Vụ tranh chấp đất kéo dài tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu): Nguyên đơn trả lời 'không nắm được' với một số vấn đề

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua (18/12), TAND cấp cao tại TP HCM mở phiên phúc thẩm vụ bà Phạm Ngọc Hà (SN 1958) kiện đòi hủy sổ đỏ Nhà nước đã cấp từ 1999 cho cụ Nguyễn Kim Hoa (SN 1937) với thửa đất 30, 31 tờ bản đồ 14 (số mới 42), đường Phan Chu Trinh, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
HĐXX nghị án kéo dài, dự kiến sẽ tuyên án vào 25/12. (Ảnh: Phi Hổ)
HĐXX nghị án kéo dài, dự kiến sẽ tuyên án vào 25/12. (Ảnh: Phi Hổ)

Vụ án kéo dài hơn 10 năm, đã qua 3 lần xử. Do không đồng ý với phán quyết của cấp sơ thẩm, cụ Hoa kháng cáo đề nghị TAND cấp cao căn cứ chứng cứ, hồ sơ, lời khai người làm chứng; sửa án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Theo hồ sơ, năm 1995, có 4 hộ dân ký vào văn bản (trong đó có thể hiện chữ ký “Hoa” và “Nguyễn Kim Hoa”) thỏa thuận nhượng đất để cụ Phạm Kỳ Dư (cha bà Hà) lấy nguyên liệu làm gạch. Cùng năm, huyện ra Thông báo 19/TB-UB tạm giao cụ Dư một khu đất làm gạch; không xác định vị trí ở đâu, số thửa số bản đồ nào, tọa độ nào.

Năm 2006, cụ Dư qua đời. Hai năm sau (2008), sau khi từ Trà Vinh ra Côn Đảo ở, bà Hà tìm thấy Thông báo 19 trong tủ hồ sơ. Mãi đến 2014, bà Hà mới khởi kiện sau khi cho rằng thửa 30, 31 nằm trong khu đất cha mình từng được huyện tạm giao.

Trong khi đó, cụ Hoa cho hay không nhượng đất cho cụ Dư. Các con cụ Hoa và nhiều nhân chứng xác định cụ Hoa hoàn toàn không biết chữ, không thể ký “Hoa” và “Nguyễn Kim Hoa”.

Thửa 30, 31 cụ Hoa tự khai hoang từ những năm 1980, sử dụng liên tục, năm 1999 được huyện cấp sổ đỏ. Cụ Hoa cho rằng con cụ Dư đã nhầm lẫn. Khu đất huyện tạm giao cụ Dư trước kia là diện tích nào đó, không liên quan thửa 30, 31.

Phía UBND huyện khẳng định việc cấp sổ đỏ với thửa 30, 31 thực hiện đúng luật, đúng thực tế sử dụng đất của cụ Hoa. Với thông báo tạm giao đất cho cụ Dư năm 1995, huyện thừa nhận thiếu sót đã không nêu chính xác là khu đất nào. Đến nay huyện cũng không xác định được đó là khu đất nào.

Tại phiên phúc thẩm, phía cụ Hoa một lần nữa khẳng định: “Thửa 30, 31 gia đình khai hoang từ những năm 1980, đến năm 1999 được cấp sổ đỏ, canh tác ổn định đến nay. Năm 2014, gia đình xin chuyển mục đích từ đất lúa thành trồng cây lâu năm, đổ thêm đất để trồng sâm. Tất cả đều được chính quyền cho phép. Gia đình đóng thuế đầy đủ”.

Một tình tiết đáng lưu ý tại phiên xử, là về phía nguyên đơn, cho rằng đã trả tiền cho bị đơn và đã nộp bản chính các giấy nhận tiền cho huyện để được ban hành Thông báo 19/TB-UB; nên hiện không có bản chính.

Nguyên đơn cũng cho rằng thửa 30, 31 không phải của cụ Hoa mà là của cụ Trần Văn Nham và cụ Nham đã thỏa thuận chuyển nhượng lại cho cụ Dư vào 1995. Tuy nhiên, hiện cụ Nham đã qua đời từ lâu. Các con cụ Nham có lời chứng. Nhưng phía bị đơn cho rằng các con cụ Nham không sử dụng đất, không có chứng cứ về việc cụ Nham có giao dịch như thế nào với cụ Dư, nên các con cụ Nham có thể làm nhân chứng hay không?

Một chi tiết khác, nguyên đơn cho biết không nắm được việc cha mình có khiếu nại liên quan thửa 30, 31 hay không?

Luật sư (LS) phía bị đơn nêu quan điểm: Năm 1998, Côn Đảo lập bản đồ đầu tiên trên cơ sở hiện trạng sử dụng thực tế; đồng thời tổ chức cho người dân kê khai rộng rãi. Theo Thông tư 346/1998/TT-TCĐC, chỉ người đang sử dụng mới được kê khai, đăng ký sử dụng đất, nên bị đơn mới có tên trong sổ địa chính 1998 và sổ mục kê 1999 với thửa 30, 31 và được cấp sổ đỏ.

Quá trình sử dụng thửa 30, 31 của bị đơn là liên tục, ổn định, được nhiều người làm chứng như ông Trần Văn Đảo, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Tấn Ngọt, Nguyễn Văn Hiền, bà Lê Thị Sỹ, ông Nguyễn Văn Tượi, Trần Văn Vui, Lê Quốc Hùng xác nhận.

Chi cục Thuế xác định bị đơn đóng thuế từ 1996 đến nay. Người trực tiếp thu thuế đất nông nghiệp cũng xác nhận cụ Hoa nộp thuế với thửa 30, 31 từ 1996 - 2014 (sau năm 2014 thì đất nông nghiệp được Nhà nước miễn thuế - NV). Như vậy, khu đất trên cụ Hoa đã sử dụng ổn định 40 năm nay, không tranh chấp, có đóng thuế, được Nhà nước công nhận.

Trước quan điểm của phía nguyên đơn cho rằng thửa 30, 31 từng là của cụ Nham, LS cho rằng đây là thông tin không chính xác; vì một số căn cứ cho thấy khi đó cụ Nham cũng chỉ có 1.000m2 tại khu đất nào đó chưa rõ vị trí; trong khi thửa 30, 31 diện tích đến gần 3.600m2.

Cũng tại phiên xử sáng qua, phía nguyên đơn đưa ra một văn bản được cho là sổ mục kê năm 2004, gửi HĐXX. Tòa chưa công bố tài liệu này, nhưng nguyên đơn cho rằng trong sổ mục kê năm 2004 có ghi chú cụ Dư “đang sử dụng thửa 30, 31”.

Trước thông tin này, LS phía bị đơn phản bác, cho rằng trước tiên cần công khai chứng cứ này để các bên xem xét tính đúng sai của các nội dung ghi trong đó. Tuy nhiên trong thực tế, cụ Dư không ý kiến, không khiếu nại với thửa 30, 31 cụ Hoa đã đang sử dụng, đứng tên; nên chứng cứ mà nguyên đơn mới nộp có thể không có giá trị gì trong vụ án. LS đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm, tuyên bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.

HĐXX nhận định vụ án còn nhiều tình tiết cần nghị án kéo dài, nên dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 25/12.

Một tình tiết thú vị tại phiên xử, là nguyên đơn cho rằng hiện trạng khu đất tranh chấp là ao sâu, nghĩa là đã có việc móc đất là gạch. Và việc để cho cha nguyên đơn móc đất làm gạch, là gia đình cụ Hoa mặc nhiên thừa nhận đã chuyển nhượng đất.

Phía bị đơn phản bác, cho biết hiện trạng đất theo thẩm định tại chỗ thì chỉ có 213m2 là ao, còn lại là đất trồng cây lâu năm và bình địa chứ không phải toàn bộ là ao sâu như nguyên đơn trình bày. Và 213m2 là ao này, trước đây cha của nguyên đơn lấn đất của bị đơn để móc đất sét, sau đó bị phát hiện phản ứng nên trả lại bị đơn.

Đọc thêm