Đùn đẩy trách nhiệm?
Người dân cho biết, trong Dự án xây dựng Trường Đại học Quốc gia TP HCM (Dự án) đã áp dụng sai pháp luật, có nhiều biểu hiện tiêu cực và lợi ích nhóm nên trong 10 năm qua, người dân đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền từ địa phương đến Trung ương nhưng đều không được giải quyết, đùn đẩy trách nhiệm hoặc chỉ là những lời hứa hẹn...
Sau nhiều lần người dân gửi đơn thì Cục III Thanh tra Chính phủ đã có ba lần tổ chức đối thoại với người dân vào các ngày 26/9, 30/10/2014 và 25/9/2015. Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, việc để UBND thị xã Dĩ An và UBND tỉnh Bình Dương ra văn bản thông báo đối thoại là trái với quy định của Luật Khiếu nại. Đồng thời đến nay, việc giải quyết đã hết thời hạn theo luật định. Chính điều này đã làm người dân không còn thấy tin tưởng nữa. Thêm vào đó, người dân cũng cho rằng những vấn đề mà họ khiếu nại đã rất rõ ràng, cụ thể nên chỉ cần đối thoại một lần là đủ, không nên kéo dài thời gian giải quyết và như thế nhằm bao che cho những sai phạm, để người mắc sai phạm được “hạ cánh an toàn” khi đến tuổi về hưu và trên thực tế đã có tình trạng này.
Hơn một năm qua, từ tháng 9/2014 đến nay, trong khi sự việc chưa được Thanh tra Chính phủ giải quyết thì trên thực địa, Ban Quản lý Dự án vẫn tiến hành lấy đất của người dân. Người dân nêu trường hợp của ông Huỳnh Văn A bị chiếm 356m2 đất nằm ngoài quy hoạch. Trước đây giữa đất của ông A và đất của các hộ dân liền kề đều có mốc giới nhưng hiện đã bị xóa hết, đây là việc làm trái pháp luật. Bên cạnh đó, khi giải quyết vụ việc của ông A, Thanh tra Chính phủ lại tách vụ việc ra cho cơ quan khác giải quyết, trong đó có sự tham gia giải quyết của Ban Quản lý Dự án. Trong khi đó, Ban Quản lý Dự án đang là đối tượng bị người dân khiếu nại, tố cáo. Chẳng lẽ đơn vị này lại đi “vạch trần” sai phạm của chính mình? Mặt khác, khi giải quyết vụ việc của ông A thì cơ quan có thẩm quyền lại hướng dẫn ông A khởi kiện ông Hoàng để đòi lại tiền đền bù. Cách giải quyết này là trái với quy định của pháp luật vì giả sử nếu diện tích 356m2 của ông A nằm trong diện quy hoạch thì người có lỗi chính là Ban Quản lý Dự án, bởi cơ quan này đã chi sai đối tượng nên phải tiếp tục chi trả cho ông A chứ không thể yêu cầu ông A khởi kiện ông Hoàng được.
Áp dụng sai Luật Đất đai?
Thêm vào đó, trong ba lần đối thoại, các ngành chức năng của UBND thị xã Dĩ An và UBND tỉnh Bình Dương cho rằng đã đúng trong việc áp dụng Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ; chỉ cần UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 4653 ngày 13/11/2003 chứ không cần UBND huyện Dĩ An (nay là thị xã Dĩ An) ban hành quyết định thu hồi đất từng phần và cũng không cần ban hành quyết định công bố bồi thường. Người dân không đồng ý với lập luận trên bởi cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc áp giá đền bù cho người dân sau ngày 1/7/2004 thì vì lý do gì mà phải áp dụng Luật Đất đai năm 1993? Bên cạnh đó, Điều 28 Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó”. Toàn bộ đất của người dân được UBND huyện Dĩ An giao thì nhất định phải do UBND thị xã Dĩ An thu hồi thì mới đúng. Tại buổi đối thoại ngày 25/9/2015, UBND thị xã Dĩ An và UBND tỉnh Bình Dương viện dẫn Điều 23 Luật Đất đai năm 1993 là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật bởi Điều 23 chỉ quy định về thẩm quyền giao đất chứ không quy định về thẩm quyền thu hồi đất.
Người dân cho rằng, nếu không có quyết định thu hồi đất và không có quyết định công bố bồi thường thì mỗi người dân biết mình bị thu hồi diện tích đất bao nhiêu, và biết bồi thường bao nhiêu tiền? Và căn cứ nào để “vô hiệu” Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã cấp cho họ? Mặt khác, nếu Quyết định 4653 ngày 13/11/2003 là thu hồi đối với từng hộ dân thì tại sao UBND huyện Dĩ An lại tiếp tục cấp GCNQSDĐ đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Hiến, trong khi đất của ông Hiến vẫn nằm trong dự án xây dựng ĐHQG? Việc UBND huyện Dĩ An cấp GCNQSDĐ cho ông Hiến là câu trả lời và khẳng định rằng Quyết định 4653 chưa có giá trị thực hiện đối với từng hộ dân và cần phải có quyết định thu hồi đất từng phần. Không chỉ ông Hiến mà còn rất nhiều hộ dân vẫn được cấp GCNQSDĐ sau ngày Quyết định 4653 được ban hành. Ngoài ra, người dân thắc mắc là tại sao trong cùng một dự án nhưng có người lại có quyết định thu hồi đất từng phần, quyết định công bố bồi thường còn những hộ khác thì không có?
Ngoài ra trong vụ việc này, người dân cũng yêu cầu nếu Văn bản số 1071/UB-KT ngày 03/11/2004 của UBND huyện Dĩ An đã bị thu hồi thì những văn bản liên quan đến việc quy hoạch đối với phần đất của họ cũng phải hủy, như vậy mới đúng luật bởi Văn bản 1071 hứa hẹn đảm bảo quyền lợi của người dân sau này nên phần lớn người dân đã giao đất. Không thể thấy văn bản nào “bất lợi” thì ban hành quyết định thu hồi văn bản đó được. Việc chuyển chủ đầu tư trong dự án khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ đối với người dân là vi phạm Bộ luật Dân sự và Luật Đầu tư công. Việc áp giá đền bù 150.000đ/1m2 là không phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật bởi đất của người dân khi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có quyết định công bố bồi thường thì có nghĩa là đến nay đất vẫn chưa bị Nhà nước thu hồi…