Cán bộ và dân thi nhau phá rừng
Chiều ngày 19/11, sau 2 ngày xét xử sơ thẩm vụ án hủy hoại rừng Bình Ấm (thuộc tiểu khu 83, 90 của xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), HĐXX TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt 4 bị cáo tổng cộng 28 năm 6 tháng tù về tội “Hủy hoại rừng”.
Trong đó, Huỳnh Anh Khương (38 tuổi, nguyên cán bộ Phòng TN&MT huyện Đồng Xuân) 7 năm 6 tháng tù; La Lan Thập (33 tuổi, ngụ xã Phú Mỡ), Phạm Xuân Trình (43 tuổi) và La O Kính (41 tuổi, cùng ngụ xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân), mỗi bị cáo 7 năm tù. Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc 4 bị cáo bồi thường 2,1 tỷ đồng cho UBND xã Phú Mỡ.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 21/2/2013, UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định 318/QĐ-UBND thu hồi đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân giao cho UBND các xã: Phú Mỡ, Xuân Quang 1 và Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) quản lý. Trong đó, có rừng Bình Ấm thuộc tiểu khu 83, 90 của xã Phú Mỡ.
Khoảng tháng 5/2015, Phạm Xuân Trình sử dụng các thông tin cá nhân của các ông La Lan Dư, La O Đấu, La Mo Mang có hộ khẩu tại xã Phú Mỡ rồi lập 3 hồ sơ đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) rừng nhằm hợp thức hóa QSDĐ rừng Bình Ấm.
Tuy nhiên, các cán bộ Phòng TN&MT và Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện Đồng Xuân dù không kiểm tra hiện trạng nhưng vẫn lập biên bản kiểm tra hiện trạng phản ánh không đúng thực tế để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xác nhận các thủ tục của 3 hồ sơ nói trên, trình UBND huyện cấp GCN.
Để tiếp tục hợp thức hóa QSDĐ rừng Bình Ấm, Trình và Khương sử dụng thông tin cá nhân của các hộ dân đứng tên La Thanh Anh, La Lan Ninh, La Mo Hùng để lập hồ sơ đăng ký QSDĐ và được UBND huyện Đồng Xuân cấp 4 giấy đỏ.
Tiếp đó, ngày 21/3/2016, Trình lập khống các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ từ tên Dư, Mang, Đấu sang cho Trình, rồi làm đơn xin phát dọn thực bì. Các giấy tờ này được UBND xã Phú Mỡ ký xác nhận.
Cuối tháng 3/2016, Trình thuê khoảng 29 người dùng cưa máy cầm tay, rựa chặt phát tại các lô 11, 15, 20 ở rừng Bình Ấm; đồng thời liên lạc với Khương đề cập đến việc chỉ ranh giới đất rừng được cấp GCN đứng tên La Thanh Anh, La Lan Ninh, La Mo Hùng.
Với sự tiếp tay của nhiều cán bộ, gần 110ha rừng ở Đồng Xuân bị tàn phá. |
Đầu tháng 4/2016, Khương 2 lần mang theo bản đồ và máy định vị GPS đến rừng Bình Ấm xác định ranh giới để Trình chỉ lại cho nhân công tiếp tục chặt phát tổng diện tích 18,1ha rừng. Sau đó, Khương đưa 37 triệu đồng cho Trình để trả tiền công phát rừng.
Thấy Trình và một số người khác tổ chức chặt phát rừng nên Kính rủ Thập tổ chức thuê người chặt phát rừng lấy đất canh tác; đồng thời ngăn Trình chiếm hết đất rừng Bình Ấm. Trong tháng 4/2016, Kính và Thập đã thuê khoảng 30 người dùng cưa máy cầm tay, rựa chặt phát 18,73ha rừng thuộc tiểu khu 83 rừng Bình Ấm.
Theo kết luận giám định của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, trong 109,9ha bị Trình, Khương, Kính và Thập chặt phá có 76,9ha đất chưa thành rừng có cây gỗ tái sinh nên thuộc phạm vi xử lý theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai; 33ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất ở tiểu khu 83, 90 thuộc rừng Bình Ấm.
Trong đó, Trình và Khương tổ chức chặt phá 6,27ha rừng phòng hộ, 8ha rừng sản xuất; Kính và Thập tổ chức chặt phá 18,73ha rừng phòng hộ.
Bỏ lọt tội phạm và người phạm tội?
Điều đáng nói, vụ án này từng được TAND tỉnh Phú Yên đưa ra xét xử sơ thẩm hồi tháng 8/2017. Tại phiên tòa này, HĐXX tuyên 4 bốn bị cáo trên tổng cộng 30 năm tù về tội “Hủy hoại rừng”. Trong đó, Khương 8 năm tù; Trình và Kính mỗi bị cáo 7 năm 6 tháng tù; Thập 7 năm tù.
Tuy nhiên, đến ngày 15/9/2017, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ra quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên.
Đến tháng 2/2018, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên để điều tra lại đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của 7 cán bộ thuộc huyện Đồng Xuân.
VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, vụ phá rừng trên xuất phát từ việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của hàng loạt cán bộ, gồm: Cao Thanh Lương (Trưởng Phòng TN&MT huyện Đồng Xuân), Nguyễn Hồng Đức (Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện Đồng Xuân), So Bếp (Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ), La O Hóa (Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ), La O Hoa (cán bộ địa chính xã Phú Mỡ), Mai Xuân Lợi (cán bộ Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện Đồng Xuân) và Nguyễn Phan Hóa (cán bộ Phòng TN&MT huyện Đồng Xuân).
Những người này đều là cán bộ có trách nhiệm liên quan ở địa phương, biết rõ các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn được cấp GCN QSDĐ. Tuy nhiên, những cán bộ này đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong thẩm định, thẩm tra hồ sơ dẫn đến việc cấp GCN trái quy định.
Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, hành vi của 7 cán bộ nói trên đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 285 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, TAND tỉnh Phú Yên chỉ đưa ra xét xử và tuyên phạt tù 4 bị cáo nói trên, còn các cán bộ vi phạm có hành vi tiếp tay chỉ bị xử lý ở mức kỷ luật, luân chuyển công tác… Tòa cấp sơ thẩm không xét xử về hành vi này là bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng nhận định, đối với Trình và Khương, ngoài hành vi hủy hoại rừng còn có hành vi lập hồ sơ xin giao đất rừng không đúng quy định của pháp luật với diện tích gần 110ha. Hành vi này có dấu hiệu của tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” nhưng chưa được xử lý. Ngoài ra, các GCN đã cấp trái quy định pháp luật nhưng bản án sơ thẩm không tuyên hủy là thiếu sót.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra cho rằng, các cán bộ huyện Đồng Xuân không có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên không khởi tố. Mặt khác, các cán bộ này đã bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên xử lý về mặt Đảng và xử lý về hành chính. Cụ thể, kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với các ông: Nguyễn Hồng Đức, So Bếp và Đỗ Minh Tân (nguyên Trưởng Công an huyện Đồng Xuân).
Đồng thời, UBND huyện Đồng Xuân cũng đã kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng, cách chức Trưởng phòng TN&MT huyện Đồng Xuân đối với ông Cao Thanh Lương; kỷ luật cảnh cáo đối với ông La O Hóa; khai trừ Đảng, buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Phan Hóa…
Khai trừ ra khỏi Đảng đối với Trưởng Công an huyện Đồng Xuân
Liên quan đến vụ phá rừng này, tháng 1/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Đỗ Minh Tân (Trưởng Công an huyện Đồng Xuân).
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân, ông Tân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, tiếp tay cho hành vi lập hồ sơ khống xin cấp GCN QSDĐ, vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng, dẫn đến rừng bị chặt phá với diện tích lớn, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự; bao che, hướng dẫn cho đối tượng đối phó với cơ quan điều tra, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Vi phạm của ông Tân là rất nghiêm trọng, có biểu hiện vụ lợi cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành công an. Tuy nhiên, việc xem xét, quyết định thi hành kỷ luật ông Tân của các tổ chức đảng ở tỉnh Phú Yên chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm.
Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, để giữ nghiêm kỷ luật đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Đỗ Minh Tân.