Vụ trả thù tình chấn động dư luận

(PLO) - Cho rằng tình nhân có người khác nên không thể liên lạc, Nguyễn Thị Chiên (SN 1964, ngụ xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nảy sinh ý định đầu độc “kẻ phụ tình”.  
Bị cáo sụt sùi khóc suốt phiên tòa
Bị cáo sụt sùi khóc suốt phiên tòa

Đầu độc cả người lẫn gà 

Chiên bị truy tố về tội “giết người” và “cố ý hủy hoại tài sản”. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội thể hiện: Từ năm 2006, Chiên có tình cảm với ông Đỗ Văn Trung  (SN 1953, ngụ thôn Quảng Tái, cùng xã Trung Tú). Giữa hai người xảy ra mâu thuẫn khi Chiên nghi ngờ ông Trung có người khác.

Sáng 24/7/2015, Chiên rủ người tình đi chơi nhưng bị từ chối. Nhiều lần gọi điện nhưng ông Trung không nghe máy, Chiên nghĩ mình bị “bỏ rơi” nên nảy sinh ý định làm hại người tình.

Khoảng 9h sáng cùng ngày, Chiên lấy trên gác bếp hai gói thuốc diệt chuột và một gói thuốc diệt ốc bỏ vào túi nion rồi đạp xe đến nhà ông Trung. Nấp ở phía sau vsườn, thấy người tình đang ở trong nhà, Chiên gọi điện nhưng ông này không nghe máy. Lúc này có người hàng xóm sang rủ đi chơi, thấy ông Trung tiếp tục phớt lờ điện thoại của mình nên Chiên càng tức giận tìm cách trả thù. 

Sau khi ông Trung và bạn rời khỏi nhà, Chiên trèo tường từ sau vườn lấy hai gói thuốc diệt chuột trộn vào thùng cám cho gà ăn. Còn gói thuốc diệt ốc mang đổ vào bể nước rồi thu dọn hiện trường đi về nhà.

Về phần ông Trung, khi cho gà ăn vào sáng hôm sau (25/7), ông Trung phát hiện 16 con đã chết, hai con đang thoi thóp nên đã trình báo công an xã. Đến trưa, con trai ông Trung lấy nước ở bể đun lên pha trà uống. Đến 17h, vợ ông Trung đi làm về thấy trên thành bể có dính chất bột màu vàng. Khi kiểm tra toàn bộ bể nước, bà này phát hiện nước trong bể đã chuyển màu vàng, nghi ngờ có chất độc nên trình báo công an xã. Khi công an xã đến lấy nước trong bể ra, cho cóc và cá vào đều bị chết nên đã lập biên bản sự việc.

Đến khoảng 18h, ông Trung và con gái tiếp xúc trực tiếp với nước trong bể có dấu hiệu mệt mỏi. Còn con trai ông Trung do uống nước trong bể trước đó nên đau bụng, khó thở, tức ngực, phải đi cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai, được xác định bị ngộ độc, nằm điều trị 3 ngày mới được xuất viện. 

Trở lại sự việc, ngày 28/7/2015, Chiên gọi điện cho bạn thì biết tin gia đình ông Trung xảy ra chuyện nên đã nhờ người này hẹn gặp “người tình” để nói chuyện. Tại quán cà phê, Chiên thừa nhận việc trộn thuốc diệt cỏ vào trong cám, đổ thuốc diệt ốc vào bể nước và mong ông Trung tha thứ. 

Toàn bộ cuộc nói chuyện trên được ông Trung ghi âm lại. Sau đó, công an đã mời Chiên về trụ sở làm việc. Người phụ nữ khai nhận toàn bộ hành vi như trên, cho hay mục đích bỏ thuốc diệt ốc vào trong bể nước là để hại ông Trung, nếu người tình chết thì Chiên cũng tự tử theo.

Hội đồng định giá tài sản xác định số gà chết nhà ông Trung trị giá 3,5 triệu đồng. Giám định mẫu cám gà thu được tại máng trong chuồng gà và trong diều gà chết đều tìm thấy thành phần thuốc diệt chuột kẽm photphua. Thuốc diệt chuột này rất độc với người và động vật, liều gây chết người là 1gam. Mẫu nước thu trong bể nước cũng tìm thấy thành phần chất gây độc. 

Gia đình nạn nhân yêu cầu bồi thường số tiền con trai nằm viện là 1,8 triệu đồng và 3,5 triệu là số gà chết.  

Nằng nặc đòi đền bể nước cũ

Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 6/5/2016, đứng trước vành móng ngựa, bị cáo khóc nấc, từng tiếng nói đứt quãng. Bị cáo khai, năm 2006 quen biết với ông Trung rồi nảy sinh tình cảm từ khi nào không rõ. Sau đó hai người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Bị cáo cho rằng lí do bởi cả hai đều nghi ngờ đối phương có người khác.

“Bị cáo không chủ mưu giết anh ấy. Lúc bắc thang lấy đồ trên gác bếp nhìn thấy mấy gói thuốc chuột và diệt ốc nên bột phát nghĩ ra cách đầu độc. Bị cáo chỉ là nông nổi, “dọa” nhau mà thôi”, bị cáo thanh minh. 

Chiên đã có chồng và hai con. Trong thời gian chồng đi làm ăn xa, Chiên quản lý tiệm cắt tóc thì gặp ông Trung.  

HĐXX hỏi “Bị cáo đổ thuốc diệt ốc vào bể nước làm gì?”, Chiên không ngừng khóc: “Thưa quý tòa, bị cáo không hiểu biết, mong nhận được mức án thấp nhất để được về với gia đình”. Tuy nhiên, chủ tọa phân tích, bị cáo biết bể nước gia đình ông Trung sử dụng hàng ngày, không thể là vô tình. Hơn nữa, khả năng nhiều người sử dụng có thể chết, đây là tình tiết tăng nặng dành cho bị cáo. 

Ông Trung lại phủ nhận lời khai của bị cáo tại tòa. Ông này cho hay quen biết với bị cáo từ năm 2009 khi cắt tóc thuê. Đến năm 2012, mối quan hệ này bị nhiều người biết nên ông quyết định chấm dứt. “Tôi đã nói cả hai đều có gia đình, quan hệ ngoài luồng như vậy là sai nhưng bị cáo không đồng ý”, ông nói.

Ông Trung còn “tố” người tình nhiều lần làm đàn gà của gia đình mình chết. Điển hình là trước khi sự việc xảy ra khoảng hai tháng, gia đình ông Trung có việc đi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) chơi, khi về đến nhà có 20 con gà bị giết. Ông nghi ngờ, “bóng gió” khuyên can, song Chiên không nhận. 

Gia đình bị hại cho biết, nhà bị cáo đã hai lần đến xin lỗi nhưng chưa lần nào đề cập chuyện bồi thường. Ngoài số tiền hơn 7 triệu đồng được bồi thường theo cáo trạng, ông Trung yêu cầu bị cáo bồi thường bể nước hiện nay không dùng được với giá khoảng 10 triệu đồng.

Đại diện VKS phân tích: “Hiện bị cáo đang trong trại giam, gia đình không ai quan tâm, nên số tiền bồi thường, bị hại có suy nghĩ gì”? Ông Trung tuyên bố: “Có bồi thường được hay không tôi không biết, còn tôi nhờ tòa phân xử”. 

Ra tòa mới biết “nể” vợ

Vợ bị hại mặc dù không có giấy triệu tập của tòa nhưng vẫn đến theo dõi và cho biết chính bà là người làm đơn tố cáo. “Cô ấy không phải nông nổi. Nếu hôm đó tôi không về kịp thì con cháu tôi chết hết”, vợ bị hại nói.

Về phần Chiên, xin bồi thường chi phí chữa bệnh cho con trai bị hại và đàn gà, nhưng không đồng tình bồi thường bể nước vì đã sử dụng lâu năm. Chiên trình bày do hoàn cảnh khó khăn nên xin được giảm số tiền bồi thường xuống 6 triệu đồng. Sau khi hội ý với vợ con, ông Trung chấp nhận đề nghị của bị cáo.

Khi đại diện VKS hỏi lại tình tiết bị hại có xin giảm nhẹ tội cho bị cáo không, ông Trung nhìn vợ rồi đáp: “Việc này bị hại còn vợ con nữa. Nếu vợ chấp nhận thì tôi cũng đồng ý”. 

Luật sư bào chữa cho bị cáo đồng tình với tội danh “hủy hoại tài sản” mà bị cáo bị truy tố. Tuy nhiên, theo luật sư, tội danh “giết người” chưa đủ căn cứ. “Bởi lẽ bị cáo bị quy kết dùng phương pháp có khả năng giết nhiều người. Dùng nửa gói thuốc diệt ốc pha với 4m3 nước có khả năng giết người hay không? Theo tôi biết thuốc diệt ốc độc tố nhẹ hơn thuốc diệt chuột gấp 10 lần. Tôi nghĩ rằng thuốc diệt ốc không có khả năng làm chết người”, luật sư nêu quan điểm.

Vị luật sư dẫn chứng từ bản kết luận của Viện khoa học hình sự trả lời về việc chất Niclosamide liều gây chết người là bao nhiêu thì được trả lời: “Hiện tại chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào có liều gây chết người với Niclosamide. Thường các phòng thí nghiệm, để thử độc tính của các chất người ta chỉ thử nghiệm trên động vật. Liều độc đối với con người cũng khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố như  giới tính, tuổi tác, bệnh lý, sinh lý. Nếu bị cáo giết người tại sao không đổ hai gói thuốc diệt chuột vào bể nước. Ngoài ra, bị hại cũng khẳng định chưa thấy ai bị chết do uống thuốc diệt ốc”.

Tuy nhiên, ông Trung phản bác lại lập luận này của luật sư vì CQĐT đã thử nghiệm mẫu nước trong bể cho cá và cóc vào đều chết. “Không bỏ thuốc diệt chuột vào bể vì cô ấy không biết chứ không phải không có ý thức. Nếu có ý định giết mình tôi thì tôi đã chết lâu rồi. Cô ấy biết hôm đó gia đình tôi họp đông đủ nên mới đầu độc”, ông Trung khẳng định.

HĐXX tuyên phạt Chiên mức án 11 năm tù về tội “giết người” và 1 năm tù về tội “hủy hoại tài sản”.  

(Tên nạn nhân đã được thay đổi)

Đọc thêm