều, vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã có nhiều người bệnh không có được sự chăm sóc, quản lý và chữa trị đầy đủ, thậm chí có người còn giấu bệnh hoặc đi lang thang, rất dễ dẫn đến việc họ thực hiện các hành vi gây nguy hiểm, đe dọa đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác, làm mất trật tự và an toàn xã hội. Bởi ảnh hưởng của bệnh lý nên những người mắc bệnh tâm thần có thể thực hiện những việc làm hết sức tàn ác, man rợ, dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng, gây ra tâm lý bất an, lo lắng trong xã hội.

Vì vậy, chúng ta cần phải có những giải pháp phòng ngừa đồng bộ và hiệu quả, đặc biệt là công tác rà soát, nắm địa bàn và lập danh sách người bệnh một cách đầy đủ, kịp thời có những biện pháp quản lý phù hợp và thường xuyên, tránh bỏ lọt người bệnh ngoài xã hội; cũng như có các cơ chế, cách thức phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, lực lượng y tế cơ sở và chính quyền địa phương, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của những người bệnh tâm thần và sự an toàn cho cộng đồng.

Đồng thời, chúng ta cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về bệnh tâm thần, từ cách nhận biết đến các phương pháp chăm sóc, chữa trị, quản lý người bệnh, phòng ngừa họ thực hiện các hành vi gây hại cho gia đình và cộng đồng. 

Đọc thêm