Pháp luật Việt Nam vừa liên tục thông tin trong nhiều bài viết về vụ việc phá rừng nghiêm trọng trong khu vực biên giới Việt – Lào, địa phận xã Thượng Trạch mà phóng viên đã trực tiếp thâm nhập và ghi nhận được. Đây là khu vực rừng thuộc tiểu khu 649 và 650, trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới – VQG Phong Nha – Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình.
Lực lượng chức năng kiểm đếm gỗ cất giấu trái phép trong vườn nhà ông Kính. |
Loạt bài đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Dư luận xót xa trước việc rừng nguyên sinh trong vùng lõi của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng bị “lâm tặc” tàn phá không thương tiếc và đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của lực lượng chức năng có nhiệm vụ trực tiếp giữ rừng cũng như các dấu hiệu cho thấy lực lượng chức trách đã tiếp tay cho “lâm tặc”.
Gỗ mun giấu dưới lòng đất
Ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Ban quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng xác nhận thông tin về việc phát hiện gỗ mun quý hiếm cất giấu trái phép trong vườn nhà dân này.
Theo đó, vào chiều tối 28/3, nguồn tin báo của người dân địa phương cho biết, tại vườn ông Nguyễn Trung Kính (ở bản Cu Tồn, xã Thượng Trạch – cách trụ sở Đồn Biên phòng Cồn Roàng không xa) có cất giấu gỗ mun. Lực lượng kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã tiếp cận hiện trường và phát hiện hàng chục phách gỗ mun cất giấu lộ thiên trong vườn nhà này. Cụ thể, những phách gỗ mun đã được cất giấu dưới các bụi dứa trồng trong vườn và cho cỏ dại phủ lên trên để ngụy trang.
Gỗ mun cất giấu trong vườn được che đậy bằng cỏ dại. |
Hạt Kiểm lâm VQG này nghi vấn trong vườn nhà này còn giấu gỗ ở nhiều nơi khác nên đã lập tức thông báo cho các lực lượng liên quan là Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an huyện Bố Trạch để phối hợp xử lý.
Nhận định đây có thể là số gỗ tang vật của vụ phá rừng gỗ mun trong rừng Phong Nha gây rúng động dư luận vừa qua, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa, bảo vệ hiện trường suốt đêm 28/3 để tiến hành các nghiệp vụ kiểm tra, không để “lâm tặc” tẩu tán tang vật.
Công tác kiểm tra, bảo vệ hiện trường được thực hiện trong toàn bộ khu vực vườn nhà ông Kính và kéo dài đến chiều hôm sau (29/3). Lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện một hố chôn sâu dưới lòng đất là hàng chục phách gỗ mun khác.
Số gỗ mun này được lót, phủ bằng bạt nhựa mua từ dưới xuôi đưa lên và bọc lại, lấp đất lên rồi ngụy trang rất tinh vi. Ngoài ra, ở một điểm khác gần con suối, một số lượng gỗ mun khác cất giấu tại đây cũng đã bị lực lượng chức năng phát hiện.
Hố chôn cất giấu gỗ mun tinh vi nằm trong vườn nhà ông Kính. |
Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và thu giữ gỗ trong vườn nhà mình, ông Kính không có mặt tại địa bàn, chỉ có vợ ông Kính ở nhà. Ông Nguyễn Trung Kính có quê quán tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch và là cha ruột của một người có biệt danh là “Hà Mã” – một đối tượng lâm tặc có tiếng ở thôn Cù Lạc, xã Sơn Trạch thường xuyên ở Thượng Trạch để buôn bán lâm sản trái phép. Hà Mã cũng chính là một trong những đối tượng mà lực lượng chức trách nghi vấn có tham gia trực tiếp vào vụ phá rừng gỗ mun quý hiếm trong Vườn Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.
96 phách gỗ mun quý hiếm thu giữ được trong vườn nhà ông Kính. |
Mun đắt và hiếm trên thị trường
Sau khi có thông tin về vụ việc “lâm tặc” ngang nhiên tàn pá rừng nguyên sinh trong VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, UBND tỉnh Quảng bình đã có quyết định đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, khám nghiệm hiện trường và kết quả cho thấy, khối lượng gỗ (đa phần là gỗ mun quý hiếm) bị khai thác trái phép khu vực rừng biên giới Việt – Lào này lên đến hơn 100m3.
Theo tìm hiểu của Phóng viên Pháp luật Việt Nam trong giới thạo mua bán gỗ thì gỗ mun là loại gỗ quý hiếm hàng đầu hiện nay trên thị trường dùng để chế tạo ra các sản phẩm đồ nội thất có giá cả đắt đỏ. Gía gỗ mun trên thị trường hiện nay phụ thuộc vào nguồn gốc gỗ. Gỗ mun tự nhiên khai thác tại Việt Nam thì sẽ có giá đắt hơn nhiều so vơi gỗ mun từ châu Phi bởi chất lượng khác nhau. Đối với kích cỡ và các đặc điểm gỗ mun bị khai thác trong vụ pha rừng di sản này, rất khó để tìm mua được và giá sẽ không dưới 100 triệu đồng/m3.
Hàng chục phách gỗ được giấu trong bụi nứa. |
Trở lại với diễn biến vụ việc, đây là lần thứ 2 lực lượng chức năng phát hiện gỗ mun quý hiếm nghi là tang vật của vụ phá rừng Phong Nha được phát hiện cất giấu trong địa bàn dân cư. Trước đó như chúng tôi đã thông tin, vào ngày 26/2, lực lượng kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã phát hiện trong nhà của ông Mai Văn Dinh (SN 1970, quê xã Sơn Trạch), ở bản Coóc, xã Thượng Trạch có cất giấu 42 phách gỗ các loại với khối lượng 1,4m3 (trong đó có 0,9m3 gỗ mun).
Có thể nói rằng, các vụ bắt giữ gỗ cất giấu trái phép ở nhà ông Dinh, ông Kính sẽ là những “mấu chốt” rất quan trọng trong quá trình điều tra, làm rõ thủ phạm của vụ phá rừng nghiêm trọng này cũng như người đứng đằng sau “tổ chức” và những lực lượng chức năng đã “tiếp tay” cho “lâm tặc” phá rừng.
Số gỗ mun này được cho là tâng vật của vụ phá rừng di sản Phong Nha gây chấn động dư luận vừa qua. |
Trong một diễn biến khác của vụ việc, Giám đốc Ban quản lý Vườn kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng Lê Thanh Tịnh cho biết, Hội đồng Kỷ luật của đơn vị này vừa ra quyết định kỷ luật nhiều cán bộ kiểm lâm liên quan đến việc để xảy ra nạn lâm tặc phá rừng này.
Cụ thể, Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã cách chức Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch đối với ông Nguyễn Hoài Nam và Trạm phó trạm này là ông Cao Thái Hưng. Bên cạnh đó, Hội đồng Kỷ luật còn cảnh cáo 1 nhân viên kiểm lâm và khiển trách 4 nhân viên kiểm lâm có liên quan.
Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.